Trong khuôn khổ hợp tác quốc tế năm 2022, chiều 27/10, Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Maroc tại Việt Nam và Liên hiệp hợp tác kinh tế Việt Nam-châu Phi đồng tổ chức hội thảo quốc tế “Kinh nghiệm và vai trò của hệ thống ngân hàng Maroc trong hỗ trợ thanh toán với các quốc gia châu Phi” với hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Lê Phước Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông, Chủ tịch Liên hiệp hợp tác kinh tế Việt Nam-châu Phi cho biết thực hiện Đề án “Phát triển quan hệ giữa Việt Nam và các nước châu Phi-Trung Đông giai đoạn 2016-2025” của Chính phủ, trong thời gian qua Việt Nam luôn tăng cường quan hệ hợp tác với các nước châu Phi nói chung và với Maroc nói riêng. Quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và các nước châu Phi đã có những bước phát triển tích cực.
Kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam với các thị trường châu Phi từ mức 2,5 tỷ USD vào năm 2010 đã tăng lên 6,25 tỷ USD vào năm 2020. Mặc dù bị ảnh hương bởi đại dịch COVID-19, song kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và châu Phi năm 2021 đạt 7 tỷ USD; trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực châu Phi đạt 2,24 tỷ USD, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang châu Phi trong đó nổi bật có một số tập đoàn, công ty của Việt Nam như Viettel, T&T; Petro Vietnam, Hapro... Tuy nhiên, hợp tác giữa Việt Nam và các quốc gia châu Phi vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu ngày càng tăng của hai bên, nhất là về thương mại, đầu tư, nông nghiệp...
Một trong những rào cản lớn trong quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và các nước châu Phi là lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Các doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn và rủi ro trong khâu thanh toán khi giao thương, đầu tư kinh doanh với các đối tác châu Phi.
Chính vì vậy, Hội thảo này sẽ tạo diễn đàn cho các nhà quản lý, ngân hàng, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp trong và ngoài nước trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động thanh toán quốc tế của các ngân hàng Maroc và Việt Nam tại châu Phi; đồng thời tìm ra các biện pháp hạn chế những rủi ro trong khâu thanh toán hay tháo gỡ điểm nghẽn về tài chính-ngân hàng nhằm đẩy mạnh hợp tác đầu tư, thương mại, nông nghiệp... giữa Việt Nam với các quốc gia châu Phi trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Maroc nói riêng và với các quốc gia châu Phi nói chung.
[Đại sứ Maroc: Việt Nam đã thực hiện thành công mục tiêu kép]
Hội thảo có 2 phiên thực trạng hoạt động kinh doanh tài chính, ngân hàng của Maroc và Việt Nam tại khu vực châu Phi; giải pháp thúc đẩy hợp tác tài chính-ngân hàng giữa Maroc và Việt Nam.
Chia sẻ kinh nghiệm hoạt động tài chính và ngân hàng của Ngân hàng châu Phi tại châu Phi, ông Ghali Lahlou, Giám đốc khu vực BOA-Đông Phi của Ngân hàng châu Phi cho biết Vương quốc Maroc, một quốc gia Bắc Phi có vị trí địa chính trị và địa chiến lược quan trọng, là cửa ngõ đi vào châu Phi. Maroc hiện là nhà đầu tư hàng đầu tại Tây Phi và nhà đầu tư lớn thứ hai ở châu Phi.
Maroc luôn đặt châu Phi là một trong những ưu tiên phát triển quốc gia, bằng cách tăng cường sự hiện diện của Maroc trong các lĩnh vực chủ chốt quan trọng như ngân hàng, bảo hiểm, năng lượng tái tạo, xây dựng và công nghệ thông tin... tại châu Phi.
“Việc hợp tác tài chính-ngân hàng giữa Ngân hàng châu Phi (BMCE) và Ngân hàng Attijariwafa (AWB) nói riêng và các ngân hàng của Maroc với các đối tác của Việt Nam sẽ góp phần tháo gỡ điểm nghẽn trong khâu thanh toán mà các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt khi đầu tư, kinh doanh tại châu Phi,” ông Ghali Lahlou nhấn mạnh.
Đánh giá khó khăn, hạn chế về giao thương giữa Việt Nam và các quốc gia châu Phi - nhìn từ hoạt động thanh toán quốc tế giữa các ngân hàng, bà Trương Thị Diệu Quế, Giám đốc Trung tâm Tài trợ thương mại của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho hay trước hết là do mức tín nhiệm thị trường; danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu; thiếu hụt thông tin và các đối tác thương mại uy tín; khoảng cách địa lý và logistics trong giao thương.
Do đó, trong thời gian tới, Vietcombank đề xuất 3 giải pháp thúc đẩy hợp tác tài chính, ngân hàng giữa Việt Nam với Maroc và các quốc gia Tây Phi như: thông tin thị trường hàng hóa minh bạch; hệ thống ngân hàng đủ tín nhiệm; trung gian thương mại uy tín.
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng trao đổi, thảo luận một số vấn đề về rủi ro trong thanh toán của doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác châu Phi; hợp tác quốc tế của ngân hàng quân đội và cơ hội hợp tác với các đối tác Maroc; triển vọng thúc đẩy hợp tác tài chính, ngân hàng giữa Việt Nam với Maroc và các quốc gia Tây Phi…/.