VCCI: Cần hỗ trợ doanh nghiệp như ứng phó với dịch COVID-19

Các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hộ kinh doanh cá thể sẽ là đối tượng dễ bị tổn thương từ hệ quả của đại dịch, thậm chí là khủng hoảng về tài chính và hậu quả kinh tế nếu không có sự hỗ trợ kịp thời.
VCCI: Cần hỗ trợ doanh nghiệp như ứng phó với dịch COVID-19 ảnh 1Ra Tết, các đơn hàng xuất đi của Công ty phát triển Nông nghiệp và Tư vấn môi trường-Dace tăng mạnh. Nhưng khi COVID-19 ‘hoành hành’ ở châu Âu và Mỹ, Công ty ngay lập tức gặp khó khăn với lượng hàng tồn kho lên đến 30%-40%. (Ảnh CTV/Vietnam+)

Diễn biến đại dịch COVID-19 tiếp tục phức tạp và bùng phát mạnh mẽ trên toàn cầu, khiến cho kinh tế thế giới suy giảm nhanh và ngày càng nghiêm trọng. Trong bối cảnh đó, kinh tế trong nước cũng bị tác động ảnh hưởng không nhỏ và báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1 tăng trưởng 3,82% là mức thấp nhất trong một thập kỷ qua.

Các chuyên gia kinh tế nhận định trong bối cảnh này, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hộ kinh doanh cá thể sẽ là đối tượng dễ bị tổn thương từ hệ quả của đại dịch, thậm chí kéo theo đó khủng hoảng về tài chính và hậu quả kinh tế nếu không có sự hỗ trợ kịp thời.

Khó khăn ngắn hạn

Theo tính toán từ các chuyên gia của Trường Đại học Kinh tế Quốc, dự báo tăng trưởng GDP quý 2 vào khoảng 2%, thậm chí là suy thoái nếu xảy ra kịch bản xấu. Tuy nhiên, nhóm chuyên gia này cũng để ngỏ sự kỳ vọng mức tăng trưởng sẽ phục hồi trong quý 3 của năm.

Ông Nguyễn Bích Lâm-Tổng cục trưởng Tổng cụ Thống kê, cũng cho biết cơ quan này đã xây dựng hai kịch bản về khả năng dịch COVID-19 kéo dài tới hết quý 2 hoặc hết quý 3 song tăng trưởng GDP cả năm vẫn được dự báo trên 5%.

[Bài 3: Doanh nghiệp cần làm gì để tránh bẫy ‘tất cả mọi thứ đều đang rẻ’?]

Căn cứ vào tình hình dịch bệnh ở Việt Nam không quá nghiêm trọng, tại thời điểm hết tháng Ba, các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo mức tăng trưởng của Việt Nam sẽ là 4,9% trong năm 2020, giảm 1,6 điểm so với trước lúc đại dịch bùng nổ. Song báo cáo này cũng cùng quan điểm lạc quan với dự báo tăng trưởng năm 2021 có thể tăng vọt trở lại tới 7,5%, sau đó ổn định ở mức 6,5% vào năm 2022.

Thận trọng hơn, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố báo cáo “Triển vọng phát triển châu Á-ADO 2020" dựa trên tính toán các tác động từ cú sốc ban đầu của dịch COVID-19 ảnh hưởng đến nguồn cung của Việt Nam cũng như những tác động làm giảm mạnh về cầu tại các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư chính của Việt Nam. Các chuyên gia của ADB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2020 giảm xuống mức 4,8%. Tuy nhiên, nhóm chuyên gia đánh giá nền tảng của kinh tế Việt Nam vẫn duy trì nếu đại dịch được khống chế trong quý 2 và mức tăng trưởng kỳ vọng đạt 6,8% trong năm 2021.

VCCI: Cần hỗ trợ doanh nghiệp như ứng phó với dịch COVID-19 ảnh 2Công ty chế biến thủy sản Vạn Phần xuất sang thị trường Nhật đầu mùa dịch bệnh. Tuy nhiên từ ngày 1/4, Công ty đã cho công nhân nghỉ việc và tạm dừng sản xuất. (Ảnh CTV/Vietnam+)

Cần hỗ trợ các doanh nghiệp dễ tổn thương

Các chuyên gia kinh tế có chung nhận định, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hộ kinh doanh cá thể sẽ là đối tượng dễ bị tổn thương từ hệ quả của đại dịch, thậm chí kéo theo đó khủng hoảng về tài chính và hậu quả kinh tế.

Nhóm các chuyên gia của Trường Đại học Kinh tế Quốc thực hiện khảo sát 500 doanh nghiệp về tác động của dịch COVID-19 và kết quả cho thấy 93,9% doanh nghiệp nhìn nhận dịch bệnh đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ. Bên cạnh đó, 44,7% doanh nghiệp cho biết đã cắt giảm quy mô sản xuất, kinh doanh; 65,5% đơn vị thắt chặt chi phí thường xuyên; 35,3% cắt giảm lao động; 34% giảm lương nhân công và 34,5% doanh nghiệp đã cho lao động nghỉ việc không lương.

Đáng lưu ý, trong số các doanh nghiệp tham gia khảo sát có đến 34,7% các doanh nghiệp đã lựa chọn “ngủ đông” qua thời kỳ khó khăn và chỉ có 15,1% doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh cho phù hợp bối cảnh mới.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia WBViệt Nam cho rằng Chính phủ cần khẩn trương triển khai các hoạt động hỗ trợ, đặc biệt cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh cá thể đồng thời tiếp tục hoàn thiện thể chế, môi trường kinh doanh để thúc đẩy khu vực này phát triển và minh bạch hơn.

VCCI: Cần hỗ trợ doanh nghiệp như ứng phó với dịch COVID-19 ảnh 3Mặc dù, trái cây tại đồng bằng sông Cửu Long đang mùa thu hoạch song Công ty Đại Thuận Thiên đã phải dừng thu mua nông sản của người dân do khó khăn trong vận chuyển hàng ra miền Bắc. (Ảnh CTV/Vietnam+)

Cụ thể hơn, ông Nguyễn Bích Lâm đề xuất chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực hộ kinh doanh cá thể bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 trong việc tìm thị trường nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tận dụng khai thác thị trường trong nước, cải cách sản phẩm và dịch vụ đáp ứng nội nhu của nền kinh tế với gần 100 triệu dân.

“Tiêu dùng trong dân mạnh và ổn định là yếu tố quan trọng giúp cho tăng trưởng GDP của nền kinh tế nên cần có chính sách đưa hàng hóa Việt Nam thay thế dần hàng nhập khẩu. Do đó, phải chú trọng nâng cao tính phù hợp và tiện ích của hệ thống bán lẻ, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa. Thực hiện hiệu quả chương trình ‘Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam’ đồng thời vận động người dân ưu tiên dùng hàng trong nước, ủng hộ doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong giai đoạn khó khăn,” ông Lâm nhấn mạnh.

Đại diện cho khối doanh nghiệp, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Vũ Tiến Lộc cho hay VCCI đang tiếp tục triển khai khảo sát trên diện rộng các doanh nghiệp để đánh giá về thực trạng ảnh hưởng của đại dịch tới hoạt động sản xuất, kinh doanh và đặc biệt là vấn đề việc làm của người lao động.

Trước đó, VCCI cũng đã kiến nghị với Chính phủ về 12 giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn từ dịch bệnh COVID-19; trong đó đề xuất thực hiện gói kích cầu để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp và bảo đảm tiêu dùng cho người dân. Mặt khác, VCCI cũng đề nghị bổ sung quy định về hộ kinh doanh trong luật doanh nghiệp để bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích đồng thời thúc đẩy phát huy hết tiềm năng và đóng góp của hộ kinh doanh vào nền kinh tế, góp phần tạo môi trường kinh doanh minh bạch và bình đẳng.

Thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, như giãn, hoãn và giảm thuế, phí, giảm lãi suất và nới lỏng các điều kiện tín dụng, đẩy mạnh cải cách hành chính…

Tại phiên họp Chính phủ  thường kỳ tháng Ba, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tiếp tục quyết liệt, kiên trì phấn đấu không để nền kinh tế bị “đổ gãy." Để đạt mức tăng trưởng cần thiết đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, Chính phủ định hướng đẩy mạnh các công cụ kinh tế cần áp dụng như kích thích tài khóa thông qua giảm, giãn thuế, phí và giảm chi tiêu công... Thủ tướng cũng yêu cầu nhất quán quan điểm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị VND, thị trường ngoại hối…

Tuy nhiên, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng việc triển khai các giải pháp này còn chậm và cho biết VCCI sẽ tiếp tục kiến nghị cũng như thúc đẩy thực thi với mong muốn các giải pháp đối với doanh nghiệp cũng được triển khai quyết liệt và khẩn trương như các giải pháp đối phó với đại dịch COVID-19./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục