Việt Nam đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch sốt rét do kháng thuốc

Ở Việt Nam, tỷ lệ mắc sốt rét vẫn đang ở mức cao, ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc đã xuất hiện ở 5 tỉnh và có nguy cơ lan rộng sang các tỉnh khác.
Việt Nam đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch sốt rét do kháng thuốc ảnh 1Xét nghiệm sinh hóa cho người bệnh tại Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Công tác phòng chống sốt rét ở Việt Nam thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ với tỷ lệ mắc và tử vong do sốt rét liên tục giảm hàng năm. Tuy nhiên, bệnh sốt rét vẫn đang là vấn đề đối với sức khỏe cộng đồng tại nhiều tỉnh, nhất là vấn đề kháng thuốc.

Sốt rét kháng thuốc đã xuất hiện tại 5 tỉnh

Theo báo cáo của Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương, Bộ Y tế, số bệnh nhân mắc sốt rét ở Việt Nam vẫn ở mức cao, hàng năm ghi nhận trung bình khoảng 30.000 trường hợp mắc sốt rét, trên 100 trường hợp sốt rét ác tính và gần 10 trường hợp tử vong do sốt rét.

Bệnh sốt rét lưu hành ở vùng rừng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, các vùng còn khó khăn về kinh tế, điều kiện y tế. Một số tỉnh vẫn duy trì ký sinh trùng sốt rét ở mức cao trong nhiều năm hoặc có tình hình sốt rét phức tạp như Bình Phước, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Quảng Trị, Quảng Nam, Phú Yên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Bệnh sốt rét ở các vùng này cũng là gánh nặng cho mỗi địa phương, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội nói chung, cần được Nhà nước quan tâm đầu tư.

Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương (Bộ Y tế) cũng nêu rõ: Ký sinh trùng sốt rét P. falciparum kháng thuốc Artemisinin đã xuất hiện ở 5 tỉnh Quảng Nam, Khánh Hòa, Gia Lai, Đắk Nông, Bình Phước và đang có nguy cơ lan rộng sang các tỉnh khác trên phạm vi toàn quốc.

Nguy cơ bệnh sốt rét dễ dàng quay trở lại và gây dịch ở nhiều nơi.

Nguyên nhân là do Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới, điều kiện khí hậu thuận lợi cho các loài côn trùng gây bệnh tồn tại và phát triển. Muỗi truyền bệnh sốt rét, sốt xuất huyết có mặt ở 63/63 tỉnh, thành phố.

Công tác phòng chống côn trùng bao gồm phòng chống muỗi truyền bệnh sốt rét, bệnh sốt xuất huyết và các côn trùng truyền bệnh khác còn gặp nhiều khó khăn.

Đặc biệt, trong bối cảnh những biến đổi bất thường của khí hậu toàn cầu, côn trùng gây bệnh xuất hiện nhiều loài, đa dạng, thay đổi tập tính trú đậu ngoài nhà, trong nhà; muỗi sốt rét và muỗi sốt xuất huyết kháng hóa chất diệt tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh…

Mặt khác, thời gian qua, nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho công tác phòng chống sốt rét giảm mạnh trong những năm gần đây.

Nguồn kinh phí đầu tư cho phòng chống sốt rét chủ yếu từ nguồn viện trợ không hoàn lại của các tổ chức quốc tế, nguồn kinh phí thường xuyên của các Viện và một phần đối ứng của địa phương. Thuốc điều trị chủ yếu được hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế.

Trong khi đó, nguồn ngân sách các địa phương ở các tuyến tỉnh, huyện, xã cấp bổ sung cho công tác phòng chống sốt rét trong những năm qua không đáng kể.

Giai đoạn 2011-2015, trung bình mỗi năm 63 tỉnh thành phố cấp kinh phí từ nguồn của địa phương khoảng 2 tỷ đồng. Đặc biệt, năm 2016 chỉ có 2 tỉnh cấp kinh phí bổ sung cho hoạt động phòng chống sốt rét là Bình Dương, Lâm Đồng.

Ngoài ra, hoạt động phòng chống sốt rét không thu hút được cán bộ có trình độ chuyên môn cao do thu nhập thấp; phụ cấp cho cán bộ thực hiện hoạt động giám sát, phun tẩm hóa chất thấp. Đồng thời, việc đầu tư kinh phí, trang thiết bị cho hoạt động phòng chống sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng để thực hiện giám sát, chẩn đoán và điều trị còn nhiều hạn chế; chưa có sự quan tâm đầu tư của các cấp chính quyền cho công tác phòng chống sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng.

Phấn đấu loại trừ bệnh sốt rét

Viện trưởng Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương Trần Thanh Dương nhận định tình hình sốt rét những năm tới có xu hướng sẽ tiếp tục giảm số mắc, số tử vong nhưng chưa bền vững và có nguy cơ bùng phát trở lại.

Nguyên nhân là do trên thế giới, bệnh sốt rét hiện đang lưu hành ở 97 quốc gia và vùng lãnh thổ với trên 200 triệu trường hợp mắc bệnh và khoảng 627.000 trường hợp tử vong do sốt rét. Bệnh lây truyền dễ dàng qua muỗi đốt; chưa có vắcxin phòng bệnh sốt rét.

Trong khi đó, ở Việt Nam, tỷ lệ mắc sốt rét vẫn ở mức cao, ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc đã xuất hiện ở 5 tỉnh và có nguy cơ lan rộng sang các tỉnh khác, đồng thời, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu dẫn đến muỗi thay đổi tập tính, kháng hóa chất diệt.

Dịch sốt rét có nguy cơ quay trở lại ở một số vùng khi miễn dịch sốt rét không bền vững, thiếu sự quan tâm của các cấp chính quyền và người dân.

Ngoài ra còn do di biến động dân cư làm tăng nguy cơ lan truyền sốt rét như: Người dân đi xây dựng kinh tế, dân đi làm thuê theo thời vụ; tập quán đi rừng, ngủ rẫy; người dân trở về từ các nước có sốt rét lưu hành (Angola, Cameroon,...).

Viện trưởng Trần Thanh Dương nhấn mạnh thời gian tới, Viện sẽ tập trung cho công tác phòng chống và loại trừ sốt rét, phòng chống các bệnh ký sinh trùng và bệnh do côn trùng truyền để không còn là gánh nặng đối với sức khỏe cộng đồng.

Viện cũng kết hợp nghiên cứu khoa học và đào tạo chuyên sâu, phòng bệnh với khám chữa bệnh trong lĩnh vực phòng chống bệnh sốt rét, các bệnh ký sinh trùng và bệnh do côn trùng truyền. Đồng thời, Viện tích cực nâng cao năng lực chuyên môn cho các Trung tâm tuyến tỉnh, tuyến huyện để thực hiện công tác giám sát, phát hiện, điều trị kịp thời bệnh sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng.

Mặt khác, Viện sẽ huy động xã hội hóa, góp vốn, liên doanh, liên kết theo quy định của pháp luật để mở rộng cơ sở, phát triển các dịch vụ, kỹ thuật; triển khai các kỹ thuật ngoài danh mục và nhiệm vụ chuyên môn được giao; tổ chức các hoạt động dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của xã hội, phù hợp với lĩnh vực chuyên môn, khả năng của đơn vị và đúng với quy định của pháp luật…/. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục