Vì sao chính quyền Mỹ thường "đầu hàng" Ai Cập?

Điều gì lý giải cho việc các chính quyền Obama và Trump - rất khác nhau về chính sách đối ngoại - lại miễn cưỡng duy trì sức ép đối với một chính phủ Ai Cập như vậy?
Vì sao chính quyền Mỹ thường "đầu hàng" Ai Cập? ảnh 1Người biểu tình ủng hộ Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi bên ngoài nhà thờ Hồi giáo Rabaa al-Adawiya ở Cairo ngày 1/8/2013. (Nguồn: AFP/ TTXVN)

Theo Reuters, ngày 14/8/2018 đánh dấu 5 năm ngày xảy ra vụ bạo lực tại các quảng trường Rabaa và Nahda ở Cairo, trong đó lực lượng an ninh Ai Cập đã gây ra cái chết của ít nhất 800 người ủng hộ Tổng thống Hồi giáo bị phế truất Mohamed Mursi và khiến hàng nghìn người bị thương.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phản ứng bằng cách xem xét lại viện trợ quân sự cho Ai Cập và từ chối chuyển giao các máy bay chiến đấu, trực thăng tấn công, xe tăng và tên lửa.

Tuy nhiên, cuối cùng ông Obama đã nhượng bộ trước những phàn nàn của Ai Cập và hủy đình chỉ viện trợ vũ khí, bất chấp các cuộc đàn áp ngày càng gia tăng của Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi - người giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng tại thời điểm xảy ra vụ đụng độ - để giải quyết những thách thức chung đối với các lợi ích của Mỹ và Ai Cập trong một khu vực bất ổn.

5 năm sau, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã "đầu hàng" trong vụ bế tắc về vấn đề viện trợ quân sự cho Ai Cập.

Tháng 8/2017, trong bối cảnh xuất hiện những lo ngại về việc Ai Cập hợp tác với Triều Tiên và sự đàn áp thẳng tay của Sisi đối với xã hội dân sự, Ngoại trưởng Rex Tillerson đã "đóng băng" khoản viện trợ quân sự trị giá 195 triệu USD cho Cairo.

Ông đưa ra 3 điều kiện để Mỹ có thể giải ngân khoản viện trợ này cho Ai Cập: chấm dứt hợp tác quân sự và ngoại giao với Triều Tiên; giải quyết vụ 43 nhân viên của các tổ chức phi chính phủ của Mỹ và Đức bị kết án hồi năm 2013 vì những cáo buộc giả mạo; và bãi bỏ hoặc sửa đổi một đạo luật hà khắc quy định về hoạt động của các tổ chức phi chính phủ.

Ngày 25/7 vừa qua, chính quyền Trump đã dịu giọng, thông báo khoản viện trợ bị đình chỉ đã được giải ngân, mặc dù thực tế là chính phủ Sisi chưa đáp ứng đầy đủ thậm chí là một trong những điều kiện của Mỹ.

[Ai Cập cảnh báo Mỹ cắt giảm viện trợ có thể làm suy yếu quan hệ]

Bộ Ngoại giao Mỹ đã biện minh cho quyết định này, nói rằng "tăng cường hợp tác an ninh là yếu tố quan trọng đối với an ninh quốc gia của Mỹ."

Điều gì lý giải cho việc các chính quyền Obama và Trump - rất khác nhau về chính sách đối ngoại - lại miễn cưỡng duy trì sức ép đối với một chính phủ Ai Cập ngày càng độc tài như vậy?

Sợi dây chung là cả hai chính quyền đều cho rằng Ai Cập rốt cuộc quá quan trọng đối với các lợi ích của Mỹ để họ có thể chống lại bằng cách ngừng viện trợ quân sự, cùng với sự hoài nghi về khả năng của Mỹ có thể gây áp lực lên Ai Cập.

Nếu Ai Cập quan trọng với Mỹ và việc gây áp lực không có khả năng làm thay đổi các chính sách của Ai Cập mà Washington cho là không thích hợp, thì chính sách hợp lý duy nhất là dành cho Ai Cập sự trợ giúp vô điều kiện.

Điều này có nghĩa là bất cứ sự chệch hướng nào từ khoản viện trợ quân sự hàng năm trị giá 1,3 tỷ USD mà Mỹ dành cho Ai Cập kể từ năm 1987 cũng dẫn đến một rủi ro không mong muốn và không thể chấp nhận đối với các lợi ích của Mỹ.

Những lập luận như vậy đã tồn tại ngay trong chính quyền Obama, và họ thậm chí bỏ qua những quan ngại của Mỹ về những vi phạm nhân quyền và các mối đe dọa đối với sự ổn định chính trị lâu dài.

Mặc dù những lập luận này rất mạnh, về cơ bản chúng vẫn sai lầm. Quả thực, những suy nghĩ cơ bản này là nguồn gốc của một số câu chuyện hoang tưởng bấy lâu nay về Ai Cập, đã bóp méo chính sách của Mỹ trong nhiều năm.

Câu chuyện hoang đường thứ nhất: Ai Cập cần gấp khoản tiền 1,3 tỷ USD cho các hoạt động chống khủng bố ở Sinai.

Quân đội Ai Cập đã rất khó khăn để đánh bại khoảng 1.000 phiến quân của một nhánh thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) có căn cứ tại Bán đảo Sinai trong 5 năm qua.

Các chiến dịch quân sự định kỳ đã thất bại trong việc giáng một đòn quyết định vào các phần tử khủng bố, và năm 2017 là năm đẫm máu nhất trong lịch sự Ai Cập hiện đại, nếu tính về con số thương vong trong các vụ tấn công khủng bố.

Ai Cập đã yêu cầu Mỹ hỗ trợ để giải quyết thách thức này, nhưng họ cần sự huấn luyện và cố vấn, chứ không phải là thêm vũ khí.

Câu chuyện hoang đường thứ hai: Sisi là một người ôn hòa, đã lãnh đạo cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan. Phương Tây đã ca ngợi việc Sisi kêu gọi tiến hành một "cuộc cách mạng tôn giáo" trong Hồi giáo, nhưng trên thực tế ông ta đã làm rất ít để chống lại các quan điểm cực đoan.

Những buộc tội báng bổ đối với những đối tượng được cho là xúc phạm Đạo Hồi đã gia tăng đáng kể từ khi Sisi trở thành Tổng thống, và sự phân biệt đối xử rộng khắp đối với những người Cơ đốc giáo Ai Cập vẫn tiếp tục.

Ngoài ra, Sisi phải chịu trách nhiệm về các vụ đàn áp chính trị chưa từng thấy dẫn đến sự gia tăng mức độ cực đoan trong giới thanh niên Ai Cập. Một số cựu tù binh nổi tiếng của Ai Cập cho biết IS đang tìm cách tuyển mộ những chiến binh mới trong số những người bị tống giam cùng với những phiến quân được tôi luyện tại các nhà tù quá tải.

Quả thực, có vẻ như kẻ đánh bom liều chết trong một vụ tấn công nhà thờ hồi tháng 12/2016 khiến 26 người thiệt mạng đã bị tẩy não trở thành phần tử quá khích khi bị giam trong một nhà tù ở Ai Cập.

Câu chuyện hoang đường thứ ba: Nếu Mỹ không cung cấp 1,3 tỷ USD viện trợ cho Ai Cập, nước này sẽ quay sang Nga và tiến trình hòa bình Ai Cập-Israel sẽ gặp rủi ro.

Ai Cập đang tìm cách khiến Mỹ và Nga mâu thuẫn với nhau nhằm tối đa hóa ảnh hưởng của họ, chứ không phải để thay thế Mỹ bằng Nga.

Ai Cập sẽ tiếp tục hợp tác với Washington để có được những gì mà họ không thể nhận từ Moskva - chẳng hạn như khoản viện trợ vũ khí và thiết bị quân sự, và tiếp cận thị trường quốc tế - trong khi vẫn duy trì các mối quan hệ với Kremlin để củng cố vị thế mặc cả của mình.

Hiệp ước hòa bình Ai Cập-Israel không còn phụ thuộc vào vai trò trung gian hòa giải hay sự can thiệp của Mỹ. Ai Cập không có lợi ích nếu xung đột với Israel, quốc gia thậm chí đã trở thành một trong những đối tác khu vực quan trọng nhất của Cairo.

Trên thực tế, Ai Cập đã cho phép Israel tiến hành các cuộc không kích trên lãnh thổ Ai Cập chống lại các kẻ thù chung, điều không thể tưởng tượng được 40 năm về trước.

Câu chuyện hoang đường thứ tư: Viện trợ của Mỹ đảm bảo cho các đặc quyền quan trọng từ chính phủ Ai Cập, như các quyền ra vào Kênh đào Suez và bay trên vùng trời Ai Cập.

Việc các tàu hải quân của Mỹ qua lại Kênh đào Suez không được "cấp phép" bởi viện trợ quân sự của Mỹ.

Thật vậy, Hải quân Mỹ, cũng như hải quân của tất cả các quốc gia khác, phải trả cho chính phủ Ai Cập một khoản lệ phí để đi qua kênh đào này. Các khoản phí này là một nguồn thu ngoại tệ quan trọng, khiến Cairo rất ít khả năng ngăn cản các tàu của Mỹ sử dụng kênh đào này.

Ai Cập không thu phí để cho phép các máy bay của Mỹ bay trên không phận Ai Cập, nhưng việc sử dụng không phận Ai Cập đang giảm tầm quan trọng khi Trump đang tìm cách rút lực lượng Mỹ khỏi Trung Đông và quân đội Mỹ ngày càng trông cậy vào Căn cứ Không quân Udeid ở Qatar.

Câu chuyện hoang đường thứ 5: Sức ép của Mỹ với Ai Cập đơn giản là không hiệu quả.

Điều này là sai trên cả hai khía cạnh. Thứ nhất, áp lực của Mỹ đối với Ai Cập đã mang lại kết quả trong các trường hợp như vụ phóng thích các công dân Mỹ bị chế độ Ai Cập bỏ tù một cách sai trái (bao gồm Mohamed Soltan và Aya Hijazi) và ngăn cản chính phủ Mỹ theo dõi nguy cơ Sisi đóng cửa các tổ chức phi chính phủ không đăng ký hồi năm 2014.

Mới đây nhất, quyết định của Ngoại trưởng Tillerson đình chỉ viện trợ (cho Ai Cập) đã bắt đầu được đền đáp, khiến chính phủ Ai Cập cuối cùng phải cho phép xét xử lại vụ kiện của tổ chức phi chính phủ năm 2013 và giảm bớt quan hệ với Triều Tiên.

Thứ hai, ngừng viện trợ là biện pháp trừng phạt và chúng ta biết (từ cả việc ngừng cấp học bổng nghiên cứu và thực hành) rằng sức ép như vậy cần thời gian để làm thay đổi hành vi.

Chỉ khi những câu chuyện hoang đường này chấm dứt, trường hợp dùng viện trợ quân sự của Mỹ để gây ảnh hưởng lên các chính sách của Ai Cập mới có tác dụng.

Vì lẽ đó, quyết định của chính quyền Trump về giải ngân khoản viện trợ quân sự bị đình chỉ đang gây thất vọng sâu sắc.

Bằng cách "đầu hàng" sớm, Nhà Trắng một lần nữa lại bị một quốc gia bên ngoài chơi xỏ và lợi ích của Mỹ với một Ai Cập ổn định về lâu dài sẽ bị ảnh hưởng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục