Bất cứ đời tổng thống mới nào cũng được thừa hưởng những vấn đề và mối đe dọa mà những người tiền nhiệm để lại để rồi phải dành ưu tiên giải quyết trong suốt nhiệm kỳ của mình.
Theo trang mạng chinausfocus.com, trong trường hợp của Donald Trump, mối đe dọa mà Triều Tiên mang lại cho an ninh quốc gia Mỹ và an ninh toàn cầu cũng được coi là một trong những ưu tiên cần giải quyết hàng đầu. Trump đã có cách thức để tiến xa hơn trong hành xử với "Vương quốc ẩn dật" so với người tiền nhiệm Barack Obama.
Trước hết, Trump cuối cùng cũng có trong tay một Trung Quốc được trang bị vũ khí tối tân để gây sức ép đối với quốc gia láng giềng trong nỗ lực ngăn chặn mọi nguồn thu ngoại tệ cũng như chương trình hạt nhân đang theo đuổi.
Bằng chứng rõ ràng nhất là khi Bắc Kinh đồng ý thực thi các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trong đó có lệnh cấm nhập khẩu than đá và quặng sắt từ Bình Nhưỡng.
Mùa Hè vừa qua, Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên trong lịch sử ở Singapore để thảo luận về vấn đề giải giáp hạt nhân.
Kết quả là cuộc gặp đã mang lại một thỏa thuận "cùng hành động" để tiến tới phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.
Thiện chí của cả hai bên đã được hiện thực hóa bằng việc Triều Tiên tuyên bố phá hủy nhà máy sản xuất tên lửa và Mỹ quyết định giảm các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc trong khi các cuộc đàm phán song phương vẫn được duy trì.
Kể từ thời điểm đó, các kế hoạch chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai được triển khai trong khi lãnh đạo hai miền Triều Tiên có thêm cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 3.
Tuy nhiên, trong khi Trump nỗ lực thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, hiện vẫn có một câu hỏi lớn là: Một bán đảo Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân sẽ như thế nào?
[Mỹ muốn hợp tác liên Triều song hành cùng vấn đề phi hạt nhân hóa]
Rất nhiều người hy vọng rằng Triều Tiên có thể tái hội nhập vào xã hội toàn cầu, bình thường hóa quan hệ với Hàn Quốc để cùng nỗ lực hướng tới thống nhất đất nước.
Gạt ra bên lề một sự thật rằng viễn cảnh này đòi hỏi chính quyền Bình Nhưỡng phải từ bỏ vũ khí hạt nhân, Triều Tiên hiện đã trở thành "con tốt" địa chính trị đang ở giữa Trung Quốc- một đồng minh láng giềng đơn độc- và Mỹ.
Triều Tiên vẫn là một trong số ít các quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều từ Trung Quốc trong khi thẳng thừng từ bỏ các giá trị Mỹ và phương Tây.
Với suy nghĩ này, sẽ thuận lợi cho Mỹ nếu bán đảo Triều Tiên thống nhất dưới sự lãnh đạo của chính phủ Hàn Quốc bởi một số lý do sau đây: Trước hết, Mỹ không phải lo lắng với sự chuyển đổi chính quyền của chế độ họ Kim sang một chính phủ cởi mở và dân chủ.
Thứ hai, Trung Quốc sẽ mất một đồng minh chủ chốt trong nỗ lực lấy lại thế cân bằng để đối phó với sự hiện diện của Mỹ trong khu vực.
Trung Quốc đã khai thác triệt để mối quan hệ gần gũi với Triều Tiên như một cách để kiểm soát sự hiện diện ngày càng gia tăng của Mỹ ở khu vực, đôi khi bằng cách hỗ trợ quốc gia láng giềng thông qua các trao đổi thương mại. Nếu hòa bình được duy trì và Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa thì Trung Quốc sẽ mất công cụ để có được thế cân bằng với Mỹ.
Một nhân tố khác cũng góp phần làm phức tạp hóa viễn cảnh một bán đảo Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân đó là một Triều Tiên kém phát triển, nền kinh tế kiệt quệ, một thị trường chưa được khai thác với cơ hội phát triển cơ sở hạ tầng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các ngành công nghiệp của Mỹ.
Ví dụ, các công ty như Exxon Mobile, Tyson Foods và Cargill sẽ được hưởng lợi khi có thêm những thị trường mới để tiêu thụ sản phẩm của họ.
Sẽ rất dễ dàng cho Mỹ tiếp cận vào thị trường này nếu bán đảo Triều Tiên thống nhất dưới sự kiểm soát của chính quyền Hàn Quốc và sẽ tạo điều kiện để có được sự hiện diện của Mỹ trong nền kinh tế của một bán đảo Triều Tiên thống nhất.
Lợi ích, mục tiêu và cách nhìn nhận của Trung Quốc trong nhiều trường hợp lại đối nghịch với của Mỹ. Quan điểm của Bắc Kinh về viễn cảnh hòa bình trên bán đảo Triều Tiên không mấy khác biệt. Trung Quốc sử dụng cả mối quan hệ với Triều Tiên cũng như việc Bình Nhưỡng theo đuổi chương trình hạt nhân và tên lửa như một cách thức để kiểm soát sức mạnh quân sự và giá trị Mỹ ở khu vực.
Điều đó có nghĩa rằng Trung Quốc biết rõ sự mất ổn định của Triều Tiên và ủng hộ mong muốn của Mỹ về một nền hòa bình cho khu vực.
Tuy nhiên, hòa bình và tái thống nhất không hoàn toàn là điều Trung Quốc mong muốn. Đối với Bắc Kinh, điều lý tưởng nhất là Triều Tiên và Hàn Quốc đạt được một thỏa thuận hòa bình, tái lập mối quan hệ ngoại giao và kinh tế nhưng không đi tới thống nhất. Trung Quốc không thể mạo hiểm với một Triều Tiên ngả theo phương Tây, học theo giá trị dân chủ của Hàn Quốc hoặc Mỹ.
Khi thế giới đang chờ đợi một cuộc gặp thượng đỉnh thứ hai giữa Mỹ và Triều Tiên, điều quan trọng là cả Trung Quốc và Mỹ cần phải bỏ qua lợi ích của mình để phối hợp thiết lập một nền hòa bình cho bán đảo Triều Tiên.
Cả Trung Quốc và Mỹ đều hiểu rõ rằng tái thống nhất thực sự bán đảo Triều Tiên là điều hoàn toàn khó khăn bởi cả Triều Tiên và Hàn Quốc hiện đang có chế độ chính trị và trình độ phát triển kinh tế khác nhau.
Theo đó, Bắc Kinh và Washington trước hết cần tập trung vào việc mang lại hòa bình và ổn định cho khu vực để từ đó có cơ sở để đưa ra giải pháp tốt nhất cho việc tái thống nhất hai miền Triều Tiên.
Tuy nhiên, với một Triều Tiên có truyền thống bài phương Tây và luôn có xu hướng "thất hứa" đối với các thỏa thuận nên Mỹ và Trung Quốc cần phải chấp nhận với một thực tế là "tái thống nhất" có thể chỉ là hình thái để Hàn Quốc và Triều Tiên bình thường hóa các mối quan hệ ngoại giao và kinh tế chứ không phải hợp thành một quốc gia đơn nhất./.