Ngày 4/5, Ủy ban Khoa học và Công nghệ Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và phái bộ Mỹ tại ASEAN đã công bố nhóm học bổng thứ hai dành cho các nhà khoa học ASEAN nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc đưa ra các quyết định chính sách dựa trên căn cứ khoa học để giải quyết một số vấn đề phát triển đầy thách thức trong khu vực.
Thông cáo báo chí của Ban Thư ký ASEAN cho biết 14 nhà khoa học mới khởi đầu sự nghiệp đến từ Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam đã giành được học bổng thông qua quá trình tuyển chọn có tính chất cạnh tranh cao.
Năm 2015 là năm thứ hai Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) hỗ trợ chương trình học bổng khoa học và công nghệ này.
Theo Đại sứ Mỹ tại ASEAN Nina Hachigian, chương trình cung cấp những cơ hội tuyệt vời cho các nhà khoa học mới bắt đầu sự nghiệp, những người sẵn sàng nghiên cứu việc áp dụng khoa học cho hoạch định chính sách. Bà khẳng định khoa học và công nghệ rất quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề chính sách.
Trưởng Ban hợp tác liên ngành Ban thư ký ASEAN Larry Maramis cho biết ASEAN rất quan tâm tới việc tăng cường và thúc đẩy sử dụng khoa học vào hoạch định chính sách trong các lĩnh vực như an ninh lương thực và năng lượng, đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu và quản lý thiên tai.
Chương trình học bổng Khoa học và Công nghệ ASEAN-Mỹ có thể xây dựng năng lực cho các nhà khoa học trong khu vực để có vai trò nổi bật hơn trong quá trình hội nhập của nước họ vào Cộng đồng ASEAN.
Bắt đầu từ tuần tới, các nghiên cứu sinh sẽ được đưa vào làm việc tại các bộ chủ quản ở nước mình trong một năm để đóng góp chuyên môn trong các lĩnh vực đa dạng sinh học, an ninh năng lượng và thủy sản và quản lý ven biển.
Mục tiêu lâu dài của chương trình là tạo ra một mạng lưới các nhà khoa học trên toàn khu vực ASEAN, không chỉ đóng vai trò kết nối lớn hơn giữa các nhà khoa học và các nhà hoạch định chính sách, mà còn góp phần vào sự phát triển chính sách tốt hơn - có tác động tích cực đến đời sống của người dân ASEAN./.