Vì sao Dự án Kết nối giao thông miền núi phía Bắc tăng vốn đầu tư?

Dự án Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc đi qua 3 tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái đã vừa được Bộ Giao thông Vận tải đề nghị lên Chính phủ để xin điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư.
Vì sao Dự án Kết nối giao thông miền núi phía Bắc tăng vốn đầu tư? ảnh 1Phương tiện lưu thông trên một đoạn tuyến đường giao thông miền núi. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Bộ Giao thông Vận tải vừa có tờ trình gửi Chính phủ xem xét điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Chính phủ Australia tài trợ.

Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án từ 5.339,5 tỷ đồng lên 6.046,6 tỷ đồng, trong đó cơ cấu nguồn vốn được điều chỉnh tăng vốn đối ứng từ 988,5 tỷ đồng lên 1.643,6 tỷ đồng (tăng 655,1 tỷ đồng); tăng vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia từ 101,6 tỷ đồng lên 153,6 tỷ đồng (tăng 51,9 tỷ đồng).

Tuy nhiên, các chi phí xây dựng, quản lý và tư vấn dự ángiữ nguyên như Quyết định số 949/QĐ-TTg ngày 1/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc.

Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cũng chỉ ra lý do điều chỉnh chủ trương tổng mức đầu tư là do chi phí giải phóng mặt bằng là 1.020,3 tỷ đồng (tăng 708,3 tỷ đồng) bao gồm chi phí đền bù, hỗ trợ di dời người dân, chi phí chương trình phục hồi thu nhập và chi phí tổ chức thực hiện… là 685,6 tỷ đồng; chi phí hỗ trợ xây dựng khu tái định cư là 62,9 tỷ đồng; chi phí di dời công trình hạ tầng kỹ thuật là 256,2 tỷ đồng; trồng rừng thay thế là 15,4 tỷ đồng.

[Dự án kết nối giao thông miền núi phía Bắc cần sớm gỡ vướng đất rừng]

Đến nay, Bộ Giao thông Vận tải đã cân đối vốn đối ứng 655,1 tỷ đồng để bổ sung cho chi phí giải phóng mặt bằng từ nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho bộ.

Dự án Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc nhằm xây dựng hệ thống giao thông kết nối các tỉnh miền núi phía Bắc (Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái) với đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai giúp hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trong khu vực, đảm bảo an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế-xã hội, tăng khả năng kết nối khu vực, đảm bảo giao thông trong trường hợp mưa lũ lớn xảy ra cho các tỉnh miền núi phía Bắc.

“Việc thực hiện dự án sẽ phát huy hiệu quả tối đa của đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai đồng thời kích thích phát triển du lịch và công nghiệp trong khu vực nơi có mạng lưới giao thông đi qua,” lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh.

Dự án Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc bao gồm việc xây dựng tuyến kết nối Lai Châu với Cao tốc Nội Bài-Lào Cai và tuyến nối Nghĩa Lộ với Cao tốc Nội Bài-Lào Cai có điểm đầu (Km0+000) tại nút giao IC14 của đường Cao tốc Nội Bài-Lào Cai. Điểm cuối (Km146+600) tại ngã ba Bệnh viện (Km34+800 Quốc lộ 4D), thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu.

Tuyến đường này dài khoảng 145,8km, tiêu chuẩn đường cấp 3 miền núi. Thời gian thực hiện dự án là từ ngày 5/6/2019 đến ngày 31/12/2024./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục