Chủ tịch nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cùng các nhà lãnh đạo nhóm 20 nền kinh tế lớn (G-20) đã đồng thuận loại bỏ “các trợ cấp nhiên liệu hóa thạch không hiệu quả” vào năm 2009.
Chủ đề này cũng được thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về môi trường (Rio+20) vào tháng 6 năm 2012. Việc cải cách này phù hợp với các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình hiện thực hóa.
Hệ quả từ trợ giá
Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, trợ cấp nhiên liệu hóa thạch của Việt Nam so với các nước trên thế giới và trong khu vực chưa phải là quá cao nhưng mức tăng trợ cấp năm 2011 đã gấp đôi so với năm 2007.
Nhà nước vẫn duy trì nhiều dạng trợ cấp đối với nhiên liệu hóa thạch, cả dưới dạng trực tiếp và gián tiếp. Hầu hết trợ cấp dưới dạng gián tiếp đa dạng, khó ước lượng cụ thể theo từng loại. Nhà nước đã áp dụng một số công cụ kinh tế gắn chi phí môi trường và xã hội vào giá năng lượng nhưng chưa đầy đủ.
Trợ giá về điện đang là cao nhất, sau đó đến xăng dầu. Những chính sách này là không bền vững, mang lại nhiều lợi ích cho người khá giả hơn là cho người nghèo, cũng như đi ngược lại sự tăng trưởng và hiện đại hóa trong tương lai, trong khi đó lại góp phần vào làm biến đổi khí hậu.
Doanh nghiệp nhà nước ngành năng lượng vẫn giữ vị trí độc quyền. Sự hoạt động kém hiệu quả, thiếu tính cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước dẫn đến áp lực đối với ngân sách, giảm tính áp lực thúc đẩy cải cách tài khóa đối với năng lượng hóa thạch. Tốc độ cải cách doanh nghiệp nhà nước ngành năng lượng còn chậm chạp.
Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương Vũ Xuân Nguyệt Hồng cho biết, cường độ sử dụng năng lượng của Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực.
Cường độ phát thải khí CO2 xu hướng liên tục tăng nhiều, trong khi đó các nước khác xu hướng tăng lên ít hoặc ngang bằng. Chương trình tăng trưởng xanh đề ra một số giải pháp về cải cách tài khóa nhiên liệu hóa thạch vẫn chưa được Chính phủ phê duyệt.
Cần phá vỡ thế độc quyền
Theo đề xuất của Cơ quan phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP), cải cách trợ cấp nhiên liệu hóa thạch không chỉ là cải cách về giá. Liên quan mật thiết và là một phần của cải cách toàn diện lĩnh vực năng lượng phải gồm thực hiện thị trường năng lượng cạnh tranh, cải cách các doanh nghiệp ngành năng lượng nhà nước và thiết lập đúng giá.
Trong một hội thảo gần đây về cải cách chính sách tài khóa về nhiên liệu hóa thạch và tăng trưởng xanh do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức, nhiều chuyên gia đồng thuận với quan điểm của UNDP và cũng cho rằng khâu then chốt nhất vẫn là minh bạch. Minh bạch từ báo cáo tài chính của các doanh nghiệp, chi phí sản xuất, cơ chế định giá, giá, quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Theo Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Nguyễn Quang Thuấn, việc dần xóa bỏ trợ giá đối với năng lượng là một nội dung quan trọng của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Điều này buộc các doanh nghiệp phải loại bỏ công nghệ lạc hậu chuyển sang sử dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư vào lĩnh vực này, cũng như thúc đẩy quá trình chuyển sang tăng trưởng xanh theo hướng đảm bảo tính bền vững về mặt môi trường.
Về thiết lập đúng giá, giá điện phải tăng xét về giá trị thực, tăng giá cần thực hiện dần, có trình tự cẩn trọng, có thể dự đoán được để có thời gian cho người tiêu dùng và doanh nghiệp thích nghi, tránh áp lực lạm phát và các cú sốc đối với nền kinh tế. Nhà nước cần điều chỉnh cơ chế định giá cũng như để xuất chương trình với mục tiêu tạo sân chơi bình đẳng cho sản xuất năng lượng tái tạo.
Đối với các sản phẩm xăng dầu, điều chỉnh cơ chế định giá để từng bước phản ánh chi phí nhập khẩu, sản xuất, phân phối và có lợi nhuận. Tiến tới, cơ chế giá tự động phải được tăng cường dựa trên kinh nghiệm quốc tế. Trong dài hạn, xem xét tự do hóa giá đầy đủ và áp thuế carbon, khuyến khích sử dụng các năng lượng tái tạo.
Nhà nước cần tăng cường điều tiết và quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu, trong đó phải có sự giám sát tích cực của các hội, hiệp hội kinh doanh, tiêu dùng… Để phá vỡ thế độc quyền của doanh nghiệp nhà nước, tiến sỹ Vũ Xuân Nguyệt Hồng nhấn mạnh, phải tách bạch trách nhiệm xã hội ra khỏi trách nhiệm thương mại cho các doanh nghiệp này. Bằng cách Nhà nước cho đấu thầu các công trình xã hội chứ không cho doanh nghiệp trực tiếp thực hiện, hạch toán.
Về quản lý tác động, Nhà nước cần tiếp tục cải thiện mạng lưới an sinh xã hội, thực hiện một số chính sách can thiệp để bù đắp cho nhóm người nghèo, cận nghèo, các doanh nghiệp thâm dụng năng lượng vừa và nhỏ, hộ gia đình kinh doanh, đặc biệt trong lĩnh vực dễ bị tổn thương như thủy sản, nông nghiệp. Nhà nước sắp xếp và mở rộng các chương trình hỗ trợ hiện nay, phát triển năng lực của các trung tâm hiệu quả năng lượng, các công ty dịch vụ năng lượng, tạo cơ hội để doanh nghiệp cải thiện hiệu quả năng lượng thông qua cải thiện hành vi và quy trình, đầu tư vào công nghệ.
Hỗ trợ cho cải cách cần có sự nhất trí rộng rãi đối với xóa bỏ trợ cấp và đánh thuế carbon, truyền thông mạnh mẽ về tác động tiêu cực của trợ cấp cũng như nâng cao nhận thức về các chương trình năng lượng hiệu quả.
Các nhà khoa học khẳng định, những chính sách cải cách này tiếp tục được nghiên cứu để đưa ra lộ trình hợp lý nhất, tuy nhiên cần phải quan tâm thực hiện ngay từ bây giờ, nếu cứ để thời gian qua đi vấn đề sẽ trở nên trầm trọng hơn nhiều./.