Vì sao giá xăng giảm "nhỏ giọt" sau chuỗi những lần tăng sốc?

Sau 7 lần tăng giá liên tiếp từ đầu năm đến nay, giá xăng trong nước đã đội thêm khoảng 6.500 đồng/lít, song khi giá dầu thế giới giảm, giá xăng trong nước được điều chỉnh chỉ giảm hơn 600 đồng/lít.
Vì sao giá xăng giảm "nhỏ giọt" sau chuỗi những lần tăng sốc? ảnh 1Mua bán xăng dầu tại cửa hàng kinh doanh xăng dầu Petrolimex trên đường Trần Quang Khải, Hà Nội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Giá xăng dầu trong nước từ đầu năm 2022 đến nay đã tăng liên tiếp 7 lần với tổng cộng khoảng 6.500 đồng/lít, đặc biệt mới đây đã tăng tới gần 3.000 đồng/lít trong kỳ điều hành ngày 11/3.

Tuy vậy, khi giá dầu thế giới có biến động sụt giảm, giá xăng trong nước lại chỉ giảm nhẹ hơn 600 đồng/lít trong kỳ điều hành ngày 21/3. Mức giảm này không được như kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp, nhiều câu hỏi đặt ra liên quan đến việc vì sao giá xăng lại chỉ giảm nhẹ sau chuỗi những lần tăng sốc.

Theo Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua, thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, giá xăng dầu sau khi giảm trong những ngày giữa tháng Ba lại đang có xu hướng tăng trở lại do lo ngại nguồn cung cho thị trường sẽ giảm mạnh khi nguồn xăng dầu, khí đốt từ Nga bị cấm vận, trong khi OPEC chưa quyết định gia tăng sản lượng cung cấp.

Mặc dù đã giảm, nhưng trên thị trường thế giới, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 11/3/2022 và kỳ điều hành ngày 21/3/2022 vẫn ở mức cao.

Cụ thể là, 121,912 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92; 125,842 USD/thùng xăng RON95 (giảm 9.908 USD/thùng, 120;408 USD/thùng dầu hỏa.

Liên Bộ cũng cho hay, số dư Quỹ BOG đã gần hết, tại 13 doanh nghiệp Quỹ đã âm. Trước tình hình trên, để có dư địa điều hành giá trong các kỳ tới khi thị trường còn diễn biến phức tạp, Liên Bộ Công Thương-Tài chính quyết định giảm chi sử dụng Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng dầu.

Bắt đầu trích lập Quỹ bình ổn giá đối với một số mặt hàng để giá các mặt hàng xăng dầu trong nước biến động theo xu hướng của giá thế giới, giảm áp lực cho Quỹ. Đồng thời, có dư địa để điều hành giá cho các kỳ tiếp theo, bảo đảm góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Vì vậy, giá xăng trong nước trong kỳ điều hành ngày 21/3 chỉ giảm nhẹ ở mức hơn 600 đồng/lít, dầu diesel ở mức hơn 1.600 đồng/lít.

Theo các chuyên gia kinh tế, giá xăng dầu trong nước tăng hay giảm phụ thuộc nhiều vào yếu tố diễn biến giá thế giới, cùng đó là cách thức trích lập, chi quỹ bình ổn.

[Giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu: Kỳ vọng giá xăng hạ nhiệt]

Trong thời gian điều hành giá xăng dầu vừa qua, giá xăng dầu thế giới có lúc giảm về gần 100 USD/thùng, nhưng sau đó đã bật tăng trở lại do lo ngại nguồn cung cho thị trường sẽ giảm mạnh khi nguồn xăng dầu, khí đốt từ Nga bị cấm vận, trong khi OPEC chưa quyết định gia tăng sản lượng.

Trên thị trường hôm nay, giá dầu thế giới vẫn đang neo cao ở mức hơn 120 USD/thùng và nhiều dự báo sẽ tiếp tục tăng trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine chưa hạ nhiệt.

Một yếu tố khác tác động đến giá xăng dầu trong nước là thực hiện trích lập quỹ bình ổn. Việc trích lập trong kỳ điều hành vừa qua là không có khi quỹ này đã cạn.

Liên Liên Bộ Công Thương-Tài chính cho biết, trong thời gian dài, khi giá dầu thế giới tăng mạnh, đã phải chi sử dụng quỹ bình ổn liên tục từ 200-1.500 đồng/lít. Tại nhiều doanh nghiệp, mức quỹ này cũng đã âm. Do vậy, công cụ này không được sử dụng sau một thời gian xả quỹ kéo dài.

Theo chuyên gia Lê Đăng Doanh, giá xăng dầu trong nước hiện nay tính quy đổi từ giá xăng dầu quốc tế cộng thêm các loại thuế, phí. Do vậy, trong bối cảnh giá dầu thế giới vẫn còn neo cao thì phía Liên Bộ Công Thương-Tài chính cũng chỉ có thể quyết định điều hành giảm nhẹ giá xăng.

"Tôi cho rằng, Liên Bộ Công Thương-Tài chính cũng muốn giảm mạnh hơn nhưng giá thế giới cao, các công cụ hỗ trợ giảm giá cũng không còn nên khó giảm sâu hơn," ông Lê Đăng Doanh cho hay.

Theo Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông, quỹ bình ổn đang âm do đó, không thể trông chờ vào Quỹ này để kìm đà tăng giá xăng dầu, mà chỉ có thể trông chờ vào biện pháp từ giảm thuế, phí cấu thành giá.

Thời gian qua, Quỹ bình ổn giá có thời điểm dôi dư rất nhiều, nhưng với diễn biến xăng dầu thế giới và thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, kiểm soát CPI, nên dư địa quỹ đã không còn nhiều.

Còn tác dụng của quỹ để giữ giá xăng dầu, như khi giá thế giới biến động từ 40-60%, nhưng thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Liên Bộ Công Thương-Tài chính cố gắng giữ giá ở mức chịu đựng được của nền kinh tế để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân và giá xăng dầu trong nước chỉ tăng từ 24-40%, đây là tác động của quỹ này, ông Đông cho biết.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12. Theo đó mức giảm với xăng là 2.000 đồng/lít; dầu diesel, mazut, dầu nhờn giảm 1.000 đồng/lít… Với mức giảm này, người dân, doanh nghiệp có thể kỳ vọng giá xăng có thể giảm thêm với biên độ giảm lớn hơn.

Theo các chuyên gia, để giá xăng dầu giảm mạnh hơn, ngoài việc giảm thuế bảo vệ môi trường, các bộ, ngành phải tính toán dài hơn, có kịch bản nhiều hơn nữa, như khi giá xăng dầu biến động mạnh hơn, lên tới 140-150USD/thùng thì có thể tiếp tục giảm các thuế đối với xăng dầu, như thuế môi trường, tiêu thụ đặc biệt, VAT; cùng đó là đa dạng hóa nguồn cung…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục