Việt Nam coi trọng phát triển quan hệ với OECD

Đại sứ Dương Chí Dũng khẳng định Việt Nam hết sức coi trọng quan hệ với OECD nói chung và Trung tâm phát triển DEV nói riêng.
Ngày 1/3, Đoàn đại biểu Việt Nam do ông Dương Chí Dũng, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Pháp, dẫn đầu đã tham dự các hoạt động kỷ niệm 50 năm thành lập Trung tâm phát triển (DEV) và Hội nghị cấp cao của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), diễn ra một tuần tại trụ sở của tổ chức này ở trung tâm thủ đô Paris, Pháp.

Trong bài phát biểu tại phiên họp chiều 1/3, Đại sứ Dương Chí Dũng đánh giá cao những thành tựu của Trung tâm phát triển OECD trong 50 năm qua, khẳng định Việt Nam hết sức coi trọng quan hệ với OECD nói chung và Trung tâm phát triển DEV nói riêng.

Trưởng đoàn Việt Nam hoan nghênh OECD xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển, đồng thời nhấn mạnh những nội dung mà Chiến lược phát triển của OECD đã nêu lên được xem như trọng tâm - đó là hướng tới hoàn thành các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, hỗ trợ các nước đang phát triển đối mặt với những thách thức đang nổi lên như bẫy thu nhập trung bình hay biến đổi khí hậu, đồng thời tiếp tục thúc đẩy viện trợ phát triển và vai trò của các đối tác của OECD.

Đại sứ Dương Chí Dũng cũng chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong hợp tác với OECD, đặc biệt là việc Việt Nam chủ động xây dựng kế hoạch hợp tác với tổ chức này, cụ thể hóa Định hướng hợp tác Việt Nam-OECD giai đoạn 2012-2015 được Chính phủ Việt Nam vừa thông qua vào tháng 2/2012.

Việt Nam đặc biệt quan tâm tới dự thảo Chiến lược phát triển của OECD dự kiến sẽ được thông qua tại Diễn đàn Phát triển của OECD vào tháng 5/2012, với mục tiêu hỗ trợ các nước đang phát triển hoạch định chiến lược phát triển quốc gia và chiến lược hợp tác quốc tế, nhằm tăng cường hiệu quả của OECD trong việc thực hiện mục tiêu đóng góp vào sự phát triển kinh tế thế giới bền vững trong thế kỷ XXI, và góp phần thực hiện những mục tiêu thiên niên kỷ, thông qua việc thu thập ý tưởng, đánh giá chính sách và thu thập dữ liệu.

OECD đề xuất 4 nội dung chính gồm: nguồn lực sáng tạo và bền vững của phát triển; huy động nguồn lực cho phát triển; quản trị cho phát triển; và đánh giá tiến trình phát triển.

Trong 50 năm qua, với mục tiêu thúc đẩy hợp tác giữa các nước thành viên OECD với các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển, DEV đã trở thành diễn đàn đối thoại, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm giữa các nước, giữa các doanh nghiệp, viện nghiên cứu nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển xây dựng chiến lược phát triển quốc gia.

Số lượng thành viên của DEV không ngừng tăng lên, đặc biệt là trong những năm gần đây với sự tham gia của một loạt nước đang phát triển. Việt Nam trở thành thành viên của DEV từ tháng 3/2008 và đã có nhiều hoạt động hợp tác với DEV trong các lĩnh vực các bên cùng quan tâm như nghiên cứu chính sách phát triển, nâng cao hiệu quả viện trợ, phát triển nguồn nhân lực.

Trong hai năm 2010 và 2011, Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với DEV trong việc xuất bản các báo cáo Triển vọng kinh tế Đông Nam Á đầu tiên của OECD.

Về phần mình, phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị cấp cao sáng nay (1/3) với sự tham dự của đại diện của hơn 50 nước và tổ chức quốc tế, ông Angel Gurría, Tổng thư ký OECD, nhắc lại lịch sử thành lập và sứ mệnh của DEV trong việc hỗ trợ các nước đang phát triển đối mặt với các thách thức, thúc đẩy phát triển chung của thế giới, đồng thời đánh giá cao vai trò và những thành tựu mà trung tâm đã đạt được trong 50 năm qua.

Đại diện các đoàn tham dự hội nghị đã chia sẻ quan điểm và thảo luận những chủ đề về phát triển được quan tâm rộng rãi hiện nay như xây dựng chiến lược phát triển quốc gia trong bối cảnh thế giới đầy biến động hiện nay, tính cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy công bằng xã hội và Chiến lược phát triển của OECD.

Trong khuôn khổ lễ kỷ niệm 50 năm thành lập DEV nhiều hoạt động đa dạng đã được tổ chức như diễn đàn toàn cầu về phát triển, hội nghị thường niên của mạng lưới viện trợ phát triển của OECD, hội nghị bàn tròn về tuân thủ các quy định về thuế, mạng lưới các thị trường mới nổi, hội nghị chuyên đề về huy động khu vực tư nhân trong chiến lược phát triển quốc gia…

Trưởng đoàn Việt Nam đã có một số cuộc tiếp xúc bên lề Hội nghị với Trưởng đoàn một số nước và tổ chức quốc tế như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, UNDP./.

Lê Hà-Trung Dũng/Paris (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục