Vai trò xung kích của các chiến sỹ thông tin trên mặt trận chống dịch

Dấn thân làm nghề, các phóng viên, nhà báo đã mang trên mình một trọng trách vô cùng to lớn nhưng cũng rất đỗi vinh quang, đó là những-chiến-sĩ-tuyến-đầu-chống-dịch.
Phóng viên kênh truyền hình Thông tấn VNews tác nghiệp tại khu vực có nguy cơ lây nhiễm. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)
Phóng viên kênh truyền hình Thông tấn VNews tác nghiệp tại khu vực có nguy cơ lây nhiễm. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

Lời tòa soạn:

Ngày 23/1/2020, Việt Nam có ca mắc COVID-19 đầu tiên. Cuộc chiến chống COVID-19 tại Việt Nam chính thức bắt đầu.

Hơn lúc nào hết, báo chí đã phát huy vai trò xung kích, tích cực trong suốt cuộc chiến chống dịch bệnh, kịp thời phản ánh các chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ về công tác phòng chống dịch.

Không chỉ cập nhật tin tức thời sự mà các phóng viên còn có những tuyến bài chuyên sâu, chất lượng, kịp thời phê phán những biểu hiện thiếu lành mạnh trong công tác phòng chống dịch, biểu dương những tấm gương tiêu biểu trong hoạt động phòng chống dịch và hỗ trợ người dân, như các y bác sỹ, lực lượng vũ trang, nhân viên phục vụ ở các điểm cách ly, các tổ chức, cá nhân đã có nhiều sáng kiến trong hoạt động này.

Dấn thân làm nghề, các phóng viên, nhà báo đã mang trên mình một trọng trách vô cùng to lớn nhưng cũng rất đỗi vinh quang, đó là những-chiến-sĩ-tuyến-đầu-chống- dịch, căng mình cùng các lực lượng để có thể mang lại sự bình an, an toàn cho cộng đồng và người dân trong cuộc chiến đầy cam go và cũng nhiều thử thách này.

Họ phải gác việc riêng, những bữa cơm không trọn vẹn, những giấc ngủ chập chờn… và thậm chí giấu cả những nỗi đau trong lòng để có thể hoàn thành công việc một cách nhanh nhất, chính xác nhất và chân thực nhất để người dân hiểu và đồng lòng cùng Chính phủ đẩy lùi đại dịch COVID-19.

Hoạt động của ngành nghề khác có thể tạm dừng, nhưng dòng tin tức của báo chí chưa bao giờ ngừng chảy…

Bài 1: Ở đâu có thông tin, ở đó có đội ngũ phóng viên

Trong bối cảnh cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 đầy chông gai và xác định đây là một cuộc chiến lâu dài, còn nhiều cam go, phức tạp, những người làm báo ngay từ những ngày đầu tiên đều luôn tự nhủ phải vượt lên mọi khó khăn, có mặt trên tất cả các “điểm nóng” của dịch bệnh COVID-19 cả ở trong và ngoài nước, để góp phần chung sức cùng cả hệ thống chính trị và nhân dân phòng, chống dịch bệnh.

Vai trò xung kích của các chiến sỹ thông tin trên mặt trận chống dịch ảnh 1Các phóng viên, nhà báo căng mình cùng các lực lượng tuyến đầu để có thể mang lại sự bình an, an toàn cho cộng đồng và người dân. (Ảnh: Nam Nguyễn/Vietnam+)

Thậm chí có trường hợp nhà báo đã bị nhiễm COVID-19, có tòa soạn phải ngừng in báo giấy, có nơi thành lập tòa soạn dã chiến… Tất cả để dòng thông tin không bị đứt gãy trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành.

Những bữa cơm gia đình không trọn vẹn

Cả gia đình đang quây quần bên mâm cơm, bỗng tiếng chuông điện thoại vang lên, chị Cao Thùy Giang, phóng viên Báo điện tử VietnamPlus nhìn nhanh vào màn hình: Tin từ Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19!

Ngay lập tức chị Giang rời bàn ăn để kịp gửi tin lên tòa soạn trong thời gian nhanh nhất có thể…

Từ lâu, gia đình chị Giang đã quen thuộc với việc này. Hai con trai 6 tuổi và 9 tuổi của chị Giang thấy mẹ đặt bát cơm xuống, mở máy tính lên thì hiểu ngay là mẹ cần phải làm việc. Hai anh em tự giác bảo nhau ăn xong bữa và không làm phiền mẹ.

Vai trò xung kích của các chiến sỹ thông tin trên mặt trận chống dịch ảnh 2Nhà báo Cao Thùy Giang, Báo điện tử VietnamPlus nhận giải thưởng báo chí. (Ảnh: Tá Hiển/Vietnam+)

Theo dõi mảng y tế hơn 10 năm, phóng viên Cao Thùy Giang đã quá quen với việc cứ có sự kiện “nóng” liên quan đến lĩnh vực y tế là phải đưa tin ngay tức khắc, bất kể ngày hay đêm, ngày nghỉ hay ngày thường. Dù vậy, với chị, đây là đợt chiến đấu dài lâu, cam go và nhiều lo lắng nhất.

Thỉnh thoảng chị Giang bị đau dạ dày vì cường độ công việc căng thẳng, có khi vừa ăn vừa làm, thường ăn quá bữa, nhưng chị hiểu rằng không phải chỉ có riêng mình vất vả.

“Không nói đâu xa, sau khi tôi gửi tin bài lên hệ thống thì hiệu đính sẽ phải biên tập rồi sau đó có lãnh đạo duyệt bài. Phóng viên thức chờ tin thời sự thì cũng có những người khác tiếp tục phần việc ở những khâu tiếp theo,” chị Giang cho hay.

Với nhà báo Việt Hoa hiện đang theo dõi mảng y tế tại Báo Bắc Ninh, mỗi khi dịch bệnh bùng phát, chị phải làm việc với cường độ cao gấp đôi, gấp ba ngày thường. Đặc biệt, trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4 này, Bắc Ninh là một trong những “điểm nóng” và chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với hàng chục ca mắc mới mỗi ngày.

Do áp lực công việc, chị Việt Hoa cho hay đồng hồ sinh học của bản thân cũng thay đổi. Mỗi ngày, thường chị Hoa chỉ ngủ khoảng 4-5 giờ, song bất kể đi ngủ lúc mấy giờ thì sáng sớm cứ khoảng 5 giờ là chị Hoa lại thức giấc.

Chị Hoa gần 40 tuổi nhưng con thứ hai còn nhỏ, chưa đầy 3 tuổi. Cháu bé kén ăn, hay ốm vặt. Đầu đợt dịch, con ốm hơn chục ngày, nhưng mẹ đi làm từ sáng sớm đến tối khuya nên mọi việc ăn uống, tắm rửa, thuốc men đều do bà ngoại và bố lo hết. “Nhiều hôm tôi đi làm khi con chưa ngủ dậy, tối về thì con đã ngủ rồi. Ngắm con ngủ mà thấy xót xa, bởi không tự tay chăm sóc con được, không thể lại gần ôm con bởi những ngày đó mẹ đi nhiều nơi, nguy cơ nhiễm bệnh rình rập,” chị Hoa nói.

Do công việc vất vả như vậy nên bà ngoại đã từ quê lên giúp vợ chồng chị trông cháu cũng như đỡ đần việc nhà để chị Hoa yên tâm công tác.

Từ khi Bắc Ninh bùng dịch, chị Hoa thường xuyên ăn bữa trưa vào lúc 2 giờ chiều, bữa tối vào lúc 21-22 giờ do thời gian làm việc kéo dài, phải đưa tin thời sự, cập nhật tình hình dịch liên tục.

Cậu con trai lớn 13 tuổi có hôm bảo mẹ: “Lâu lắm rồi cả nhà mình không có bữa cơm nào ăn đúng giờ và có đủ cả nhà.” Câu nói hồn nhiên của con trẻ khiến người mẹ nhói lòng.

Cuộc chiến không của riêng ai

Câu chuyện giữa phóng viên và chị Việt Hoa nhiều lần đứt quãng vì chị quá bận. Xuyên suốt những cuộc trò chuyện, chị nhiều lần nhắc đến hai từ “cố gắng.”

“Đại dịch xâm nhập, cả hệ thống chính trị-xã hội cùng vất vả, không riêng gì ai. Có những ngày tôi rời cơ quan lúc 23-24 giờ đêm, nhưng còn cả chục người trong êkíp vẫn phải ở lại để giải quyết công việc. Vậy nên, tất cả động viên nhau phải cố gắng,” phóng viên Việt Hoa cho biết.

Chị tâm sự rằng làm báo trước hết là vì tình yêu với nghề. Nghề nào cũng đều có cả được và mất, nhưng nghề báo còn cần trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp nữa.

Vai trò xung kích của các chiến sỹ thông tin trên mặt trận chống dịch ảnh 3Phóng viên Lê Danh Lam nhận giải thưởng của Công an tỉnh Bắc Giang ngay tại nơi anh đang tác nghiệp. (Ảnh: NVCC)

Anh Lê Danh Lam, phóng viên cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại tỉnh Bắc Giang nhận nhiệm vụ công tác tại địa bàn đúng lúc dịch bùng phát. Ngay lập tức, anh đã nhanh chóng nhập cuộc, cùng các đồng nghiệp hòa mình vào trận chiến chống dịch.

“Khi tác nghiệp, chúng tôi cảm nhận cái nóng oi bức trong những bộ đồ bảo hộ, sự mệt mỏi thiếu ngủ thâm quầng trên đôi mắt, nỗi lo âu thường trực trên mỗi khuôn mặt người dân nơi đây nhưng càng đi sâu vào tâm dịch, chúng tôi lại cảm nhận tình người càng trở nên thắm đượm hơn bao giờ hết,” anh Lam cho biết.

Đó là hình ảnh các chiến sỹ công an nhân dân giúp dân thu hoạch nông sản, các đoàn viên thanh niên tình nguyện lao vào tâm dịch để tiếp tế, các cá nhân đoàn thể liên tục gửi đồ ủng hộ người dân và các lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch… Những hình ảnh đó là nguồn động viên lớn để những phóng viên như anh Lam khắc phục khó khăn, tiếp tục lao vào tâm dịch. Họ cũng chính là niềm cảm hứng để các phóng viên viết nên những câu chuyện xúc động.
Phóng viên Báo VietnamPlus Cao Thùy Giang khẳng định rằng chị muốn góp một tiếng nói để mọi người hiểu hơn về dịch bệnh và không đứng ngoài cuộc chiến này.

“Chứng kiến các y bác sỹ vất vả, tôi thấy mình muốn góp chút công sức bé nhỏ để mọi người hiểu rằng họ đã vất vả, hy sinh như thế nào,” phóng viên Cao Thùy Giang cho biết.

Viết sao để không nhạt!

Bên cạnh việc cập nhật tin tức, tình hình dịch bệnh một cách nhanh nhất, các phóng viên luôn cố gắng dấn thân, tìm tòi để có những câu chuyện thấm đẫm nhân văn, mang hơi thở cuộc sống.

“Những thông tin thời sự rất quan trọng, tuy nhiên nhiều lúc tôi cũng cảm thấy nếu cứ đưa tin như vậy thì độc giả sẽ cảm thấy khô khan, tin bài không có một chút bản sắc riêng nào của bản thân mình cũng như chưa nói hết được sự vất vả của đội ngũ y bác sỹ và những lực lượng đang ngày đêm làm nhiệm vụ ngăn chặn dịch COVID-19. Tôi tự đặt mục tiêu cho mình rằng phải viết sao để không nhạt,” chị Giang tâm sự.

Do đó, chị đã đầu tư công sức để có những tuyến bài chất lượng, truyền tải những câu chuyện xúc động, đi vào lòng người.

Là nữ phóng viên, chị Giang ưu tiên dùng thiết bị nhỏ gọn để có thể tác nghiệp hiệu quả, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh còn phải đeo khẩu trang, mặc đồ bảo hộ. Tận dụng công nghệ giúp các phóng viên có thể tác nghiệp nhanh chóng, hiệu quả.

Chính vì vậy, chị luôn mang theo hai chiếc điện thoại sạc pin đầy đủ, một chiếc để ghi âm và một chiếc để quay phim, chụp ảnh.

Vai trò xung kích của các chiến sỹ thông tin trên mặt trận chống dịch ảnh 4Phóng viên ảnh Giang Nam của Báo điện tử Tổ quốc. (Ảnh: NVCC)

Chia sẻ kinh nghiệm tác nghiệp của mình, anh Nguyễn Giang Nam, phóng viên ảnh Báo điện tử Tổ quốc, cho hay với một phóng viên ảnh thì việc cần phải biết rõ địa điểm tác nghiệp, nội dung chương trình… để có thể chuẩn bị thiết bị phù hợp là điều vô cùng quan trọng, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều nơi bị phong tỏa hay cách ly.

“Phóng viên ảnh luôn có mặt ở những điểm nóng với nhiều đồ đạc lỉnh kỉnh. Khi tác nghiệp ở khu vực cách ly, phải mặc đồ bảo hộ nhiều lớp, đeo kính chống giọt bắn, nên chúng tôi cũng phải hạn chế mang theo quá nhiều thiết bị cũng như cần phải có sự chuẩn bị tốt nhất có thể, biết chọn lọc và chỉ mang theo những thứ cần thiết,” anh Nam chia sẻ.

Với anh Nam, động lực lớn nhất trong công việc chính là sự đam mê, muốn ghi lại những hình ảnh chân thực và quý giá hay đơn giản chỉ là những khoảnh khắc đời thường, mộc mạc và dung dị song cũng rất đỗi cao cả… của các đội ngũ y bác sỹ, chiến sỹ cũng như các lực lượng ở tuyến đầu trong công tác phòng chống dịch để truyền tải đến độc giả.

“Phóng viên ảnh phải đến sớm nhất và về muộn nhất, chưa rời hiện trường thì chưa cất máy bởi mọi khoảnh khắc quý giá có thể đến bất cứ lúc nào,” anh cho hay.

Khi trường học đóng cửa, phóng viên ảnh Giang Nam cũng phải gửi con về quê để ông bà trông. Một phần vì anh bận rộn với công việc, phần vì anh cũng muốn cách ly các con để đảm bảo an toàn.

“Nhiều lúc nhớ con, chỉ biết gọi Facetime về cho đỡ nhớ. Tôi tin rằng, với sự vào cuộc của toàn hệ thống xã hội, với vaccine, rồi những ngày khó khăn này cũng sẽ qua,” anh nói./.

Theo dõi các bài khác trong series:

Bài 2: Dòng chảy thông tin không thể bị đứt gãy

Bài 3: Đổi mới và thích ứng trong điều kiện “bình thường mới”

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục