Tại Hội nghị lần thứ 21, các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 21) cùng với 195 quốc gia trên thế giới, Việt Nam đã chủ động tiến hành những đóng góp tích cực, quan trọng vào sự thành công của Hội nghị này, được nhiều quốc gia đánh giá cao.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Trưởng ban công tác đàm phán của Việt Nam về biến đổi khí hậu tại Hội nghị COP 21 khẳng định: Việt Nam đã chuẩn bị kỹ lưỡng để tham dự COP 21.
Bên cạnh đó, Bộ đã phối hợp với các nhà tài trợ (UNDP), Đan Mạch, GIZ, KOICA) chuẩn bị và tổ chức thành công chuỗi sự kiện bên lề: Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu (Việt Nam Pavilion).
Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Phó Trưởng ban công tác đàm phán của Việt Nam về biến đổi khí hậu cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Trưởng ban công tác đàm phán của Việt Nam về biến đổi khí hậu, Đoàn công tác đã tham gia đầy đủ, tích cực các cuộc họp không chính thức, họp nhóm, tham vấn, các phiên họp tổng thể, phiên họp cấp cao để góp ý cho từng dự thảo của Thỏa thuận.
Tại hội nghị này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự phiên họp cấp cao và có bài phát biểu tại hội nghị nhấn mạnh đóng góp của Việt Nam trong việc xây dựng báo cáo đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC) và đóng góp vào Quỹ Khí hậu xanh.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng với Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte và bà Laura Tusk, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) đã đồng chủ trì phiên Đối thoại cấp cao "Việt Nam chung tay cùng các đối tác quốc tế ứng phó với các thách thức của biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long,” với sự tham gia của nhiều Bộ trưởng, đại diện của trên 30 nước và tổ chức quốc tế.
Nhân dịp tham dự Hội nghị COP21, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có các cuộc tiếp xúc song phương với các nhà lãnh đạo của 24 nước và 4 tổ chức quốc tế là Ngân hàng Thế giới, UNESCO, Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) và Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn quốc (KOIKA).
Tại các cuộc gặp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam trong việc thúc đẩy, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác thực chất và ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả với các nước; đánh giá cao và bày tỏ cảm ơn các nước về sự ủng hộ, giúp đỡ hiệu quả đối với sự nghiệp phát triển bền vững của Việt Nam thời gian qua, đồng thời đề nghị các nước tiếp tục dành cho Việt Nam sự hỗ trợ lâu dài, thiết thực trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước thời gian tới.
Tại COP 21, đại diện Đoàn đàm phán của Việt Nam đã tham dự các sự kiện bên lề như Việt Nam-Hàn Quốc hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu, sự kiện do Peru tổ chức, sự kiện của Ban thư ký ASEAN và Trung tâm Môi trường toàn cầu, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng các hoạt động quốc gia tăng cường năng lực cho các cơ quan đầu mối do UNEP tổ chức; các sự kiện về tăng trưởng Carbon thấp và xây dựng cơ chế tín chỉ chung JCM; các sự kiện liên quan tới tăng trưởng xanh; phiên cấp cao về nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu; sự kiện bên lề do UNDP tổ chức về Kế hoạch thích ứng quốc gia và nông nghiệp; các sự kiện bên lề liên quan tới REDD+...
Từ ngày 2-8/12, Việt Nam đã tổ chức thành công chuỗi sự kiện bên lề về Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu (gian hàng Việt Nam-Việt Nam Pavilion).
Chương trình bao gồm 11 chủ đề có tính thời sự và được cộng đồng thế giới quan tâm, bao gồm: Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định; Hợp tác quốc tế về biến đổi khí hậu; Các hành động giảm nhẹ khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMA); Báo cáo cập nhật 2 năm một lần (BURs) và Thông báo quốc gia (NCs); Giảm phát thải từ phá rừng và suy thoái rừng (REDD+); Thích ứng với biến đổi khí hậu (Adaptation); Kinh nghiệm của các quốc gia trong việc triển khai Chiến lược phát thải thấp (LEDS); Hệ thống quốc gia về đo đạc, theo dõi và kiểm chứng (MRV) và mức tham chiếu (RFLs) để thực hiện REDD+; phiên ASEAN; Các hành động giảm nhẹ khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMA) trong Công nghiệp và Giao thông vận tải; Phiên hợp tác Việt Nam- Hàn Quốc.
Tại COP 21, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra cam kết mạnh mẽ của Việt Nam góp phần cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu; đồng thời tuyên bố: "Việt Nam sẽ đóng góp 1 triệu USD vào Quỹ Khí hậu xanh giai đoạn 2016-2020.
Về đóng góp giảm phát thải khí nhà kính, Việt Nam sẽ thực hiện giảm phát thải so với kịch bản cơ sở là 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và có thể giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế”.
Tiếp đó, Đoàn Việt Nam đã tổ chức thành công phiên đối thoại cấp cao "Việt Nam chung tay cùng các đối tác quốc tế ứng phó với các thách thức của biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long”. Mục đích của đối thoại nhằm thảo luận và đề xuất các cơ chế, phương thức hợp tác tích cực, lâu dài để ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế-xã hội cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Nội dung thỏa thuận Paris cũng được Việt Nam tích cực tham gia, đóng góp. Ngoài việc chuẩn bị kỹ các nội dung trước khi diễn ra Hội nghị, với sự chỉ đạo sâu sát của Trưởng ban công tác đàm phán về biến đổi khí hậu và sự tham gia tích cực của các thành viên, các diễn biến trong quá trình đàm phán liên tục cập nhật, xử lý kịp thời.
Việt Nam đã có nhiều đóng góp trực tiếp tại các phiên họp các nhóm cũng như tại phiên họp toàn thể của Hội nghị, góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của Việt Nam như xây dựng Thỏa thuận.
Bên lề COP 21, Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động, thu hút được sự quan tâm của các đại biểu quốc tế, bao gồm các phiên đối thoại cấp cao, các hội thảo bên lề, các cuộc họp song phương, trưng bày, triển lãm hình ảnh ấn phẩm về thành tựu ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam, về đất nước, con người Việt Nam.
Theo ước tính, khoảng hơn 500 đại biểu tham gia các hội thảo, trên 2.000 lượt đại biểu tham quan, gặp gỡ tại khu triển lãm của Việt Nam. S ự tham gia tích cực cũng như cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu tại Hội nghị COP 21 đã được nhiều quốc gia chia sẻ và đánh giá cao, qua đó đóng góp thiết thực cho thành công của Hội nghị lịch sử này./.