Trong nhiều năm, Indonesia đã nỗ lực xóa bỏ hình ảnh là một điểm nóng khủng bố, đã gắn với nước này sau các vụ đánh bom hộp đêm chết chóc ở Bali hồi năm 2002, làm hơn 200 người thiệt mạng.
Tuy nhiên nhiều vụ đánh bom và xả súng diễn ra ở Jakarta trong ngày 14/1, làm ít nhất 7 người thiệt mạng, sẽ hướng sự chú ý của dư luận thế giới trở lại vấn đề của đất nước này với chủ nghĩa cực đoan.
Tờ Wall Street Journal nhận định, các vụ tấn công phối hợp còn là một đòn đánh thẳng vào lực lược đặc nhiệm chống khủng bố của Indonesia, do Mỹ đào tạo. Mấy năm gần đây, lực lượng này đã được ca ngợi vì phá vỡ nhiều đường dây khủng bố và còn chặn đứng một vụ tấn công lớn trên đất Indonesia hồi năm 2009.
Hiện vẫn còn ít thông tin về những kẻ gây ra các vụ tấn công Jakarta. Tuy nhiên cảnh sát nghi ngờ chúng có thể tới từ trong nước và họ có lý do để tin vào điều này.
Các vụ tấn công trước kia ở Indonesia - gồm một vụ xảy ra ở Bali hồi năm 2002 khiến rất đông du khách phương Tây thiệt mạng, vụ tấn công vào đại sứ quán Australia và vụ nữa vào khách sạn J.W. Marriott ở Jakarta - đều do nhóm Jemaah Islamiyah thực hiện. Đây là một nhóm khủng bố Đông Nam Á, có liên quan tới Al Qaeda.
Nhiều thành viên của nhóm này đã theo học tại các trường Hồi giáo ở đảo Java của Indonesia. Chúng cũng được huấn luyện quân sự ở Afghanistan. Lực lượng cảnh sát chống khủng bố của Indonesia đã phải rất vất vả mới có thể đập tan nhóm này, sau khi giết nhiều thành viên chủ chốt - gồm cả viên thủ lĩnh người Malaysia – trong một cuộc đọ súng dữ dội hồi năm 2009.
Indonesia hiện đang giam giữ Abu Bakar Bashir, một giáo sĩ đã đóng vai trò thủ lĩnh tinh thần của Jemaah Islamiyah, kẻ đã đứng ra thành lập một trường Hồi giáo cực đoan.
Nhưng dù bị trấn áp, Jemaah Islamiyah không chết hẳn mà vẫn thoi thóp sống, như nhận xét của viện IPAC, một tổ chức phi lợi nhuận Indonesia chuyên theo dõi các nhóm khủng bố địa phương. Viện này ra thông báo nói rằng nhiều kẻ cực đoan đang hoạt động ở Indonesia hiện nay có liên quan tới cùng một mạng lưới các ngôi trường tôn giáo đã cung cấp thành viên cho Jemaah Islamiyah.
Và thay vì được huấn luyện ở Afghanistan như trước đây, nay những kẻ này đã tới chiến đấu cho lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria và Iraq. Báo cáo của viện IPAC nói rằng các nhóm ủng hộ IS ở Indonesia đã xuất hiện từ “những mạng lưới cực đoan tồn tại ở nước này và chưa bao giờ thực sự bị tiêu diệt hẳn.”
“Chúng có thể đã biến đổi, tái tổ chức, tái tạo, nhưng chúng không hề mới mẻ,” báo cáo viết. Được biết, mấy năm qua, các tay súng cực đoan đã lập căn cứ ở Poso, một khu vực hẻo lánh nằm tại đảo Sulawesi của Indonesia. Vài tháng trở lại đây, cảnh sát chống khủng bố đã thực hiện nhiều vụ đột kích vào Poso và tiêu diệt nhiều tên.
Những vụ tấn công diễn ra hôm 14/1 đã nhắc dư luận nhớ lại nhiều vụ đánh bom trước kia của Jemaah Islamiyah, nhằm chủ yếu vào các mục tiêu phương Tây. Việc các vụ này có phối hợp, diễn ra tại nhiều địa điểm trên khắp thủ đô Jakarta, cũng khiến người ta nhớ tới hàng loạt vụ tấn công nhằm vào các nhà thờ Công giáo trong dịp Giáng sinh năm 2000.
Với Tổng thống Joko Widodo, người hiện đang bận rộn đương đầu với một nền kinh tế yếu ớt, sự trỗi dậy của trụ nghĩa khủng bố chắc chắn sẽ làm phức tạp nỗ lực của ông trong việc vẽ lại Indonesia, như một quốc gia hiện đại, cởi mở với hoạt động đầu tư./.