Việt Nam đẩy mạnh vai trò y tế cơ sở trong phòng, chống bệnh lao

Từ đầu năm 2023, Chương trình chống lao Quốc gia đã triển khai thí điểm Mô hình phát hiện chủ động bệnh lao trên diện rộng tại cộng đồng với sự tham gia tích cực của hệ thống y tế cơ sở.
Bác sỹ khám cho bệnh nhân mắc bệnh lao. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Bác sỹ khám cho bệnh nhân mắc bệnh lao. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chương trình Chống Lao Quốc gia xác định vai trò quan trọng của hệ thống y tế cơ sở trong tình hình hiện nay và vận động đẩy mạnh các hoạt động của y tế cơ sở trong công tác phòng chống lao.

Tại Hội nghị Sơ kết công tác phòng, chống lao 6 tháng đầu năm 2023 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, với sự tham gia của đại diện ngành y tế 63 tỉnh, thành phố, diễn ra ngày 18/8, Tiến sỹ Đinh Văn Lượng - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương nhấn mạnh y tế cơ sở là lực lượng gần dân nhất, trực tiếp nhất, một mạng lưới y tế cơ sở đủ năng lực, có trách nhiệm, tâm huyết luôn là lá chắn bảo vệ cộng đồng trước bệnh lao.

[Việt Nam với gánh nặng bệnh lao: Lo ngại người mắc ngày càng trẻ hóa]

Ông Lượng cho hay từ đầu năm 2023, Chương trình Chống lao Quốc gia đã triển khai thí điểm Mô hình phát hiện chủ động bệnh lao trên diện rộng tại cộng đồng với sự tham gia tích cực của hệ thống y tế cơ sở, sự vào cuộc và chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Ủy ban Nhân dân và lãnh đạo Sở Y tế tại Ninh Bình.

Mô hình này đã có những kết quả khả quan ban đầu và Chương trình Chống lao Quốc gia mong muốn sẽ tiếp tục được nhân rộng ra các tỉnh khác trên cơ sở rút ra các bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai.

Việt Nam đẩy mạnh vai trò y tế cơ sở trong phòng, chống bệnh lao ảnh 1Tiến sỹ Đinh Văn Lượng - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Việt Nam hiện vẫn đứng thứ thứ 11 trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao và lao kháng đa thuốc cao nhất trên thế giới. Trong 2 năm diễn ra dịch COVID-19, công tác phòng chống lao tại Việt Nam chịu những ảnh hưởng rất nghiêm trọng, đưa Việt Nam trở thành là một trong những quốc gia có mức độ giảm phát hiện bệnh lao cao nhất toàn cầu do ảnh hưởng của đại dịch.

Năm 2022 đã chứng minh cho sự phục hồi mạnh mẽ của Chương trình chống lao Quốc gia, với số phát hiện bệnh lao tăng gần 31% so với năm 2021. Mặc dù vậy, cũng chỉ mới phát hiện được khoảng 60% số bệnh nhân lao ước tính trong cộng đồng.

Tiếp nối và đẩy mạnh hơn nữa những thành công của năm 2022, trong 6 tháng đầu năm 2023, Chương trình Chống lao Quốc gia tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ các can thiệp phòng chống lao nhằm tăng tối đa số bệnh nhân lao được phát hiện, chẩn đoán và thu nhận vào điều trị.

Số liệu phát hiện 6 tháng đầu năm 2023 của Chương trình Chống lao Quốc gia đã có sự cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm 2020, 2021, 2022 và thậm chí còn cao hơn cả cùng kỳ năm 2019, thời điểm COVID-19 chưa xảy ra tại Việt Nam.

Về hoạt động lao kháng thuốc, trong 6 tháng đầu năm, tổng số bệnh nhân được phát hiện là 1.632, và thu nhận 1.632 vào điều trị. Tuy nhiên kết quả này mới chỉ đạt mức 36% so với chỉ tiêu kế hoạch (4.548).

Tỷ lệ điều trị thành công của bệnh nhân 2 quý đầu năm 2021 là 73%, còn thấp hơn chỉ tiêu đề ra rất nhiều (78%) và ghi nhận tỷ lệ bỏ trị còn cao (12%) trong khi phác đồ chuẩn ngắn hạn đã được mở rộng trên cả nước.

Chương trình Chống lao Quốc gia đã triển khai 40 chuyến giám sát thường quy nguồn quỹ toàn cầu từ Trung ương-tỉnh và 923 chuyến giám sát tỉnh-huyện, với nhiều phát hiện đáng lưu ý. Trong hoạt động phối hợp y tế công tư, tổng số bệnh nhân lao phát hiện do y tế công-tư chuyển đến trong 6 tháng đầu năm là 17.317 (chiếm 33,7%).

Việt Nam đẩy mạnh vai trò y tế cơ sở trong phòng, chống bệnh lao ảnh 2Các đại biểu tham dự hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bệnh viện Phổi Trung ương đã đặt ra mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035. Bởi nếu các ngành, các cấp và các đơn vị liên quan không làm, hậu quả sẽ là rất rõ, khi có hơn 12.000 người chết vì bệnh lao mỗi năm, hơn 100.000 gia đình lo lắng và ảnh hưởng đến thu nhập và sản xuất của cải vật chất cho xã hội. 63% bệnh nhân lao nhạy cảm, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình đối mặt với những chi phí thảm họa - nghĩa là chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao vượt quá 20% thu nhập hàng năm của cả hộ gia đình; 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động.

Theo Tiến sỹ Đinh Văn Lượng, thực tế cho thấy công tác chống lao vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn kể từ sau đại dịch COVID-19. Hiện công tác chống lao tại 12 tỉnh chưa thành lập bệnh viện lao và bệnh phổi, việc sát nhập trung tâm kiểm soát bệnh tật còn khó khăn do thiếu nhân lực...

Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương đề nghị hệ thống phòng chống lao cần lồng ghép với hệ thống y tế chung. Đặc biệt, hệ thống y tế cơ sở cũng cần xác định rõ ràng có vai trò quan trọng trong thực hiện công tác truyền thông, phát hiện người nghi mắc lao, nhóm nguy cơ mắc lao cao để tư vấn tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh kịp thời.

Bên cạnh đó, hệ thống y tế cơ sở cung cấp dịch vụ chẩn đoán và điều trị hiệu quả, dễ tiếp cận tại tất cả các tuyến của hệ thống y tế nhằm đảm bảo người bệnh được chẩn đoán bệnh sớm và đưa vào điều trị, cắt đứt nhanh nguồn lây bệnh trong cộng đồng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục