“Xây dựng và định hình một tương lai không rác thải và tiến tới năm 2025, toàn bộ bao bì sản phẩm của Nestlé Việt Nam đều có thể tái chế và tái sử dụng, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động về bình đẳng giới, tăng cường quyền năng cho phụ nữ tại nơi làm việc và trong suốt chuỗi giá trị của công ty.”
Đây là những cam kết được ông Binu Jacob, Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam, Đồng Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam tại Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam (VCSF 2020) với chủ đề “Phát triển bền vững trong thập niên mới: Biến thách thức thành cơ hội,” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI) phối hợp tổ chức, ngày 10/12.
Phát triển bền vững là con đường duy nhất
- Bộ chỉ số Bền vững doanh nghiệp (CSI) là thước đo giá trị của doanh nghiệp dựa trên các tiêu chí về phát triển bền vững, ông đánh giá thế nào về tính hiệu quả của CSI trong quản trị doanh nghiệp?
Ông Binu Jacob: Phát triển bền vững là xu hướng tất yếu trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Tuy nhiên, phát triển bền vững bao gồm nhiều lĩnh vực từ kinh tế, môi trường đến xã hội. Theo đó, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam xây dựng bộ chỉ số CSI với các tiêu chí về phát triển bền vững dựa trên 3 trụ cột hài hòa giữa “kinh tế-xã hội-môi trường,” theo chuẩn mực quốc tế có tính đến thực tiễn Việt Nam. Có thể thấy, CSI như một thước đo, giúp định hướng, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện để nâng cao trình độ quản trị, hiệu quả kinh doanh, phát triển thân thiện môi trường đồng thời hướng tới các giá trị nhân văn hơn. Trên thực tế, CSI được xem như là một công cụ ghi nhận các mục tiêu, đo lường và quản lý về sự thay đổi và giúp hoạt động của doanh nghiệp được bền vững hơn.
Tại Nestlé Việt Nam có một uỷ ban về bền vững, tại đây có các nhóm công tác khác nhau được tổ chức họp hàng tháng, để thảo luận hướng đến phát triển bền vững. Chúng tôi xác định đồng hành cùng các bên liên quan và phát triển bền vững một cách toàn diện, là chiến lược vượt qua khủng hoảng, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 gây nhiều tác động sâu rộng đến đời sống kinh tế-xã hội.
Tôi tin rằng, nếu doanh nghiệp chỉ tập trung vào kết quả lợi ích ngắn hạn, trước mắt thì sẽ khó đi xa, vì vậy các doanh nghiệp muốn vươn cao thì phát triển bền vững và đây là con đường duy nhất.
- Ông có thể chia sẻ những mục tiêu mà Nestlé Việt Nam đã lựa chọn để thực hiện phát triển bền vững?
Ông Binu Jacob: “Tạo giá trị chung” là nền tảng cho chiến lược phát triển bền vững của Neslé, điều này mang lại lợi ích lâu dài cho công ty và cộng đồng. Các cá nhân-gia đình, cộng đồng và hành tinh là ba nhóm tác động mà công ty luôn hướng đến với những nỗ lực gắn kết thông qua các cam kết chung.
Với những cam kết đó, Nestlé kỳ vọng đạt được mục tiêu đến năm 2030 phù hợp với lộ trình của các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hiệp Quốc (SDGs). Để làm được điều này, chúng tôi đang phối hợp với tất cả đối tác liên quan nhằm nỗ lực để đạt được các mục tiêu SDGs tại tất cả các thị trường mà Nestlé hoạt động, bao gồm tại Việt Nam. Và, thông qua báo cáo bền vững hàng năm, Nestlé sẽ đo lường và đánh giá được tiến bộ thực hiện và mức đạt các mục tiêu SDGs.
Để tối đa hóa nguồn lực cũng như đảm bảo tiến độ đạt được, hiện nay chúng tôi tập trung giải quyết những mục tiêu mà Việt Nam và thế giới cùng ưu tiên. Như việc ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu, chúng tôi giảm thiểu lượng phát thải CO2 trong toàn bộ hoạt động và chuỗi cung ứng của công ty cũng như bảo vệ nguồn tài nguyên nước bền vững.
Trở thành tham chiếu cho cà phê Robusta thế giới
- Những sáng kiến điển hình nào Nestlé Việt Nam mang lại lợi ích cho cộng đồng và được ghi nhận trong thời gian qua?
Ông Binu Jacob: Tôi muốn khẳng định những lĩnh vực kinh doanh của Nestlé luôn song hành cùng lợi ích của xã hội và luôn xoay quanh nguyên tắc kinh doanh cốt lõi “Tạo giá trị chung.” Nhờ đó, gần đây nhất Nestlé Việt Nam đã được Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) vừa trao giải thưởng Nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ (WEPs) với những cam kết và thành tích đạt được.
Một sáng kiến khác được cộng đồng ghi nhận và đánh giá tích cực đó là Dự án NESCAFÉ Plan-gắn kết nông dân phát triển cà phê bền vững. Bắt đầu từ năm 2011, NESCAFÉ Plan giới thiệu hàng loạt cải tiến kỹ thuật và áp dụng công nghệ mới, tạo tác động đến sự phát triển bền vững trong ngành cà phê Việt Nam, từ đó nâng cao đời sống của người nông dân, mở ra các liên kết chuỗi đồng thời gia tăng chất lượng cùng giá trị cho hạt cà phê Việt Nam, hướng đến mục tiêu đưa Việt Nam trở thành tham chiếu cho cà phê Robusta thế giới.
Kết quả sau 10 năm, chương trình này đã phân phối trên 46 triệu cây giống kháng bệnh năng suất cao tới người nông dân và cải tạo 46.000 hecta diện tích cà phê già cỗi tại khu vực Tây Nguyên thông qua hoạt động tái canh. Thời gian qua, hơn 260.000 lượt nông dân được tập huấn và đào tạo kỹ thuật canh tác bền vững, nhờ đó 21.000 nông hộ đạt chứng chỉ cà phê quốc tế 4C. Một giá trị bền vững khác không thể không nhắc đến, chương trình NESCAFÉ Plan đã góp phần tiết kiệm 40% lượng nước tưới và giảm 20% lượng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu và tăng trên 30% thu nhập cho người nông dân.
Ngoài ra, Nestlé Việt Nam thực hiện nghiêm túc cam kết xây dựng và định hình một tương lại không rác thải. Đến nay, tất cả các nhà máy của công ty tại Việt Nam đạt mục tiêu không xả chất thải rắn chôn lấp ra môi trường. Bên cạnh đó, chúng tôi đang thực hiện việc tìm kiếm các vật liệu thay thế thân thiện hơn với môi trường, như sử dụng ống hút giấy có chứng nhận FSC cho các sản phẩm dinh dưỡng uống liền.
- Nestlé Việt Nam đã lan tỏa những giá trị bền vững đến với cộng đồng, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19?
Ông Binu Jacob: Để tạo hiệu ứng lan tỏa, chúng tôi tích cực truyền thông thay đổi nhận thức đồng thời hợp tác với các đối tác, doanh nghiệp trong cộng đồng để tạo sự ảnh hưởng lớn hơn. Cụ thể, Nestlé Việt Nam và La Vie Việt Nam đã trở thành hai thành viên sáng lập Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam).
Đối với cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra, chúng tôi đặt sức khỏe và tính mạng con người lên hàng đầu với chiến lược ưu tiên “5+1” để ứng phó với khủng hoảng, đó là: Đảm bảo sự an toàn cho nhân viên; Tối ưu hóa chuỗi cung ứng; Tối ưu hóa kênh phân phối và bán lẻ; Tiếp cận linh hoạt với người tiêu dùng với các sáng kiến quảng cáo; Chung tay hỗ trợ Chính phủ và cộng đồng. Và, cuối cùng là quản lý khả năng tài chính của công ty.
Bên cạnh đó, đảm đương vai trò Đồng Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (VBCSD), mục tiêu của chúng tôi là truyền cảm hứng và giúp cộng đồng doanh nghiệp nhận thức được và thực thi vai trò một doanh nghiệp có mục tiêu phát triển bền vững. Chúng tôi tin rằng qua việc chia sẻ những kinh nghiệm và bài học thực tiễn, các doanh nghiệp có thể cùng nhau phát triển lớn mạnh theo những mục tiêu đã đề ra.
Ngoài ra, hợp tác công-tư là yếu tố tất yếu để đạt những kết quả tối ưu nhất trong phát triển bền vững. Chính phủ và doanh nghiệp, mỗi bên cần chủ động trong việc đưa các ý kiến và hợp tác vì sự phát triển bền vững. Và, Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam là một nơi những các tổ chức và nhà hoạch định chính sách trong nước và quốc tế ngồi lại cùng nhau để cùng đưa ra các quyết sách và giải pháp hữu hiệu./.
Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) được thành lập năm 2010 theo sự phê duyệt của Chính phủ, là tổ chức định hướng doanh nghiệp, nơi quy tụ những doanh nghiệp và các tổ chức xã hội uy tín ở Việt Nam tiên phong trong thực hiện phát triển bền vững. VBCSD giữ vai trò cầu nối giúp tăng cường phối hợp chặt chẽ và đối thoại giữa cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ và các đối tác trong xã hội để đẩy mạnh phát triển bền vững. VBCSD hiện cũng là một trong 69 đối tác thuộc Mạng lưới toàn cầu của Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững thế giới (WBCSD). |