Khởi nguyên từ bao giờ, không còn ai nhớ rõ, chỉ biết trò đấu vật đã gắn liền với làng Yên Nội, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai, Hà Nội, từ bốn trăm năm nay, cùng với sự ra đời của ngôi đình làng.
Cũng có đến đây mới hiểu, vì sao người ta đặt cho miền quê trù phú này danh hiệu là “thiên hạ đệ nhất làng vật,” bởi chỉ cần nghe người ngoài nhắc đến đấu vật, là ánh mắt của người dân nơi đây lại sáng lên rạng ngời…
Ở làng Yên Nội, từ những đứa bé cho đến người lớn tuổi đều biết đến vật. Nếu thú vui của đám trẻ trong làng là sau những giờ tan học, rủ nhau lên bờ đê, cởi vội chiếc cặp xách, rồi kéo cao tay áo để làm vài keo vật, so tài cao thấp, thì cánh trai làng lúc nào cũng hào hứng với những miếng cuốn, miếng gồng, miếng móc, miếng lườn, bốc một, bốc hai. Nhưng lạ một điều, ở nơi được mệnh danh là “thiên hạ đệ nhất làng vật” này, cánh đàn ông ham vật đã đành, phụ nữ Yên Nội cũng thích mê trò đấu vật.
Trong làng, trai cũng vật, gái cũng vật. Vật khiến những cô gái Yên Nội trở nên mạnh bạo. Cứ đến hội làng, sới vật đông nghẹt phụ nữ. Họ vừa xem đấu vật, vừa reo hò, bình phẩm từng ngón đòn, miếng võ hay của đô vật.
Mê vật như thế nên như lẽ đương nhiên, người Yên Nội cũng nổi tiếng giỏi vật. Cả làng có 7.000 dân thì có tới 600 đô vật, trong đó có 15 người là kiện tướng, còn đô vật từng đoạt huy chương vàng, huy chương bạc ở các giải đấu vật cấp tỉnh, thành, quốc gia thì vô số.
Các “đô” lớn tuổi hiện vẫn tấm tắc ngợi khen, kể về những “đô” lừng danh của Yên Nội ngày trước như ông Bảy Phạn có biệt danh "trâu trắng" nổi tiếng với miếng ép ván - khóa tay bẻ lưng, hay “đô” Nguyễn Đình Bảng với ngón "bò" thì không ai nhấc lên được.
Lớp kế đó cũng có nhiều tên tuổi nổi tiếng, mà điển hình là vị huấn luyện viên Nguyễn Đình Khinh cùng các đô vật Phí Hữu Tình, Nguyễn Đình Chi, Nguyễn Văn Công. Đó là những người trưởng thành từ lò vật Yên Nội, từng tham dự Olympic 1980 tại Mátxcơva.
“Một thôn mà có từng ấy đô vật được dự Olympic là chuyện có một không hai ở Việt Nam. Ở lần đó, các đô vật Việt Nam không giành huy chương nhưng đã thắng được 1 trận. Trận thắng đó là của “đô” Tình. Lớp “đô” sau này của Yên Nội cũng lừng danh với nhiều huấn luyện viên, vận động viên tài năng, liên tục đoạt huy chương vàng, huy chương bạc ở các cấp tỉnh, thành và quốc gia như Đình Khu, Phú Vinh, Thế Hải, Phí Hữu Sơn, Quang Long, Quang Thành... Song, niềm tự hào của Yên Nội chính là Nguyễn Thị Lụa, cô thôn nữ trưởng thành từ lò vật của làng và hiện tại là đô vật nữ xuất sắc nhất Việt Nam. Lụa là chủ nhân của tấm Huy chương bạc Á vận hội 2010 tại Quảng Châu, Trung Quốc.” - ông Nguyễn Đình Khinh, vị huấn luyện viên già, người từng tham dự Olimpic 1980 cho biết.
Trò chuyện về làng vật Yên Nội, ông Nguyễn Văn Tâm, cán bộ văn hóa xã Đồng Quang, nói đầy tự hào: "Ở Yên Nội, vật là một hình thức bày tỏ lòng biết ơn của dân làng đối với các vị thần làng đã phù trợ cho dân khang, vật thịnh. Vì thế, nên năm nào cũng vậy, cứ mỗi độ Tết đến Xuân về là ngày 12/2 âm lịch, Yên Nội lại tổ chức mở hội đình làng và có cả hội đấu vật. Năm hội lớn, hội vật mở 7 ngày, có năm mở 3 ngày, quy tụ hàng trăm đô vật khắp cả nước. Uy tín như vậy nên giải vật vô địch quốc gia cũng từng được tổ chức tại đây. Cũng trong dịp này, những người có thành tích cao về học vấn cùng những người có huy chương tại các giải quốc gia, quốc tế... sẽ được ghi tên vào sổ vàng của làng và được vinh danh, nhận phần thưởng trong ngày hội làng”.
Còn ông Khinh cũng tâm sự: "Không phải ngẫu nhiên mà thể thao Hà Tây trước đây và Quân đội lại đặt lớp vật tại Yên Nội. Hiện, có 3 lớp học vật thu hút hơn 80 thiếu niên trong thôn tham gia. Tôi cũng đang cố gắng truyền lại những kiến thức, kinh nghiệm trên sới vật của mình cho lũ trẻ. Các cháu mê đấu vật lắm. Có hôm thầy mệt, các cháu nữ còn đến dựng dậy đòi thầy ra trường dạy. Sự nhiệt tình của các cháu khiến tôi chưa khi nào muốn rời sới vật".
Như mạch nguồn chảy mãi, ở vùng đất được mệnh danh là “thiên hạ đệ nhất làng vật” vẫn tiếp tục cho ra lò các đô vật mới, lớp nọ tiếp nối lớp kia. Còn đám trẻ trong làng theo học vật tại Trường cấp II Đồng Quang, nơi chị Lụa Á quân Á vận hội 2010 ngày nào chập chững bước vào nghề đấu vật, đang nuôi ước mơ mai này được như ông Khinh, bác Tình, chị Lụa để làm rạng danh cho Yên Nội./.
Cũng có đến đây mới hiểu, vì sao người ta đặt cho miền quê trù phú này danh hiệu là “thiên hạ đệ nhất làng vật,” bởi chỉ cần nghe người ngoài nhắc đến đấu vật, là ánh mắt của người dân nơi đây lại sáng lên rạng ngời…
Ở làng Yên Nội, từ những đứa bé cho đến người lớn tuổi đều biết đến vật. Nếu thú vui của đám trẻ trong làng là sau những giờ tan học, rủ nhau lên bờ đê, cởi vội chiếc cặp xách, rồi kéo cao tay áo để làm vài keo vật, so tài cao thấp, thì cánh trai làng lúc nào cũng hào hứng với những miếng cuốn, miếng gồng, miếng móc, miếng lườn, bốc một, bốc hai. Nhưng lạ một điều, ở nơi được mệnh danh là “thiên hạ đệ nhất làng vật” này, cánh đàn ông ham vật đã đành, phụ nữ Yên Nội cũng thích mê trò đấu vật.
Trong làng, trai cũng vật, gái cũng vật. Vật khiến những cô gái Yên Nội trở nên mạnh bạo. Cứ đến hội làng, sới vật đông nghẹt phụ nữ. Họ vừa xem đấu vật, vừa reo hò, bình phẩm từng ngón đòn, miếng võ hay của đô vật.
Mê vật như thế nên như lẽ đương nhiên, người Yên Nội cũng nổi tiếng giỏi vật. Cả làng có 7.000 dân thì có tới 600 đô vật, trong đó có 15 người là kiện tướng, còn đô vật từng đoạt huy chương vàng, huy chương bạc ở các giải đấu vật cấp tỉnh, thành, quốc gia thì vô số.
Các “đô” lớn tuổi hiện vẫn tấm tắc ngợi khen, kể về những “đô” lừng danh của Yên Nội ngày trước như ông Bảy Phạn có biệt danh "trâu trắng" nổi tiếng với miếng ép ván - khóa tay bẻ lưng, hay “đô” Nguyễn Đình Bảng với ngón "bò" thì không ai nhấc lên được.
Lớp kế đó cũng có nhiều tên tuổi nổi tiếng, mà điển hình là vị huấn luyện viên Nguyễn Đình Khinh cùng các đô vật Phí Hữu Tình, Nguyễn Đình Chi, Nguyễn Văn Công. Đó là những người trưởng thành từ lò vật Yên Nội, từng tham dự Olympic 1980 tại Mátxcơva.
“Một thôn mà có từng ấy đô vật được dự Olympic là chuyện có một không hai ở Việt Nam. Ở lần đó, các đô vật Việt Nam không giành huy chương nhưng đã thắng được 1 trận. Trận thắng đó là của “đô” Tình. Lớp “đô” sau này của Yên Nội cũng lừng danh với nhiều huấn luyện viên, vận động viên tài năng, liên tục đoạt huy chương vàng, huy chương bạc ở các cấp tỉnh, thành và quốc gia như Đình Khu, Phú Vinh, Thế Hải, Phí Hữu Sơn, Quang Long, Quang Thành... Song, niềm tự hào của Yên Nội chính là Nguyễn Thị Lụa, cô thôn nữ trưởng thành từ lò vật của làng và hiện tại là đô vật nữ xuất sắc nhất Việt Nam. Lụa là chủ nhân của tấm Huy chương bạc Á vận hội 2010 tại Quảng Châu, Trung Quốc.” - ông Nguyễn Đình Khinh, vị huấn luyện viên già, người từng tham dự Olimpic 1980 cho biết.
Trò chuyện về làng vật Yên Nội, ông Nguyễn Văn Tâm, cán bộ văn hóa xã Đồng Quang, nói đầy tự hào: "Ở Yên Nội, vật là một hình thức bày tỏ lòng biết ơn của dân làng đối với các vị thần làng đã phù trợ cho dân khang, vật thịnh. Vì thế, nên năm nào cũng vậy, cứ mỗi độ Tết đến Xuân về là ngày 12/2 âm lịch, Yên Nội lại tổ chức mở hội đình làng và có cả hội đấu vật. Năm hội lớn, hội vật mở 7 ngày, có năm mở 3 ngày, quy tụ hàng trăm đô vật khắp cả nước. Uy tín như vậy nên giải vật vô địch quốc gia cũng từng được tổ chức tại đây. Cũng trong dịp này, những người có thành tích cao về học vấn cùng những người có huy chương tại các giải quốc gia, quốc tế... sẽ được ghi tên vào sổ vàng của làng và được vinh danh, nhận phần thưởng trong ngày hội làng”.
Còn ông Khinh cũng tâm sự: "Không phải ngẫu nhiên mà thể thao Hà Tây trước đây và Quân đội lại đặt lớp vật tại Yên Nội. Hiện, có 3 lớp học vật thu hút hơn 80 thiếu niên trong thôn tham gia. Tôi cũng đang cố gắng truyền lại những kiến thức, kinh nghiệm trên sới vật của mình cho lũ trẻ. Các cháu mê đấu vật lắm. Có hôm thầy mệt, các cháu nữ còn đến dựng dậy đòi thầy ra trường dạy. Sự nhiệt tình của các cháu khiến tôi chưa khi nào muốn rời sới vật".
Như mạch nguồn chảy mãi, ở vùng đất được mệnh danh là “thiên hạ đệ nhất làng vật” vẫn tiếp tục cho ra lò các đô vật mới, lớp nọ tiếp nối lớp kia. Còn đám trẻ trong làng theo học vật tại Trường cấp II Đồng Quang, nơi chị Lụa Á quân Á vận hội 2010 ngày nào chập chững bước vào nghề đấu vật, đang nuôi ước mơ mai này được như ông Khinh, bác Tình, chị Lụa để làm rạng danh cho Yên Nội./.
Anh Tùng (TTXVN/Vietnam+)