Việt Nam có hơn 164.000 trường hợp mắc ung thư mới trong năm 2018

Năm 2018, ước tính Việt Nam có hơn 160.000 ca mắc ung thư mới và hơn 114.000 người tử vong vì ung thư, ung thư cũng là bệnh lý gia tăng nhanh hàng đầu tại Việt Nam.
Việt Nam có hơn 164.000 trường hợp mắc ung thư mới trong năm 2018 ảnh 1Khám sàng lọc ung thư vú. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Năm 2018, ước tính Việt Nam có hơn 160.000 ca mắc ung thư mới và hơn 114.000 người tử vong vì ung thư. Ung thư cũng là bệnh lý gia tăng nhanh hàng đầu tại Việt Nam.

Thông tin này được tiến sỹ-bác sỹ Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ tại Hội nghị thường niên phòng chống ung thư Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 21, do Hội Ung thư Việt Nam phối hợp với Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, ngày 6/12.

Tiến sỹ-bác sỹ Phạm Xuân Dũng cho biết theo Tổ chức Ghi nhận Ung thư toàn cầu Globocan, ước tính năm 2018 trên toàn cầu có 18,1 triệu ca mắc mới và 9,6 triệu ca tử vong. Dự đoán đến năm 2025 sẽ tăng lên 19,3 triệu ca mới, trong đó 56,8% ca ung thư mới và 68,9% ca ung thư tử vong xảy ra ở các nước đang phát triển.

[Video] Chế tạo thành công loại virus diệt tế bào ung thư

Tại Việt Nam, ung thư là một trong những bệnh lý gia tăng hàng đầu, ước tính năm 2018 có hơn 164.000 ca mới và hơn 114.000 ca tử vong.

Riêng tại Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh - nơi tiếp nhận điều trị các bệnh lý ung thư tuyến cuối của khu vực phía Nam, từ tháng 11/2017 đến tháng 11/2018, bệnh viện này tiếp nhận điều trị cho khoảng 30.000 ca mới, chiếm 69,6% các trường hợp đến khám tại bệnh viện. Trung bình số lượng bệnh nhân ung thư tại đây tăng khoảng 10% mỗi năm.

Ba loại ung thư phổ biến nhất là ung thư phổi, ung thư vú ở phụ nữ và ung thư trực tràng. Các loại ung thư này cũng chiếm 1/3 tỷ lệ mắc và tử vong.

Trước tình hình đó, Thành phố Hồ Chí Minh đã có sự đầu tư lớn về nguồn nhân lực gồm đội ngũ bác sỹ, điều dưỡng, kỹ sư vật lý phóng xạ cùng với nâng cấp cơ sở vật chất trong điều trị ung thư.

Dự kiến năm 2019, cơ sở 2 của Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh tại quận 9 với quy mô 1.000 giường bệnh sẽ được đưa vào hoạt động, hỗ trợ tích cực trong chẩn đoán và điều trị, chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho bệnh nhân ung thư.

Diễn ra trong hai ngày 6-7/12, Hội nghị thường niên phòng chống ung thư Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 21 thu hút hơn 1.400 đại biểu tham dự với 115 bài báo cáo mang tính chuyên sâu, cập nhật những tiến bộ mới nhất trên thế giới trong lĩnh vực chẩn đoán, điều trị ung thư. Trong đó tiêu biểu là các báo cáo chuyên đề về vấn đề liệu pháp miễn dịch, như “Ức chế chốt kiểm trong liệu pháp miễn dịch ung thư” của giáo sư Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam; “Liệu pháp miễn dịch trong ung thư phổi không tế bào nhỏ: Tối ưu hóa điều trị cho bệnh nhân của bạn ngay bây giờ” của giáo sư Mitchell Paul đến từ Australia và bài trình bày về “Vai trò của dấu ấn sinh học trong hướng dẫn quyết định lâm sàng cho liệu pháp miễn dịch” của Giáo sư Pathmanathan A. Radjadurai- Malaysia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục