Vì sao người miền Bắc thường trưng hoa Đào dịp Tết Nguyên đán?

Không ai biết cây đào xuất hiện ở Việt Nam từ bao giờ, nhưng với người miền Bắc, trong nhà không thể thiếu cành đào bích màu xác pháo rực rỡ hay đào phai phớt hồng thanh nhã trong dịp Tết Nguyên đán.
Vì sao người miền Bắc thường trưng hoa Đào dịp Tết Nguyên đán? ảnh 1Người miền Bắc thường trưng hoa đào trong dịp Tết Nguyên đán. (Nguồn: Vietnam+)

Trong truyện cổ tích Việt Nam, nguồn gốc của hoa đào gắn liền với một truyền thuyết từ thời xa xưa. Đó là câu chuyện về một cây hoa đào khổng lồ mọc trên đỉnh núi, là nơi ngự của hai vị thần tiên luôn bảo vệ, che chở cho dân lành tránh khỏi ma quỷ quấy nhiễu.

Vào dịp cuối năm cũ, đầu Năm mới, thừa dịp hai vị thần tiên phải lên Thiên đình chầu Ngọc Hoàng, các loài yêu ma lại nhân cơ hội phá phách con người. Thấy vậy, hai vị thần bày cách cho người dân bẻ cành hoa đào cắm trong nhà mỗi khi thần tiên đi vắng, ma quỷ sẽ không dám bén mảng.

Thế là vào dịp Tết, người ta sẽ cắm cành đào trong nhà để xua đuổi ma quỷ, tránh những điềm xấu, mang lại sự bình an, Tình cờ, hoa đào lại thường nở vào mùa Xuân, sắc hồng mơn mởn của hoa mang đến sinh khí tốt lành và tô đẹp cho ngôi nhà. Và kể từ đó, hoa đào đã trở thành biểu tượng cho Năm mới với những điềm lành, sự bình an, niềm vui và hạnh phúc.

Đó là chuyện cổ tích, còn dưới góc độ khoa học, cây đào được phát hiện từ khoảng 7.500 năm trước ở Ba Tư (nay là Iran). Hoa của cây đào thuộc họ hoa hồng, có tên gọi khoa học là Prunus persica. Nhờ những chú chim ăn hạt và sự thuần hóa, lai ghép của con người, cây đào đã di thực đến nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam

Các loài giống hoa đào phổ biến ở Việt Nam

Đào là loài cây hợp với thời tiết mát mẻ. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, cây đào trên thế giới có tới 6 loài và có 5.000 giống được trồng tại các nước ôn đới và cận nhiệt đới cả ở châu Âu, Bắc Mỹ, và châu Á. Không ai biết cây đào xuất hiện ở Việt Nam từ bao giờ, nhưng chúng ta có khá nhiều giống hoa đào khác nhau và chúng đều mang những vẻ đẹp khó cưỡng.

Hoa đào có thể là hoa đơn hoặc hoa kép, mọc đơn hoặc mọc theo chùm, đường kính bông hoa to nhất khoảng 2,5-3cm. Hoa đào có rất nhiều màu sắc khác nhau, từ màu trắng muốt cho đến màu hồng nhạt hay còn gọi là hồng phai, màu hồng đậm và màu đỏ thắm.

Những giống hoa đào được nhiều người Việt Nam yêu thích gồm có đào bích, đào phai, đào bạch, đào thất thốn, đào rừng,

Ở vùng núi phía Bắc còn có các giống đào rừng, hay còn gọi là đào đá, đào mốc. Có hai loại đào rừng là đào rừng cổ mọc tự nhiên và đào rừng bà con dân tộc tự trồng. Đào rừng vốn loại đào phai để ăn quả. Hoa đơn 5 cánh cứng cáp có màu phớt hồng. Giống đào rừng cổ mọc trong rừng sâu, núi cao quanh năm mây phủ, phải 8-10 năm tuổi mới có được cành to khỏe, xù xì, thân cây rêu mốc mang một vẻ đẹp hoang dại của tự nhiên.

Còn giống đào rừng tự trồng có thể được lai ghép với những giống đào từ nơi khác, sinh trưởng nhanh và cho hoa sớm hơn. Dáng cây, dáng cành có thể không có vẻ cổ kính như đào rừng cổ nhưng vẫn mang hơi thở của thiên nhiên núi rừng nên được rất nhiều người săn lùng.

Các giống hoa đào phổ biến khác có đào bích hay còn gọi là bích đào, đây là loại đào đẹp nổi tiếng được nhiều người ưa thích nhất. Bích đào có nhiều loại như bích đào hoa hồng, bích đào hoa đỏ, bích đào ánh kim, bích đào lá tím, bích đào cành rũ, đào son, đào bích nhung Lạng Sơn.

Vì sao người miền Bắc thường trưng hoa Đào dịp Tết Nguyên đán? ảnh 2Hoa đào bích có màu xác pháo rực rỡ. (Nguồn: Vietnam+)

Bích đào có loại hoa đơn và hoa kép, mỗi bông hoa đào kép có thể có từ 5-25 cánh. Hình dáng thì có loại hoa cánh mai, hoa cánh hồng, hoa cánh cúc, hoa cánh mẫu đơn.

Được ưa chuộng nhất là đào bích tán rộng, hoa kép thắm đỏ rải đều khắp các cành, kể cả cành tăm nhỏ xíu. Bích đào có thể chơi chậu lớn trang trí tiền sảnh, hoặc cắt cành to cắm lọ lộc bình trưng trong phòng khách. Nhiều người cũng thích cắm những cành nhỏ - gọi là đào dăm - để dâng lên ban thờ tổ tiên ngày Tết.

Đào phai màu nhạt hơn đào bích, chỉ phơn phớt hồng, hương thơm nhẹ. Đào phai cũng có cả loại cánh kép và cánh đơn. Hoa đẹp kiểu mỏng manh và thanh nhã. Nếu như đào bích hồng đậm mang cảm giác rực rỡ, kiêu sa thì sắc hồng nhẹ nhàng của đào phai mang cảm giác tinh tế, xuân thì.

Một loại hoa đào khác khá hiếm và khó trồng là bạch đào. Bạch đào ít hoa nhưng bông to, có thể có tới 24 cánh, màu hoa trắng muốt tinh khôi, thuần khiết.

Vì sao người miền Bắc thường trưng hoa Đào dịp Tết Nguyên đán? ảnh 3Hoa bạch đào trắng muốt tinh khôi, thuần khiết. (Nguồn: Vietnam+)

Các nhà vườn cho biết trồng bạch đào không dễ, nhất là việc ép cho hoa nở đúng dịp Tết âm lịch gian nan hơn nhiều so với đào bích hay đào phai. Tuy nhiên để đáp ứng nhu cầu của khách hàng ngày càng ưa chuộng sắc hoa đài các này, nhiều nhà vườn đã nhân giống thành công và tìm ra quy trình để bạch đào nở hoa đúng dịp Tết.

Một giống hoa đào nữa không thể không kể đến là đào thất thốn. Đây là một loại đào cảnh cổ và hiếm. Cây có dáng lùn, thân dày, từ gốc đến cành sần sùi, nổi những u, mấu xù xì tạo nên vẻ cổ kính, phong trần.

Vỏ cây nếu bóc ra thì có màu tím mận chín chứ không phải màu gỗ như các loại đào thường. Phần gỗ bên trong cây đào thất thốn có màu đỏ từ rễ lên tới búp, mầm nhọn và cứng cáp, lá dài gấp 3-4 lần lá đào thường.

Hoa đào thất thốn cực kỳ đặc biệt, rất dày cánh, những bông hoa kép có thể có từ 30-50 cánh/bông. Hoa có màu hồng đậm, thiên về tông đỏ nên rất rực rỡ. Nhị hoa vàng, vươn lên kiêu sa trên nền hoa thắm đem lại cảm giác ấm áp, sung túc.

Hoa mọc thành chùm và nếu không nở cùng lúc thì bông nở trước sẽ nở trùm lên những nụ khác. Hoa khi tàn không rụng cánh lả tả như các giống đào thường mà vẫn ở nguyên trên đài hoa.

Sở dĩ gọi là đào thất thốn vì có nhiều đặc điểm của cây gắn với con số 7. Thốn là đơn vị đo chiều dài của y học phương Đông cổ xưa, tương đương 1 đốt ngón tay. Có người nói cứ 7 thốn cây sẽ chia cành một lần, và mỗi thốn lại có 7 bông hoa. 7 năm cây mới ra hoa kép 7 tầng, mỗi tầng hoa có 7 cánh. Đặc biệt, đào thất thốn còn có thể ra hoa ở giữa gốc, giữa thân.  

Vì sao người miền Bắc thường trưng hoa Đào dịp Tết Nguyên đán? ảnh 4Đào thất thốn mang vẻ đẹp vương giả. (Nguồn: Vietnam+)

Đào thất thốn vô cùng được yêu thích vì vẻ đẹp quý hiếm và vương giả. Thế nhưng chăm đào thất thốn khá công phu.

Một nhà vườn ở Nhật Tân cho biết chi phí và công sức bỏ ra cho một cây đào thất thốn vô cùng lớn. Đào thất thốn trồng từ hạt phải mất ít nhất 10 năm để luyện dáng. Loài cây này ưa sống trong nhiệt độ từ 18-20 độ C và khá nhạy cảm với sự thay đổi của thời tiết, vì vậy phải sử dụng điều hòa để luôn giữ nhiệt độ ổn định cho cây.

Và cho dù chăm sóc tốt đến thế nào, chủ vườn vẫn phải chấp nhận sẽ có khoảng 1/3 số cây đào thất thốn trong vườn bị chết.

Đó là lý do mà đào thất thốn hầu như chỉ giành cho người có điều kiện bởi giá thành rất cao. Do rất kỳ công chăm sóc nên chủ vườn thường chỉ cho thuê đào thất thốn với giá thuê từ vài triệu cho đến vài chục triệu đồng một cây trong thời gian chưa đầy 1 tháng Tết. Với cây to tán đẹp giá thuê có thể lên tới cả trăm triệu đồng.

Hiện nay trên thị trường xuất hiện một loại đào mini mà nhiều người bán gọi là đào thất thốn, nhưng chúng có giá bán khá mềm, chỉ từ 500.000-2.000.000 đồng/cây. Tuy nhiên, đây không phải là đào thất thốn mà là giống đào nữ nhi hồng, hay đào lùn mini của Trung Quốc.

Giống đào này thân cây nhẵn, màu nâu nhạt, cành thẳng, mắt nụ dày, nhiều hoa nhưng hoa mỏng cánh và màu không thắm như đào thất thốn. Vì thế người mua cần lưu ý những đặc điểm này.

Cách chọn đào chơi Tết

Thị trường khá phong phú về các loại đào, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng. Nhưng có một số tiêu chuẩn cơ bản mà mọi người có thể dựa vào để lựa chọn được cành đào ưng ý nhất.

Có thể chọn cành đào to nhỏ tùy theo không gian diện tích nhà, nhưng quan trọng nhất là tán đào phải tròn, các nhánh phân bố đều. Các bạn nên chọn loại cành có dăm nhỏ vút thẳng ra ngoài tán, nụ rải đều từ đầu tới cuối. Đừng chọn cành có tán lệch và các nhánh đâm lên không cùng từ một điểm trên thân gốc.

Vì sao người miền Bắc thường trưng hoa Đào dịp Tết Nguyên đán? ảnh 5Người chơi hoa nên chọn loại cành có dăm nhỏ vút thẳng ra ngoài tán, nhánh cây cứng cỏi và sần sùi, nụ rải đều từ đầu tới cuối.(Nguồn: Vietnam+)

Kinh nghiệm chọn được những cành đào được cắt từ cây đào già là những nhánh cây nhìn cứng cỏi, khỏe mạnh, sần sùi và có màu ngà ngà đen. Cành nào có mốc trắng nữa thì càng đẹp.

Nếu chọn được cành đào phá tán (2-3 năm mới cắt một lần) thì màu của hoa sẽ rất rực rỡ, tươi tắn, hoa bền, tươi lâu, có thể chơi được cả tháng mà không hết hoa.

Cách chọn đào cây cũng gần giống với đào cành. Thân cây đào phải to, tròn, sần sùi, các dăm nhỏ và ngắn, các nhánh chính tạo nên dáng cây xuất phát từ một điểm trên thân, như vậy cây sẽ đẹp, cân đối.  

Trong số các dáng đào cây, đào dáng thông là loại đào dễ chơi và không kén khách. Cây được tạo dáng hình tháp, giống kiểu cây thông noel phương Tây, gốc to vững chãi và nhỏ dần tới ngọn.

Cây đào dáng thông cho hoa nở đẹp đồng đều từ gốc đến ngọn. Cây và hoa kết hợp với nhau tạo nên hình dáng rất đẹp, tạo cảm giác sung túc, phù hợp để trưng ở bất cứ vị trí nào nên luôn là lựa chọn yêu thích của rất nhiều các gia đình, cơ quan, nhà hàng, khách sạn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục