Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang bùng phát ở 1 số địa phương, nhiều người vẫn đang chờ diễn biến của dịch để mua vé tàu, máy bay, xe khách đi lại trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán. Vì thế, số lượng vé cung ứng của các đơn vị vận tải năm nay đang đứng trước nguy cơ ế ẩm dù đã công bố kế hoạch mở bán vé Tết từ sớm.
Vé máy bay Tết giá rẻ, số lượng còn nhiều
Khảo sát trên các kênh bán vé trực tuyến, vé bay khứ hồi chặng Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh ngày 31/12/2021 và về ngày 2/1/2022, hãng Vietnam Airlines có mức giá phổ thông gần 3,2 triệu đồng; Vietjet có mức giá chưa đến 2 triệu đồng. Hãng hàng không Bamboo Airways có mức giá chỉ là 2,8 triệu đồng bao gồm thuế, phí.
Nếu đặt vé máy bay từ Hà Nội đi Đà Nẵng, hành khách chỉ phải trả trên dưới 2 triệu đồng nếu bay Vietnam Airlines và khoảng trên dưới 1,2 triệu đồng nếu bay Vietjet (hạng economy).
Với một số điểm du lịch “nóng” dịp cuối năm như Đà Nẵng, Phú Quốc, Côn Đảo, giá vé của các hãng bay có phần cao hơn.
Cụ thể, vé chặng Hà Nội-Côn Đảo bay thẳng của Bamboo Airway trong đầu tháng 1/2022 có giá thấp nhất từ 2.199.000 đồng đến 4.799.000 đồng/chặng. Hà Nội-Đà Nẵng dịp Tết Dương lịch của Vietnam Airlines cũng có giá từ 623.000 đồng/chặng cho đến 3.672.000 đồng chặng với vé hạng thương gia. Hà Nội-Phú Quốc lại cao hơn hẳn, giá vé dao động từ 2.190.000đ-4.090.000 đồng/chặng với hạng phổ thông.
Nếu đặt vé Vietnam Airlines bay ra Hà Nội vào ngày đầu tiên của kỳ nghỉ Tết Âm lịch (ngày 29/1, tức 27 tháng Chạp) và bay vào TP.HCM vào ngày cuối cùng (ngày 6/2, tức ngày mùng 6 Tết), giá vé khứ hồi của Vietnam Airlines ở mức xấp xỉ 7,2 triệu đồng (đã bao gồm thuế phí). Khách bay Vietjet giá vé khoảng 4,4 triệu đồng/vé khứ hồi. Nếu chọn bay Bamboo Airways, hành khách sẽ phải trả khoảng 5,4 triệu đồng cho một cặp vé khứ hồi.
[Cục Hàng không đề nghị tăng tần suất nhiều đường bay cao điểm Tết]
Vào mọi năm, anh Phạm Văn Thi thường đặt vé cùng gia đình ra Hà Nội đón Tết Dương lịch cùng với ông bà ngoại. Tuy nhiên, năm nay dịch bệnh khó lường nên anh cũng không yên tâm đi lại.
“Diễn biến dịch bệnh tại Hà Nội giờ đang rất phức tạp. Nếu phải cách ly tại nhà thì tôi sẽ không về. Khi dịch được kiểm soát tốt hơn, lúc đó mua vé sau cũng không muộn, đắt hơn một chút cũng phải chấp nhận. Đặt vé bây giờ mà hủy chuyến bay thì thủ tục hoàn vé trong điều kiện dịch bệnh cũng phức tạp, thời gian kéo dài,” anh Khánh chia sẻ.
Trong giai đoạn từ ngày 19/1/2022 đến 16/2/2022 (cao điểm Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022), Cục Hàng không đề nghị tăng tải cung ứng (từ 1,5 đến 2 lần) so với giai đoạn từ 29/12/2021 đến 18/1/2022 trên các đường bay Hà Nội đi/đến Thành phố Hồ Chí Minh, từ Thành phố Hồ Chí Minh đi/đến Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh đi/đến Vinh, Thanh Hóa, Hải Phòng, Khánh Hòa, Phú Quốc, Bình Định.
Các đường bay khác khai thác với tần suất như giai đoạn từ 29/12/2021 đến 18/01/2022 (tần suất 9 chuyến/ngày).
Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, tổng cung ứng dự kiến cho dịp cao điểm Tết Nguyên đán là 14.000 chuyến bay với khoảng 2,7 triệu ghế cung ứng.
Tàu hỏa và xe khách vắng bóng “thượng đế”
Với đường sắt, hiện tại, có nhiều người vẫn đang chờ diễn biến của dịch, nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt thì lúc đó họ mới yên tâm về. Năm nay, việc đi lại còn phụ thuộc nhiều vào hình kinh tế. Giá vé từ nay đến Tết ngành đường sắt sẽ giữ nguyên các mức ưu đãi, khuyến mại và không tăng giá so với mức đã niêm yết trước đó. Theo đó, ghế ngồi mềm tuyến Bắc-Nam hiện nay có giá gần 1 triệu đồng, giường nằm cũng gần 1,5 triệu đồng
Bà Phạm Thị Anh Đào, Trạm trưởng Trạm vận tải đường sắt Hà Nội (Công ty cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội) đánh giá vài năm trở lại đây, người dân ít mua vé tàu sớm do lượng vé nhiều, ngoài tàu hỏa còn rất nhiều lựa chọn như ôtô, máy bay giá rẻ. Đa số hành khách thường mua vé gần sát Tết nên lượng vé mở bán sớm không tiêu thụ được nhiều. Năm ngoái, sát Tết Nguyên đán bất ngờ bùng dịch khiến hành khách ào ào đến các ga trả vé, năm nay dịch kéo dài suốt cả năm khiến mọi người đều ngại mua vé Tết.
Ngoài tâm lý e ngại dịch, bà Đào cũng nhìn nhận nhiều người dân tại các tỉnh cũng đã về quê thời điểm hết giãn cách từ một vài tháng trước. Mặt khác, năm nay cũng thiếu hụt lượng lớn hành khách là sinh viên các trường đại học do chưa nhập học.
[Mới có hơn 6.600 vé tàu Tết được đặt mua sau hơn 1 tháng mở bán]
Do khách đi tàu quá vắng, ngành đường sắt chỉ chạy hằng ngày 2 đôi tàu khách Thống nhất tuyến Bắc-Nam. Dù vậy, mỗi chuyến xuất phát từ ga Hà Nội cũng chỉ có hơn 100 hành khách, chủ yếu đi chặng ngắn, xa nhất chỉ đến Vinh. Tuyến Hà Nội-Hải Phòng hằng ngày cũng chỉ chạy 1 đôi tàu khách, còn các tuyến và các tàu chặng ngắn khác đều không chạy tàu khách.
Vào những năm chưa có dịch COVID-19, các đơn vị bến xe đều công bố kế hoạch tăng cường lượng xe để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, trong 2 năm trở lại đây, Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội đều không có bất cứ thông báo nào và đến giờ việc mong ngóng nhất là các nhà xe quay trở lại bến hoạt động.
“Lượng xe đăng ký chạy ở bến mới chỉ đạt có 30-40% ở 1 số tuyến ngắn. Có xe khách từ bến ra tới cổng chỉ có lái và phụ xe. Hành khách lo ngại dịch và các quy định của địa phương nên hạn chế đi lại, trong khi xe hợp đồng hoạt động nhiều cũng khiến xe ngày một vắng khách,” lãnh đạo một bến xe than thở.
Nguyên nhân vé máy bay tàu hỏa và xe khách còn dồi dào và ế ẩm được các đơn vị trong ngành vận tải đưa ra là do diễn biến của dịch COVID-19 vẫn còn phức tạp. Các ca lây nhiễm trong cộng đồng còn cao nên đã ảnh hưởng đến tâm lý đi lại của nhân dân.Thực tế, chỉ những người thực sự có nhu cầu về công việc, thăm thân mới sử dụng dịch vụ đi lại bằng vận tải. Còn các nhu cầu không cấp thiết khác, đặc biệt là du lịch, người dân tiết giảm tối đa do e ngại nhiễm COVID-19 khi tham gia giao thông công cộng./.