Venezuela cáo buộc Mỹ phá hoại chương trình viện trợ lương thực

Tổng thống Maduro đã đưa ra chương trình CLAP vào năm 2016 nhằm đối phó với tình trạng thiếu thực phẩm và giá cả leo thang, trong bối cảnh nền kinh tế Venezuela bị sụt giảm nghiêm trọng.

Trong bài phát biểu được phát trên sóng truyền hình, Tổng thống Maduro cho rằng Mỹ đang chuẩn bị các lệnh trừng phạt nhằm phá hoại hệ thống CLAP, đồng thời khẳng định Caracas sẽ tiếp tục thực thi chương trình này. 

Nhiều nguồn thạo tin cho hay, Mỹ đang chuẩn bị các lệnh trừng phạt và cáo buộc hình sự đối với giới chức Venezuela cũng như những người mà Washington cho là lợi dụng chương trình CLAP để rửa tiền cho chính quyền Maduro. Theo các nguồn tin này, Washington có thể áp dụng các biện pháp này trong vòng 90 ngày tới. 

Hiện Bộ Ngoại giao Mỹ chưa đưa ra bình luận nào về thông tin trên.

Tổng thống Maduro đã đưa ra chương trình CLAP vào năm 2016 nhằm đối phó với tình trạng thiếu thực phẩm và giá cả leo thang, trong bối cảnh nền kinh tế Venezuela bị sụt giảm nghiêm trọng và lạm phát cao. Chương trình CLAP bán thực phẩm được trợ giá, trong đó có gạo, mì, dầu và sữa bột. Một số loại thực phẩm được nhập khẩu từ các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico, Colombia và Brazil.

[Venezuela khẳng định ủng hộ giải quyết xung đột thông qua đối thoại]

Cùng ngày, hãng Reuters dẫn hai nguồn tin trong lĩnh vực công nghiệp cho biết trong tuần này, giới chức Bộ Ngoại giao Mỹ đã yêu cầu một số trung tâm giao dịch lớn có trụ sở ở Anh và Thụy Sĩ ngừng buôn bán nhiên liệu máy bay với Venezuela, nếu không sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt.

Các nguồn tin cho rằng động thái trên nhằm hạn chế các chuyến bay quân sự và thương mại tại Venezuela. Theo một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, Washington sẽ tiếp tục thông báo với các công ty trong lĩnh vực năng lượng về những nguy cơ mà họ có thể phải đối mặt khi giao dịch với Tập đoàn dầu mỏ quốc gia Venezuela PDVSA.

Trước đó, tháng 3 vừa qua, giới chức Mỹ cũng đưa ra yêu cầu tương tự đối với nhiều công ty dầu mỏ và sàn giao dịch toàn cầu về việc hạn chế buôn bán với Venezuela hoặc phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt, ngay cả khi các giao dịch này không vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ.

Giới chức Mỹ đang nỗ lực cắt đứt nguồn cung cấp xăng dầu và các sản phẩm dầu tinh luyện được dùng để pha chế với dầu thô nặng của Venezuela phù hợp cho xuất khẩu. Tuy nhiên, việc buôn bán dầu diesel với Venezuela là hợp pháp vì lý do nhân đạo.

Venezuela từng là một trong những nước có trữ lượng dầu lớn nhất trong số các nước thành viên Tổ chức Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), song sản lượng của nước này đã sụt giảm mạnh từ mức hơn 3 triệu thùng/ngày cách đây 20 năm xuống chỉ còn chưa đến 800.000 thùng/ngày tính đến tháng 4 vừa qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục