Vì sao thép Việt Nam bị 'đánh gục" tại chính 'sân nhà'?

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thép thua lỗ, thậm chí phải sản xuất cầm chừng, dừng luân phiên nhưng thép Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam vẫn không ngừng tăng.
Vì sao thép Việt Nam bị 'đánh gục" tại chính 'sân nhà'? ảnh 1Sản xuất thép thanh tại một doanh nghiệp thép Việt Nam. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Nhiều năm nay, mặc dù gặp không ít khó khăn nhưng ngành thép Việt Nam đã có những bước phát triển trong quy mô cũng như xuất khẩu.

Hiện các sản phẩm thép của Việt Nam đa dạng về chủng loại cũng như thị trường xuất khẩu.

Theo số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), các nhà sản xuất đã xuất khẩu gần 4,3 triệu tấn sắt thép các loại trong 5 tháng đầu năm, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các thị trường xuất khẩu thép trọng điểm trong quý 1/2023 là ASEAN (chiếm 33% tổng kim ngạch), Liên minh châu Âu (chiếm 19%), Ấn Độ (chiếm 15%) và Thổ Nhĩ Kỳ (chiếm 10%).

Đáng chú ý, hoạt động xuất khẩu thép của Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ tăng đột biến trong quý 1/2023 với 104.300 tấn, tổng trị giá 57 triệu USD.

Hoạt động xuất khẩu thép sang thị trường Ấn Độ cũng gia tăng mạnh trong quý 1/2023 với kim ngạch đạt 156,6 triệu USD, tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Mặc dù "đắt khách" tại nước ngoài như vậy nhưng các doanh nghiệp thép lại ế ẩm tại thị trường trong nước.

Ế tại chính "sân nhà"

Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm 2023, sản xuất thép thô trong nước chỉ đạt hơn 7,5 triệu tấn, giảm 21% so với cùng kỳ 2022; tiêu thụ đạt 7,6 triệu tấn, giảm 17% so với cùng kỳ 2022.

Sản xuất thép thành phẩm của các doanh nghiệp đạt hơn 11 triệu tấn, giảm 21,8% so với cùng kỳ năm 2022. Bán hàng thép thành phẩm đạt gần 10,4 triệu tấn, giảm 19,4% so với cùng kỳ năm 2022.

[VN hưởng lợi từ việc EU mở hạn ngạch thép nhập khẩu theo quốc gia]

Ông Phạm Công Thảo, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL), cho hay ngay sau quý 1/2023, thị trường quay đầu sụt giảm mạnh cả về sản lượng tiêu thụ và giá bán.

Ông Thảo nhận định thị trường bất động sản đóng băng là nhân tố chính gây ra việc sụt giảm mạnh trong ngành thép thời gian qua.

Song hành với việc sụt giảm về sản lượng, giá bán các sản phẩm thép cũng giảm sâu, trên 10% so với giai đoạn đầu năm.

Đó chính là những nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thép thua lỗ, thậm chí phải sản xuất cầm chừng, dừng luân phiên.

Tuy nhiên, lượng thép Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam vẫn tăng. Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao trong nước thừa năng lực sản xuất mà vẫn phải đi nhập khẩu sắt thép từ nước ngoài về?

Thép Trung Quốc dễ dàng "lấn sân"

Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong 5 tháng đầu năm 2023, lượng nhập các sản phẩm thép vào Việt Nam đạt hơn 5,06 triệu tấn; trong đó lượng nhập khẩu thép từ Trung Quốc đạt hơn 2,65 triệu tấn, chiếm hơn 52% tổng sản lượng thép nhập khẩu từ tất cả các quốc gia vào Việt Nam. Đặc biệt trong tháng 3/2023, lượng nhập thép từ Trung Quốc tăng 146% so với tháng 3/2022.

Vì sao thép Việt Nam bị 'đánh gục" tại chính 'sân nhà'? ảnh 2Sản xuất thép tại một doanh nghiệp. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Nhiều chuyên gia nhận định việc nhập khẩu tràn lan có thể khiến ngành thép trong nước mất cơ hội việc làm cho khoảng 40.000 lao động; phải chi ra hàng tỷ USD để nhập khẩu mỗi năm, trong khi hàng trong nước không bán được, doanh nghiệp thua lỗ.

Theo chia sẻ của đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam, giá sản phẩm thép Trung Quốc thấp hơn so với các nước xuất khẩu khác, cộng với các nhà sản xuất thép nước này chủ trương đẩy mạnh xuất khẩu ra nước ngoài do nhu cầu trong nước thấp. "Người bán muốn bán" và "người mua muốn mua" nên tỷ lệ xuất khẩu thép từ Trung Quốc tăng cao.

Thép Trung Quốc chủ yếu được xuất khẩu sang các khu vực không có rào cản thương mại, bao gồm Đông Nam Á, Trung Đông, Nam Á, Trung Mỹ.

Theo số liệu của Hiệp hội Thép Trung Quốc, trong tháng 1/2023 đến tháng 5/2023, các công ty thép Trung Quốc đã tăng xuất khẩu sản phẩm thép thêm 40,9% so với cùng kỳ năm 2022 - lên 36,37 triệu tấn.

Xuất khẩu thép của nước này trong tháng Năm đạt 8,4 triệu tấn, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất kể từ tháng 9/2016.

Tính chung 5 tháng đầu năm nay, lượng thép xuất khẩu của nước này tăng mạnh 41% so với cùng kỳ năm.

Theo một chuyên gia ngành thép, thị trường bất động sản Trung Quốc chưa có dấu hiệu phục hồi, số nhà xây mới liên tục sụt giảm nên xuất khẩu thép tiếp tục là một phần quan trọng trong việc tiêu thụ sản lượng dư thừa ở Trung Quốc.

Chuyên gia đự đoán xuất khẩu thép của nước này sẽ tiếp tục ở mức cao trong năm 2023. Điều này được cho là sẽ gây sức ép đối với ngành thép Việt Nam.

Điều kiện nhập khẩu còn "lỏng lẻo"

Chuyên gia cho rằng Việt Nam vẫn còn chưa quan tâm đến chuyện bảo hộ sản phẩm trong nước khi sự xâm nhập các sản phẩm thép từ nước ngoài do kinh tế giảm tốc và dư thừa hàng hóa.

Việc cấp bách để giải quyết vấn đề này là phải thiết lập các rào cản thương mại. Nhưng hiện tại, các điều kiện nhập khẩu vào Việt Nam còn rất "lỏng lẻo."

Theo quy định của Việt Nam, thép không nằm trong mặt hàng nhóm 2 gây mất an toàn theo TT 06/2020/TT-BKHCN nên không yêu cầu công bố hợp quy, kiểm tra sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu.

Hiện nay, thép được nhập khẩu vào Việt Nam đa phần được hưởng mức thuế 0%. Đồng thời, vì là hàng hóa luồng xanh nên được miễn kiểm tra chi tiết về hồ sơ và hàng hóa.

Trước đây, để được thông quan, thép nhập khẩu phải trải qua 2 khâu kiểm tra.

Đầu tiên, kiểm định chất lượng tại tổ chức kiểm định được chỉ định.

Sau đó, doanh nghiệp phải đem giấy kiểm định qua Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng của Sở Khoa học và Công nghệ để được cấp thông báo kết quả đạt chất lượng.

Tuy nhiên, ngày 21/9/2017, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 18/2017/TT-BCT bãi bỏ quy trình nhập khẩu thép.

Điều này đồng nghĩa với việc tổ chức, cá nhân nhập khẩu không có trách nhiệm công bố tiêu chuẩn áp dụng cho sản phẩm thép của mình.

Theo Thông tư trên, trình tự, thủ tục xác nhận nhu cầu nhập khẩu thép, xác nhận kê khai nhập khẩu thép, trình tự, thủ tục và nội dung kiểm tra chất lượng thép sản xuất trong nước, thép nhập khẩu đềuđược hủy bỏ.

Việc bãi bỏ các quy trình kiểm tra chất lượng dẫn đến hoạt động nhập khẩu thép ồ ạt vào Việt Nam. Đặc biệt là các sản phẩm thép từ Trung Quốc, nơi có thế mạnh về giá cả và số lượng.

Do đó, Việt Nam cần nghiên cứu hàng rào kỹ thuật để vừa không vi phạm cam kết trong các hiệp định thương mại tự do nhưng vẫn hỗ trợ tốt cho sản xuất trong nước.

Thêm vào đó, với quy trình kiểm tra gần như bằng 0 như vậy đang đặt ra những nghi vấn về chất lượng thép khi đưa vào sử dụng tại các công trình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục