Việt Nam dự Hội thảo về quản lý rủi ro bom mìn sót lại sau chiến tranh

Ngày 5/9, Trung tâm quốc tế Geneva về rà phá bom mìn nhân đạo (GICHD) đã tổ chức hội thảo về quản lý rủi ro bom mìn, vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh.
Việt Nam dự Hội thảo về quản lý rủi ro bom mìn sót lại sau chiến tranh ảnh 1Đại sứ Dương Chí Dũng, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Geneva phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Hoàng Hoa/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, ngày 5/9, Trung tâm quốc tế Geneva về rà phá bom mìn nhân đạo (GICHD) đã tổ chức hội thảo về quản lý rủi ro bom mìn, vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh và chiếu phim tài liệu mang tựa đề “Chung tay khắc phục hậu quả bom mìn” tại trụ sở Liên hợp quốc​ ở Geneva (Thụy Sỹ).

Đại sứ Dương Chí Dũng, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc cùng đại diện Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, các chuyên gia của GICHD và doanh nghiệp về tư vấn các giải pháp xử lý bom mìn và vật liệu nổ Fenix Insight của Vương quốc Anh đã tham gia hội thảo với tư cách diễn giả.

Sự kiện cũng quy tụ các đại diện từ Mỹ, Anh, Thụy Điển, Australia, Sri Lanka...

Phát biểu mở đầu Hội thảo và giới thiệu về bộ phim tài liệu, Đại sứ Dương Chí Dũng nhấn mạnh Việt Nam là một trong những quốc gia bị ô nhiễm bom mìn nhiều nhất và gánh chịu hậu quả nặng nề nhất trên thế giới.

Ước tính, số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh khoảng 800.000 tấn, tổng diện tích đất đai bị ô nhiễm lên tới 6,13 triệu ha, chiếm gần 19% tổng diện tích cả nước.

Số bom mìn, vật liệu chưa nổ hiện còn nằm rải rác tại 63/63 tỉnh, thành phố, trong đó, tập trung nhiều nhất ở các tỉnh miền Trung.

Từ năm 1975 đến nay, bom mìn tồn sót phát nổ đã làm hơn 40.000 người chết, 60.000 người bị thương, trong đó phần lớn là lao động chính trong gia đình và trẻ em.

Riêng số bom, đạn quân đội Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam khoảng hơn 15,3 triệu tấn, tỷ lệ bom đạn chưa nổ chiếm khoảng 5% số lượng bom đạn đã sử dụng.

Đại sứ Dương Chí Dũng khẳng định Việt Nam đã có những nỗ lực quan trọng bằng nguồn lực quốc gia nhằm khắc phục hậu quả bom mìn.

Chính phủ đã đầu tư mỗi năm hàng trăm tỷ đồng cho các hoạt động rà phá bom mìn, vật liệu nổ, tái tạo quỹ đất, đảm bảo môi trường, điều kiện an toàn cho sản xuất, điều trị và hỗ trợ các nạn nhân bom mìn tái hòa nhập vào cộng đồng, giáo dục nâng cao ý thức phòng tránh nhằm giảm thiểu tai nạn, thương tích do bom mìn cho người dân.

Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010​-2025.

Chương trình đã tiến hành điều tra, khảo sát, lập bản đồ ô nhiễm bom mìn, vật liệu nổ trên phạm vi toàn quốc; thiết lập Trung tâm quản lý dữ liệu về các nạn nhân bom mìn, tình trạng ô nhiễm và hướng khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.

Trong giai đoạn 2016-2025, Chính phủ đặt ra mục tiêu rà phá, làm sạch khoảng 800.000 ha đất bị ô nhiễm bom mìn; huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế thực hiện chương trình; thực hiện tái định cư cho người dân vùng bị ô nhiễm bom mìn nặng; đưa các dự án khắc phục hậu quả bom mìn vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương...

[Nhật Bản phát hiện bom sót lại từ thời Chiến tranh Thế giới thứ hai]

Từ nhiều năm nay, Việt Nam đã hợp tác với GICHD nhằm giảm thiểu các ảnh hưởng của bom mìn và vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh.

Từ năm 2015, các chuyên gia GICHD đã nghiên cứu việc áp dụng lý thuyết Quản lý rủi ro trong khắc phục hậu quả bom mìn tại Việt Nam.

Dựa trên những kết quả đáng khích lệ trong nghiên cứu, thử nghiệm về quản lý rủi ro dài hạn trong việc khắc phục hậu quả bom mìn tại một số quốc gia, một dự án thí điểm cấp tỉnh đã được khởi động tại Việt Nam.

Bên cạnh những hoạt động giới thiệu, tập huấn, hội thảo khoa học về Quản lý rủi ro trong khắc phục hậu quả bom mìn, GICHD đã hợp tác với Kênh Truyền hình quốc phòng để sản xuất một bộ phim tài liệu có tựa đề “Chung tay khắc phục hậu quả bom mìn.”

Được thực hiện tại châu Âu và Việt Nam, “Chung tay khắc phục hậu quả bom mìn” đề cập đến những vấn đề cơ bản về Quản lý rủi ro trong khắc phục hậu quả bom mìn, tình trạng ô nhiễm bom mìn và khắc phục hậu quả bom mìn tại Việt Nam.

Bà Tammy Hall, Trưởng Nhóm Chiến lược và Tiêu chuẩn thuộc GICHD, cho biết Dự án quản lý rủi ro bom mìn, vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh (MORE), được giới thiệu tại Việt Nam từ năm 2014, nghiên cứu sự phát triển của chính sách và thực tiễn tại các quốc gia châu Âu nhằm đối phó với bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau 2 cuộc Chiến tranh thế giới đầu thế kỷ 20.

Mục tiêu của dự án là hỗ trợ, khuyến khích phát triển các cơ chế quản lý của từng quốc gia (đặc biệt là các nước còn nhiều bom mìn sót lại sau chiến tranh như Việt Nam, Lào và Campuchia), trong việc xử lý, giải quyết bom mìn và các vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh, giới thiệu các kế hoạch cũng như khung thời gian để giải quyết các vấn đề ô nhiễm phức tạp.

Dự án xác định những giải pháp bền vững trong quản lý rủi ro nhằm nâng cao việc sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính.

Tiếp theo phần chiếu phim tài liệu “Chung tay khắc phục hậu quả bom mìn”, kết quả hợp tác của GICHD và Kênh Truyền hình quốc phòng, các đại biểu tham dự Hội thảo đã phát biểu ý kiến về vấn đề quản lý rủi ro bom mìn và vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh.

Đại sứ Stefano Toscano, Giám đốc GICHD cho rằng kinh nghiệm thu được từ dự án tại Việt Nam có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình xử lý bom mìn còn sót lại tại các nước trong khu vực như Lào và Campuchia.

Đại diện Vương quốc Anh, quốc gia vẫn ghi nhận sự tồn tại các vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh tại nhiều nơi trong thủ đô London, chia sẻ khó khăn đối với công tác quản lý bom mìn tại các nước Đông Nam Á.

Đại diện Mỹ đánh giá cao việc thực hiện dự án MORE tại khu vực Đông Nam Á và khẳng định tiếp tục tài trợ thực hiện dự án.

Hội thảo về quản lý rủi ro bom mìn, vật liệu nổ sót lại và chiếu phim tài liệu mang tựa đề “Chung tay khắc phục hậu quả bom mìn” tại trụ sở Liên hợp quốc tại Geneva là sự kiện bên lề Hội nghị lần thứ 7 các quốc gia tham gia Hiệp ước cấm sử dụng bom chùm, diễn ra từ ngày 4-6/9 tại Geneva.

Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam tham dự Hội nghị với tư cách nước quan sát viên.

Thành lập năm 1998, GICHD hỗ trợ các nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc giảm thiểu ảnh hưởng của mìn và vật liệu chưa nổ.

Trung tâm cung cấp các hỗ trợ hoạt động và chú trọng đến các nghiên cứu và ủng hộ cho sự thực thi Công ước quốc tế về chống mìn sát thương cá nhân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục