VCCI: Điều chỉnh tăng lương tối thiểu thêm 23% là chưa phù hợp

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng lộ trình tăng lương tối thiểu từ nay đến năm 2015 thêm 23% là chưa phù hợp, và đề nghị tăng lương năm 2015 chỉ nên ở mức 14%.
VCCI: Điều chỉnh tăng lương tối thiểu thêm 23% là chưa phù hợp ảnh 1Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc. (Nguồn: Thống Nhất/TTXVN)

Liên quan tới đề xuất tăng lương tối thiểu lên 23% trong năm 2015 của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có cuộc trao đổi với báo chí về vấn đề này.

- Thưa ông, đề xuất tăng lương tối thiểu vào thời điểm hiện nay có hợp lý hay không? Và liệu việc tăng lương như đề xuất có là gánh nặng cho doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn?

Ông Vũ Tiến Lộc: Vẫn biết đời sống của người lao động còn nhiều khó khăn, tiền lương tối thiểu chưa đảm bảo được cuộc sống tốt cho người lao động nhưng việc tăng lương phải phù hợp với điều kiện của nền kinh tế và sức chịu đựng của các doanh nghiệp. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp vừa phải trải qua những thử thách nghiệt ngã và mới bắt đầu có dấu hiệu phục hồi.

Mấy năm qua, hàng năm có trên 60% doanh nghiệp không có khả năng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và trong 6 tháng đầu năm 2014, tình hình tuy có sáng sủa hơn nhưng vẫn có hơn 33.000 doanh nghiệp đã phải đóng cửa, giải thể và xu hướng này vẫn đang tiếp tục.

Thực trạng này cho thấy tình hình các doanh nghiệp đang rất khó khăn. Tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng tăng lên. Thêm vào đó, nhiều chi phí như vận tải, xăng dầu, điện nước,… đang đồng loạt tăng giá đè nặng lên vai doanh nghiệp, việc đa dạng hóa thị trường cũng đang phát sinh nhiều chi phí và cần phải có thời gian.

Chính vì vậy, lộ trình tăng lương tối thiểu phải tính đến việc đảm bảo duy trì sự tồn tại và tăng trưởng của doanh nghiệp. Nếu không, tình trạng thất nghiệp sẽ gia tăng và chúng ta không có khả năng tạo thêm các cơ hội việc làm mới cho một nền kinh tế có lực lượng lao động trong độ tuổi lao động lớn như Việt Nam, và mỗi năm có nhu cầu tạo thêm 1,7 đến 2 triệu việc làm để bảo đảm ổn định xã hội.


- Việc tăng tăng lương tối thiểu sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến tình trạng thất nghiệp của lực lượng lao động, thưa ông?

Ông Vũ Tiến Lộc: Khi tăng lương tối thiểu với quy mô lớn vượt quá sức chịu đựng của nền kinh tế sẽ có khả năng giảm đáng kể số lượng việc làm được tạo ra.

Hiện nay ở Việt Nam, số lao động trong doanh nghiệp có bảo hiểm xã hội chỉ khoảng 7,5 đến 8 triệu người, trong số đó, số người có thu nhập xoay quanh mức lương tối thiểu chỉ khoảng 3 triệu, nhưng dân số trong độ tuổi lao động của Việt Nam lên tới 55-56 triệu người.

Vì thế, cùng với việc nâng cao lương tối thiểu, tạo điều kiện tốt hơn cho người lao động đang có việc làm, phải quan tâm để không làm mất cơ hội được gia nhập vào đội ngũ lao động trong các ngành công nghiệp của một phần không nhỏ trong số gần 50 triệu người hiện còn đang làm việc trong khu vực phi chính thức hoặc nông nghiệp với năng suất thấp.

Theo kết quả nghiên cứu của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) về quan hệ giữa tiền lương và năng suất lao động thì Việt Nam cùng một số nước đang có mức lương thu nhập cao hơn so với năng suất tạo ra. Trong khi các quốc gia cạnh tranh chính của Việt Nam kể cả các quốc gia có mức phát triển cao hơn như Thái Lan, Malaysia, Indonesia,… thì đều có mức thu nhập thấp hơn so với năng suất được tạo ra

Do vậy, cần cân nhắc sao cho tăng lương không làm suy giảm năng lực cạnh tranh quốc gia, tiếp tục khuyến khích và thúc đấy đầu tư trong và ngoài nước để có thể nhắm tới mục tiêu dài hạn là kinh tế phát triển mạnh, tạo việc làm nhiều hơn qua đó có điều kiện tăng lương từ thực lực doanh nghiệp.


- Liên quan đến vấn đề tăng lương tối thiểu, ông có đề xuất gì nhằm đảm bảo quyền lợi doanh nghiệp và đời sống người lao động?

Ông Vũ Tiến Lộc: Việc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất tăng lương tối thiểu cho người lao động với mức tăng từ 30-35% vào năm 2017- lộ trình từ nay đến năm 2015 tăng thêm 23% so với mức đang áp dụng (vùng 1 đạt 3,4 triệu đồng/tháng và vùng 4 phải đạt 2,3 triệu đồng/ tháng) là chưa phù hợp.

Chúng tôi đề nghị phương án điều chỉnh lương trung bình năm 2015 tăng tối đa chỉ khoảng 14% so với năm 2014. Sau đó, tùy thuộc vào tình hình kinh tế, mức độ tăng giá tiêu dùng và tốc độ tăng năng suất lao động nếu trong các năm 2016, 2017, 2018 chúng ta tăng bình quân khoảng 15%/năm thì đến 2018 mức lương tối thiểu sẽ đáp ứng được nhu cầu tối thiểu.

Tuy nhiên việc nghiên cứu và khảo sát định lượng về mức sống tối thiểu ở Việt Nam cũng cần được thực hiện bài bản, chuyên nghiệp và có cơ sở hơn.


- Liệu mức tăng 14% vào năm 2015 như ông đề xuất có đảm bảo đời sống người lao động, thưa ông?

Ông Vũ Tiến Lộc: Trong tình hình kinh tế khó khăn, doanh nghiệp, Chính phủ và người lao động phải đồng cam cộng khổ, thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng. Việc tăng lương tối thiểu cho khu vực công chức, viên chức và các đối tượng hưởng tiền lương, trợ cấp từ ngân sách nhà nước cũng đã không được thực hiện theo lộ trình quy định (tiền lương tối thiểu trong khu vực nhà nước năm 2013 chỉ đạt 1.150.000 đồng, thay vì 1.350.000 đồng như dự kiến, và năm 2014 chưa tăng vì không có nguồn thu).

Như vậy, mức tăng lương tối thiểu 14% trong năm 2015, nếu được thực hiện, theo tôi đã là một nỗ lực lớn của cộng đồng doanh nghiệp.

Mức 14% đủ bù cho 5% dự kiến cho mức tăng của giá cả sinh hoạt (CPI), 3% cho mức tăng năng suất và 6% để rút ngắn khoảng cách giữa mức lương tối thiểu và mức sống tối thiểu.

Nếu theo phương án này, sau khi loại trừ yếu tố giá, thì mức tăng lương tối thiểu năm 2015 đã đạt gấp ba lần mức tăng năng suất (9% so với 3%).

Khi mức lương tối thiểu lên 14% thì thực tế quỹ lương của doanh nghiệp chi trả cho người lao động tăng lên tới gần 20%, vì ngoài mức tăng lương, doanh nghiệp phải chi trả thêm mức đóng các loại bảo hiểm, phí công đoàn...

Ngoài ra, các chi phí nhà xưởng, điện nước, khấu hao máy móc thiết bị, bảo hành... cũng tăng do ảnh hưởng kép của việc thay đổi mức lương tối thiểu. Đó là thách thức lớn mà các doanh nghiệp phải đương đầu, vượt qua.

Nếu không có giải pháp tích cực về quản trị, công nghệ và chất lượng nguồn nhân lực để tăng năng suất thì việc tăng lương này sẽ làm suy giảm mạnh năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Phải làm sao để việc tăng tiền lương phải trên cơ sở tăng năng suất lao động và hiệu quả, để việc tăng tiền lương diễn ra đồng thời với việc mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo ra nhiều việc làm mới đàng hoàng cho người dân và cho nền kinh tế.

- Xin cảm ơn ông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục