Vì sao Triều Tiên nên theo đuổi mô hình kinh tế như Việt Nam?

Theo đánh giá của Giáo sư Lee Jong-Wha, Việt Nam chính là tấm gương để Triều Tiên noi theo khi tiến hành công cuộc hội nhập. Bài viết được đăng tải độc quyền thông qua dự án Project Syndicate.
Vì sao Triều Tiên nên theo đuổi mô hình kinh tế như Việt Nam? ảnh 1Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới thăm 2 nhà máy dệt may tại thị trấn Sinuiju ở biên giới Tây Bắc giáp Trung Quốc. Trong chuyến thăm, nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhấn mạnh nhà máy này đã đóng góp lớn vào ngành công nghiệp nhẹ của Triều Tiên trong nhiều thập kỷ, đồng thời kêu gọi công nhân tại đây nỗ lực tăng năng suất. (TTXVN phát)

Kể từ khi tiến hành công cuộc Đổi Mới, kinh tế Việt Nam đã có những bước biến chuyển "thần kỳ" và được coi là một hình mẫu phát triển. Theo đánh giá của Giáo sư Kinh tế Lee Jong-Wha, Giám đốc Viện Nghiên cứu châu Á thuộc Đại học Korea, thì Việt Nam chính là một tấm gương để Triều Tiên có thể noi theo nếu như nước này tiến hành công cuộc hội nhập quốc tế.

Giáo sư Lee Jong-Wha là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu gây tiếng vang. Cuốn sách gần đấy nhất của ông, đồng tác giả với nhà kinh tế học Robert J. Barro thuộc Đại học Harvard, có tiêu đề Các vấn đề giáo dục: Những thành quả toàn cầu từ thế kỷ 19 đến thế kỷ 21.

Bản dịch bài viết dưới đây được đăng tải độc quyền trên VietnamPlus, thông qua dự án Project Syndicate. Bài viết và văn phong phản ánh quan điểm riêng của tác giả.

Sau nhiều thập kỷ bế tắc, cuối cùng có vẻ như đã có một số bước tiến ngoại giao trên Bán đảo Triều Tiên. Cuộc gặp gỡ cấp cao hồi tháng Sáu mới đây giữa ông Kim Jong-un và ông Donald Trump - cuộc gặp đầu tiên giữa một nhà lãnh đạo Triều Tiên và một tổng thống Mỹ đương nhiệm - đã dẫn đến một tuyên bố chung trong đó ông Kim đồng ý thực hiện phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, để đổi lại những đảm bảo an ninh từ Trump.

Dù thế nào đi chăng nữa, Triều Tiên cũng sẽ hưởng lợi từ những đảm bảo như vậy - cũng như từ việc chấm dứt những trừng phạt quốc tế mang tính tàn phá - khi nước này tìm được cách hồi phục lại nền kinh tế đã bị đổ vỡ của mình. Liệu nước này có thể sử dụng những kinh nghiệm của Việt Nam như một mô hình để theo đuổi?

Năm 1986, Việt Nam khởi xướng chính sách Đổi Mới, với hàng loạt cải cách kinh tế nhằm vào việc tạo ra một nền kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa như giải tán các hợp tác xã nông nghiệp, bỏ kiểm soát giá cả đối với nông sản, giao khoán đất đai cho nông dân. Việt Nam cũng tiến hành tư nhân hóa nhiều công ty, nới lỏng những quy định đầu tư nước ngoài, và tạo ra một môi trường thân thiện hơn cho các doanh nghiệp tư nhân, thiết lập các khu chế xuất, và thúc đẩy các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động.

Trong 30 năm tiếp sau đó, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng với tỉ lệ trung bình hàng năm là 6,7%. Vào năm 2017, GDP bình quân đầu người đạt 2.340 USD, và xuất khẩu vượt 210 tỷ USD - gần bằng với Australia và Brazil. Các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các tập đoàn lớn của Hàn Quốc như Samsung, đã đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình này.

Tại cuộc gặp cấp cao liên Triều ngày 27/4, có tin ông Kim đã bày tỏ sự quan tâm đối với việc đi theo mô hình cải cách kinh tế của Việt Nam. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã lặp lại suy nghĩ này, khi ông tuyên bố rằng Triều Tiên có thể lặp lại con đường của Việt Nam để đi tới thịnh vượng kinh tế và có các quan hệ bình thường với Mỹ.

Nếu Triều Tiên - đất nước bị cô lập nhất thế giới - quyết định tiến hành những cải cách như vậy, nước này chắc chắn sẽ phải đối mặt với những rào cản to lớn. Nền kinh tế kế hoạch tập trung của Triều Tiên từ lâu đã ở trong tình trạng trì trệ, với tỉ lệ tăng trưởng trung bình hàng năm chưa đến 1% trong thập niên qua và GDP đầu người chỉ đạt 1.300 USD, theo những ước tính của ngân hàng trung ương Hàn Quốc. Những biện pháp trừng phạt đang gây thiệt hại hơn nữa cho hoạt động kinh tế: trong năm 2017, GDP đã giảm 3,7% và tổng lượng hàng hóa xuất khẩu giảm 37%, xuống còn con số không đáng kể là 1,77 tỷ USD.

Tuy nhiên, Triều Tiên hiện sở hữu những nền tảng cơ bản kinh tế tương đối tốt, nhờ vào đội ngũ công nhân được đào tạo tốt, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, và những lợi thế về địa lý như các cảng biển thiên nhiên.

Cùng với những cải cách thị trường toàn diện mà nó tạo điều kiện cho đầu tư nước ngoài trên quy mô lớn và áp dụng công nghệ, thì việc lặp lại "sự thần kỳ" về kinh tế của Việt Nam sẽ là điều hoàn toàn khả thi. Theo kịch bản này, Triều Tiên có thể đảm bảo đạt được tỉ lệ tăng trưởng GDP hai con số và điều này sẽ thúc đẩy thu nhập đầu người lên mức 10.000 USD trong vòng 30 năm. Chỉ riêng các quan hệ thương mại bình thường và đầu tư trực tiếp với Hàn Quốc không thôi cũng có thể giúp làm tăng tỉ lệ tăng trưởng GDP hàng năm thêm 3%.

Như vậy, câu hỏi thực sự là Triều Tiên sẵn sàng như thế nào trong việc đi theo con đường trên. Về vấn đề này, cũng vậy, hiện có một số lý do để hy vọng, với việc ông Kim dường như tỏ ra có đầu óc cải cách hơn so với những người tiền nhiệm.

Vì sao Triều Tiên nên theo đuổi mô hình kinh tế như Việt Nam? ảnh 2Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp nhau tại Singapore (Nguồn: AFP/TTXVN)

Chính sách đối nội mang dấu ấn của ông, byungjin (phát triển song song quốc phòng và kinh tế), nhằm vào việc theo đuổi song song chương trình hạt nhân và tăng trưởng kinh tế - một sự thay đổi từ chính sách songun (quân sự trên hết) của cha ông. Như một phần của nỗ lực này, ông đã trao thêm quyền tự chủ cho các nông trường và nhà máy cũng như mở một số chợ bán hàng hóa.

Tháng Tư vừa qua, ông Kim thông báo kết thúc chính sách byungjin, khi ông nói tại một cuộc họp của Đảng Lao động Triều Tiên rằng đã đến lúc tập trung các nguồn tài nguyên của đất nước vào việc xây dựng lại nền kinh tế. Tuy nhiên mức độ của cam kết đó vẫn là điều chưa rõ, đặc biệt là do hiện không có thông tin đáng tin cậy nào về hiện trạng kinh tế của nước này.

Thể chế chính trị ở Triều Tiên cho phép lãnh tụ tối cao đưa ra mọi quyết định quan trọng. Điều này không loại trừ cải cách kinh tế. Nhưng nếu Triều Tiên định đi theo con đường của Việt Nam, thì nước này sẽ cần phải có được sự ổn định lâu dài về chính trị và kinh tế khi theo đuổi quá trình tư nhân hóa và tự do hóa toàn diện.

Tuy vậy, trước hết Triều Tiên vẫn cần phải thực hiện những bước đi có ý nghĩa và đáng tin cậy trong vấn đề phi hạt nhân hóa - một điều kiện tiên quyết cho việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế. Một khi các biện pháp trừng phạt được nới lỏng, hai nước Triều Tiên có thể tăng cường hợp tác về các vấn đề nhân đạo, y tế, và môi trường, cũng như thảo luận việc mở lại tổ hợp công nghiệp Kaesong.

Các biện pháp trừng phạt sẽ chỉ được hủy bỏ sau quá trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Vào thời điểm đó, Triều Tiên có thể hình thành các quan hệ đối tác thương mại và đầu tư thực sự với phần còn lại của thế giới và, hoàn toàn trong khả năng, có thể nhận được hỗ trợ tài chính từ các thể chế cho vay đa phương như Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á, cũng như từ các nước láng giềng, mà quan trọng nhất là Hàn Quốc. Bên cạnh nhiều dự án khác, chính phủ Hàn Quốc sẽ xây dựng các mạng lưới đường sắt, đường bộ, và năng lượng liên Triều.

Việc bình thường hóa quan hệ của Triều Tiên với Hàn Quốc và các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương khác, trong đó có Nhật Bản và Mỹ, sẽ khuyến khích một sự chuyển đổi kinh tế sâu sắc hơn nữa. Điều này sẽ giúp cải thiện một cách thực chất sự thịnh vượng của người dân Triều Tiên.

Nhưng không chỉ phi hạt nhân hóa, Triều Tiên còn cần đến cả những cải cách thông minh và bền vững nữa. Trên hết, để thành công sẽ đòi hỏi phải nới lỏng những sức ép cô lập về kinh tế và ngoại giao, là điều có thể tước đoạt những gì mà các nguồn tài nguyên nhỏ bé của Triều Tiên còn giữ lại được.

Những gì diễn ra tới đây trên bán đảo Triều Tiên sẽ tác động đến tất cả mọi người. Đó là lý do tại sao cộng đồng quốc tế phải thúc ép Triều Tiên chớp lấy thời cơ, ngừng tiêu phí nguồn tài nguyên vào phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa, và khởi động một chương trình cải cách kinh tế toàn diện. Việt Nam nên là mô hình để Triều Tiên theo đuổi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục