Việt Nam có số người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cao nhất trong khu vực

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và các bệnh không lây nhiễm khác như bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường... ngày càng gia tăng và có những tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế và xã hội.

Người dân đo chức năng hô hấp để khám và điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. (Ảnh: T.G/Vietnam+)
Người dân đo chức năng hô hấp để khám và điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ ba trên Thế giới. Tại Việt Nam có số người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính trung bình và nặng đứng cao nhất trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Thông tin trên được đưa ra tại Buổi Lễ mít tinh Chương trình truyền thông phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hưởng ứng Ngày Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính do Bệnh viện Bạch Mai và Bộ Y tế tổ chức ngày 25/11 tại Hà Nội.

Phát biểu tại buổi lễ, Tiến sỹ Nguyễn Minh Hằng - Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) nhấn mạnh bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và các bệnh không lây nhiễm khác như bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường, hen phế quản đang ngày càng gia tăng và trở nên phổ biến, có những tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế và xã hội.

Hiện nay, số người mắc bệnh bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính trong cộng đồng rất lớn. Theo ước tính số liệu sơ bộ của điều tra yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm mới nhất do Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới và Tổng cục Thống kê triển khai cho thấy có tới 3,1% số người trưởng thành (từ 18-69 tuổi) đã từng được chẩn đoán mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

ba Hằng.jpg
Tiến sỹ Nguyễn Minh Hằng - Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế). (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một trong những bệnh hô hấp phổ biến trên thế giới cũng như ở nước ta và có xu hướng ngày càng gia tăng. Hiện nay, COPD là một trong 3 nguyên nhân tử vong hàng đầu trên Thế giới và 90% số ca tử vong này nằm ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ mắc COPD đứng hàng đầu trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Đây là bệnh tiến triển nặng dần, không hồi phục do có những đợt cấp và xuất hiện các biến chứng trầm trọng gây tàn phế và đưa đến tử vong như suy hô hấp mạn tính, suy tim phải.

Trước tình hình gia tăng các bệnh không lây nhiễm làm ảnh hưởng tới sức khoẻ, chất lượng sống của người dân, tổn thất nặng nề về kinh tế, tác động tiêu cực tới an sinh xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 20/3/2015 phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác giai đoạn 2015-2025… trong đó nhấn mạnh giải pháp truyền thông, nâng cao nhận thức của ác cấp chính quyền, đoàn thể và cả xã hội.

Phó giáo sư Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho hay bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là một trong những bệnh không lây nhiễm cần được quản lý và có chiến lược trong phòng và điều trị bệnh nhằm giảm gánh nặng y tế, kinh tế xã hội do bệnh gây ra.

dap xe.jpg
Hoạt động đạp xe tuyên truyền, cổ động truyền thông nâng cao hiểu biết cho cộng đồng về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Báo cáo kết quả triển khai quản lý bệnh tại tuyến y tế cơ sở hoạt động phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản của Bệnh viện Bạch Mai cho thấy tỷ lệ người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản được phát hiện ở giai đoạn sớm trước khi có biến chứng đạt 35%, phát hiện được điều trị theo hướng dẫn chuyên môn đạt 40%.

Hiện có 245 phòng quản lý bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản trên cả nước, 106 phòng quản lý tuyến tỉnh, 239 phòng quản lý tuyến huyện, 2.264 trạm y tế xã/phường có hoạt động dự phòng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản.

Ngày bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính toàn cầu do Sáng kiến toàn cầu về Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính khởi xướng với mục đích nâng cao nhận thức, chia sẻ kiến thức và thảo luận các cách để giảm gánh nặng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính trên toàn Thế giới.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đầu tiên được tổ chức vào năm 2002 và mỗi năm có hơn 50 quốc gia đã tổ chức các hoạt động hưởng ứng, biến ngày này trở thành một trong những sự kiện giáo dục và nâng cao nhận thức về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính trên Thế giới.

Năm 2023, chủ đề của Ngày bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính toàn cầu năm nay là: “Hơi thở là cuộc sống - Hãy hành động sớm,” nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khoẻ lá phổi từ sớm và phòng ngừa bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính bằng cách hành động sớm hơn, bao gồm các hoạt động ngăn ngừa các yếu tố nguy cơ, theo dõi sức khoẻ lá phổi thường xuyên, chẩn đoán bệnh sớm và điều trị kịp thời.

Hưởng ứng Ngày bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính toàn cầu năm nay, Dự án phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản (Bệnh viện Bạch Mai) tổ chức Sự kiện truyền thông với nhiều hoạt động: Hội thảo khoa học, Lễ mít tinh phát động chương trình hưởng ứng khám, tư vấn miễn phí về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tínhcho người dân có yếu tố nguy cơ.

Theo các chuyên gia, việc chẩn đoán sớm và tư vấn điều trị sớm giúp ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh, phòng ngừa biến chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục