Ngày 16/9, nhân Ngày quốc tế bảo vệ tầng ôzôn, tại Nam Định, Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định tổ chức tọa đàm về loại trừ các chất làm suy giảm tầng ôzôn và biến đổi khí hậu tại Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực, khả năng phối hợp bảo vệ tầng ôzôn, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
Công ước Vienna về bảo vệ tầng ôzôn 1985 và Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ôzôn 1987 đã và đang được ghi nhận là một thành công của cộng đồng quốc tế trong việc chống lại một thảm họa môi trường trên toàn cầu do tầng ôzôn bình lưu bị phá hoại gây nên.
Chủ đề Ngày quốc tế bảo vệ tầng ôzôn năm 2015 là “30 năm cùng nhau bảo vệ tầng ôzôn, ôzôn là tất cả những gì giữa bạn và tia cực tím." Ngày kỷ niệm này có ý nghĩa gắn kết, tạo động lực thúc đẩy cộng đồng chung tay bảo vệ tầng ôzôn, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; là dịp để khuyến khích những hoạt động cụ thể phù hợp với các mục tiêu của Nghị định thư Montreal và các điều chỉnh của Nghị định thư này.
Bên cạnh đó, nhấn mạnh tầm quan trọng của tầng ôzôn trong việc lọc ánh sáng Mặt Trời, ngăn ngừa tác hại của tia cực tím đến được bề mặt Trái Đất, để ôzôn trở thành tấm lá chắn quan trọng bảo vệ con người và các loài sinh vật trên mặt đất khỏi tác hại của tia cực tím.
Hiện nay có gần 100 chất làm suy giảm tầng ôzôn (ODS) bị kiểm soát gồm các nhóm chất CFC, HCFC và menthyl bromide. Các HCFC (hydrochlorofluorobon - chất khí có gốc clo) là hóa chất được sử dụng chủ yếu trong làm lạnh và điều hòa không khí. Các HCFC có khả năng dịch chuyển vào tầng khí quyển phân hủy thành clo làm suy giảm và phá hủy tầng ôzôn.
Các chất HCFC đang được sử dụng trong một số lĩnh vực tại Việt Nam như dùng cho các hệ thống cấp đông kho lạnh, máy làm đá, điều hòa không khí gia đình và trung tâm, sản xuất xốp cách nhiệt, sản xuất mỹ phẩm và dụng cụ y tế.
Theo ông Nguyễn Khắc Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), để thực hiện có hiệu quả kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC, Việt Nam cần có một số biện pháp cụ thể như cấp phép nhập khẩu các chất HCFC theo hạn ngạch với lượng nhập khẩu giảm dần theo hạn định loại trừ, không cấp phép thành lập mới các doanh nghiệp sản xuất thiết bị sử dụng HCFC, giảm sử dụng HCFC cho dịch vụ sửa chữa thiết bị làm lạnh…
Ông Vũ Minh Lượng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định, cho biết nhận thức được nguy cơ, thách thức cũng như những thuận lợi, khó khăn trong bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ tầng ôzôn nói riêng, Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định đã có công văn về việc thực hiện các biện pháp giảm cầu về các chất HCFC để bảo vệ tầng ôzôn, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ôzôn./.