Một số dự án giao thông trọng điểm bị chậm tiến độ đã dẫn đến vốn đầu tư bị “đội” lên gấp nhiều lần, kéo theo giảm hiệu quả đầu tư.
Nhiều dự án có tiến độ “rùa bò”
Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải lên Quốc hội, hiện nay còn 7 dự án trọng điểm đang triển khai chậm tiến độ, gồm 2 dự án đường cao tốc Bến Lức-Long Thành, Trung Lương-Mỹ Thuận và 5 dự án đường sắt đô thị.
Cụ thể, dự án đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận dự kiến thông xe vào năm 2020 nhưng đến nay tổng sản lượng đạt 17,5% (chậm 27% so với tiến độ thi công đề ra). Cao tốc Bến Lức-Long Thành sản lượng đạt khoảng gần 76%, chậm 12,6%.
Dự án đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh tuyến số 1 Bến Thành-Suối Tiên sản lượng đạt 66,7%; tuyến số 2 Bến Thành-Tham Lương đã hoàn thành xây xong khu tổ hợp nhà ga, văn phòng, các gói thầu đang triển khai công tác lựa chọn nhà thầu. Hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến Bộ Tài chính thẩm định về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn để điều chỉnh.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh-Hà Đông hoàn thành 99% khối lượng xây lắp, đã vận hành chạy thử 13/13 đoàn tàu, dự kiến đưa vào khai thác thương mại trong năm 2019. Tuyến đường sắt số 1 Yên Viên-Ngọc Hồi hiện Tư vấn đang hoàn thiện hồ sơ gói thầu cập nhật thiết kế kỹ thuật, dự toán hồ sơ mời thầu của gói thầu chuẩn bị mặt bằng và xử lý nền đất yếu khu tổ hợp Ngọc Hồi. Bộ Giao thông Vận tải đang chờ báo cáo tổng thể dự án với Quốc hội để thực hiện các nội dung công việc tiếp theo.
[Chính phủ yêu cầu bảo đảm tiến độ hoàn thành các dự án trọng điểm]
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng thừa nhận công tác triển khai một số dự án mới cũng còn chậm như Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các dự án cao tốc Bắc-Nam theo hình thức công tư (PPP)...
Đánh giá về thực trạng này, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, dự án giao thông trọng điểm đang triển khai vẫn còn khó khăn chủ yếu là do vốn đầu tư không đáp ứng yêu cầu; cơ chế giải ngân phức tạp; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng hạn chế; lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu còn nhiều vướng mắc; các quy định của pháp luật liên quan đến đầu tư còn nhiều bất cập, chưa có nhiều cơ chế đặc thù áp dụng đối với các dự án trọng điểm hoặc dự án cấp bách; một số dự án lớn hơn 10.000 tỷ đồng khi điều chỉnh tổng mức đầu tư cần báo cáo Quốc hội... ảnh hướng đến tiến độ chung của nhiều dự án đang và sắp triển khai.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, các dự án đường sắt đô thị được triển khai trong thời gian qua phải điều chỉnh tổng mức đầu tư nhiều lần (tăng lớn so với phê duyệt ban đầu), kéo dài thời gian thực hiện dẫn tới giảm hiệu quả đầu tư tập trung ở các dự án có quy mô lớn, công nghệ phức tạp, thực hiện qua nhiều năm...
Lý giải về nguyên nhân dẫn đến việc này, Bộ trưởng Thể thẳng thắn khẳng định đây đa phần đều là các dự án lớn và công nghệ phức tạp lần đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam.
Do vậy, chủ đầu tư và các đơn vị tư vấn tham gia chưa có kinh nghiệm quản lý thực hiện dẫn đến chất lượng công tác lập, thẩm định dự án đầu tư chưa xác thực, phải điều chỉnh nhiều lần, thay đổi về quy mô thiết kế xây dựng so với cơ sở được duyệt trước đây, thay đổi về các thông số kỹ thuật...
[Hầu hết dự án đường sắt đô thị phải gia hạn và điều chỉnh tăng vốn]
Mặt khác, ông Thể đánh giá những vướng mắc, chậm kéo dài công tác giải phóng mặt bằng dẫn đến thời gian thực hiện kéo dài, ảnh hưởng đến yếu tố trượt giá tăng đã làm tổng mức đầu tư các dự án phải điều chỉnh tăng và hình thành các yếu tố cần điều chỉnh lại thủ tục từ chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật.
Vị tư lệnh ngành giao thông cũng chỉ ra kế hoạch vốn ODA hàng năm không được bố trí đủ làm chậm trễ thanh toán cho các nhà thầu dẫn đến tiến độ thi công bị ảnh hưởng; công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu gặp nhiều vướng mắc; việc cập nhật tỷ giá ngoại tệ, tỷ lệ tính toán các chi phí dự phòng, rủi ro trượt giá cũng được cập nhật theo quy định mới, ảnh hưởng chung đến việc tăng tổng mức đầu tư.
Theo ông Thể, việc để chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư các dự án trách nhiệm trước tiên thuộc về các chủ đầu tư; việc chậm giải phóng mặt bằng, tái định cư kéo dài, thiếu mặt bằng sạch giao cho nhà thầu thi công công tác quy hoạch tại một số địa phương chưa thực sự tốt, mất nhiều thời gian tham vấn, xin ý kiến cơ quan chuyên môn, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.
Đưa ra các giải pháp, ông Thể cho hay, Bộ Giao thông Vận tải đã tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan ban, ngành của các địa phương nơi dự án đi qua để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ dự án cũng như giải ngân vốn đầu tư.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải quy trách nhiệm, nghiêm túc xử lý trách nhiệm các đơn vị, cá nhân vi phạm; tăng cường kiểm tra, đôn đốc và chỉ đạo quyết liệt các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, các nhà thầu thi công đẩy mạnh nhân vật lực, khắc phục triệt để những tồn tại về chất lượng...
“Bộ Giao thông Vận tải tích cực phối hợp chặt chẽ với các cấp ngành có liên quan trong việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về đầu tư xây dựng, đầu tư công, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn,” Bộ trưởng Thể nói./.