Việt Nam-Ấn Độ nhất trí sớm đàm phán Hiệp định thương mại tự do song phương

Thủ tướng Việt Nam và Ấn Độ nhất trí tiếp tục thúc đẩy trao đổi chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao theo hình thức linh hoạt giữa lãnh đạo 2 nước; sớm đàm phán Hiệp định thương mại tự do song phương.

Hội nghị cấp cao ASEAN - Ấn Độ lần thứ 21. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Hội nghị cấp cao ASEAN - Ấn Độ lần thứ 21. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Theo đặc phái viên TTXVN, ngày 11/10, nhân dịp dự Hội nghị Cấp cao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 44-45 và các Hội nghị Cấp cao liên quan tại Vientiane (Lào), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn Thủ tướng Narendra Modi đã gửi thư thăm hỏi và viện trợ khẩn cấp 35 tấn hàng hóa trị giá 1 triệu USD hỗ trợ các vùng chịu thiệt hại bởi cơn bão số 3 (tên quốc tế là bão Yagi), thể hiện tình cảm tốt đẹp, quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ hài lòng về những kết quả thực chất đạt được trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ vừa qua; đánh giá cao việc hai bên đang phối hợp tích cực triển khai kết quả chuyến thăm.

Trao đổi về phương hướng hợp tác thời gian tới, hai Thủ tướng nhất trí tiếp tục thúc đẩy trao đổi chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao theo hình thức linh hoạt giữa lãnh đạo hai nước; sớm đàm phán Hiệp định thương mại tự do song phương, tăng tần suất các chuyến bay thẳng kết nối các thành phố lớn của hai nước nhằm tạo thuận lợi cho hợp tác thương mại, đầu tư, du lịch và giao lưu nhân dân.

Trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế, Thủ tướng Modi đánh giá cao kết quả tốt đẹp của các Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44-45 và các Hội nghị Cấp cao liên quan tại Vientiane sẽ có tác động rộng khắp tại khu vực.

Hai Thủ tướng nhất trí tiếp tục ủng hộ lẫn nhau và hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là Liên hợp quốc, ASEAN và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, đề cao các nguyên tắc bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục