Đại sứ Maroc: Việt Nam đã thực hiện thành công mục tiêu kép

Đại sứ Maroc tại Việt Nam Jamale Chouaibi đã có những chia sẻ về những biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam, về quan hệ song phương Việt Nam-Maroc.
Đại sứ Maroc: Việt Nam đã thực hiện thành công mục tiêu kép ảnh 1Lễ thành lập Hội Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Maroc, ngày 13/12/2021. (Nguồn: Đại sứ quán Maroc tại Việt Nam)

Kể từ khi xảy ra đại dịch COVID-19, Việt Nam là một trong số ít quốc gia đã thực hiện thành công mục tiêu kép là ngăn chặn đại dịch, đồng thời đảm bảo sự vận hành trơn tru của nền kinh tế.

Đó là khẳng định của Đại sứ Maroc tại Việt Nam Jamale Chouaibi khi trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN.

Theo Đại sứ, thành công này là kết quả của việc Việt Nam đã thực hiện sớm và có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, cũng như công tác vận động toàn dân tuân thủ các biện pháp đã đưa ra.

Tất cả các đối tác của Việt Nam đều hoan nghênh chiến lược mới về thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 của chính phủ Việt Nam, nhằm kích thích sự hồi phục nền kinh tế và từ đó giảm thiểu tác động của đại dịch đối với xã hội.

[Phấn đấu đạt được 1 triệu sáng kiến chiến thắng đại dịch COVID-19]

Đại sứ cũng đánh giá cao chiến dịch tiêm chủng vaccine chống COVID-19 tại Việt Nam, nhờ chiến lược ngoại giao vaccine mà chính phủ Việt Nam đã thực hiện.

Trong thời gian kỷ lục, Việt Nam đã thành công khi nhận được số lượng vaccine đủ cung cấp cho tất cả các tỉnh, thành phố.

Theo Đại sứ Jamale Chouaibi, Maroc và Việt Nam đã kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 3/2021.

Đây là dịp để tôn vinh tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, đánh giá tiến trình hợp tác song phương và tìm ra những giải pháp tốt nhất để tăng cường và mở rộng mối quan hệ đối tác này.

Ở cấp độ chính trị, Maroc và Việt Nam chia sẻ một số nguyên tắc cơ bản trong ứng xử quan hệ đối ngoại, đặc biệt là tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia, thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển, cam kết nguyên tắc giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại, hòa giải và thương lượng.

Về kinh tế, sự phát triển tích cực của quan hệ hợp tác song phương thể hiện qua trao đổi thương mại giữa hai nước không ngừng tăng lên.

Hiện nay, Việt Nam là đối tác thương mại quan trọng thứ hai của Maroc trong ASEAN.

Việc Maroc bổ nhiệm lãnh sự danh dự ngày 7/12/2021 tại Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế-tài chính của Việt Nam, đã tạo động lực mới, góp phần gia tăng cơ hội giao thương và kinh doanh giữa hai nước.

Việc củng cố các mối quan hệ hợp tác này là kết quả của ý chí chung của hai nước nhằm thúc đẩy và tăng cường hợp tác Nam-Nam.

Mong muốn này đã thành hiện thực khi có sự gia tăng đáng kể của việc trao đổi các chuyến thăm của các đoàn cấp cao chính phủ và quốc hội, đặc biệt là chuyến thăm Maroc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân vào tháng 3/2019 và chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Hạ viện Habib El Malki vào tháng 12/2017.

Cuộc hội đàm trực tuyến ngày 7/7/2021 giữa Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Hạ viện Habib El Malki trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, đã thể hiện mong muốn tăng cường hơn nữa hợp tác song phương.

Hai bên đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng cao như năng lượng tái tạo, hàng không, công nghiệp ôtô, khai khoáng và nông nghiệp.

Maroc sẽ là cầu nối để Việt Nam tăng cường hợp tác với các nước châu Phi và Việt Nam sẽ là cửa ngõ để Maroc thúc đẩy quan hệ với khối ASEAN.

Đại sứ Jamale Chouaibi nhấn mạnh việc thành lập Hội hữu nghị Việt Nam-Maroc vào tháng 12/2021 đánh dấu bước khởi động một giai đoạn mới nhằm thúc đẩy mối quan hệ, sự hiểu biết và hợp tác giữa hai nước.

Ông cho biết hợp tác song phương giữa Maroc và Việt Nam tập trung vào ba lĩnh vực: Chính trị, kinh tế và văn hóa. Các cuộc tham vấn chính trị diễn ra thường xuyên. Cuộc tham vấn tiếp theo được lên kế hoạch vào năm nay tại Rabat.

Hai bên đều có ý chí chính trị mạnh mẽ để củng cố và mở rộng quan hệ đối tác song phương. Điều này được chứng minh bằng việc ngày càng có nhiều thỏa thuận và các biên bản ghi nhớ được ký kết giữa hai nước.

Hiệp định thương mại được ký kết giữa Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Công nghiệp, Đầu tư, Thương mại và Kinh tế số Maroc nhằm thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực, như năng lượng tái tạo, dệt may, điện tử, cơ khí, công nghiệp hóa chất và sản xuất phân bón.

Đại sứ Maroc: Việt Nam đã thực hiện thành công mục tiêu kép ảnh 2Đại sứ Jamale Chouaibi. (Nguồn: moroccoembassy.vn)

Theo đại sứ, việc kết nghĩa giữa thành phố Casablanca, trung tâm công nghiệp và tài chính của Maroc, với thành phố Hồ Chí Minh trong tương lai sẽ hỗ trợ cho sự năng động này và chắc chắn sẽ tạo ra động lực mới trong sự phát triển hợp tác song phương.

Các kế hoạch đầy tham vọng mà hai nước đưa ra về năng lượng tái tạo, chuyển đổi số, du lịch, nông nghiệp, cơ sở hạ tầng và hậu cần, phát triển công nghiệp và công nghệ, với mục tiêu trở thành các nền kinh tế mới nổi hàng đầu trong khu vực, sẽ là một cơ hội để Maroc và Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm thông qua các ủy ban liên ngành.

Đại sứ Jamale Chouaibi cho biết thêm hai nước có nhiều điểm tương đồng để có thể thúc đẩy sự phối hợp trong thời gian tới. Việt Nam có thể tin tưởng rằng Maroc sẽ tạo điều kiện hỗ trợ các công ty Việt Nam trong việc tiếp cận an toàn vào các thị trường địa phương, dựa trên kinh nghiệm mà Maroc tích lũy được trong hoạt động kinh doanh ở châu Phi. Maroc là nước đầu tư lớn nhất ở Tây Phi và là nhà đầu tư lớn thứ 2 ở châu Phi. Các dự án của nước này tập trung vào các lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng, năng lượng và viễn thông.

Do đó, Maroc và Việt Nam có thể cùng thực hiện các dự án đầu tư ba bên hoặc bốn bên tại các nước châu Phi, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, với sự tham gia của các nhà tài trợ quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục