Việt Nam-Hàn Quốc hợp tác xây dựng hệ thống quản lý nước thông minh

Nhu nước dự kiến tăng 55% trong khoảng thời gian từ năm 2000-2050 sẽ gây ra những áp lực, thách thức to lớn cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội bền vững trên toàn cầu.
Việt Nam-Hàn Quốc hợp tác xây dựng hệ thống quản lý nước thông minh ảnh 1Người dân tỉnh Bến Tre tích nước trong mùa khô hạn. (Nguồn: TTXVN)

“Việt Nam là nước có nhiều tiềm năng trong lĩnh vực phát triển tài nguyên nước và Hàn Quốc là quốc gia có ‘độ chín’ về công nghệ, kinh nghiệm và năng lượng. Nếu có sự hợp tác sau diễn đàn này sẽ giúp 2 nước phát triển lên một tầm cao mới.”

Thông tin trên vừa được ông Park Jae Heyon, Vụ trưởng Vụ chính sách tài nguyên nước Hàn Quốc đưa ra tại Diễn đàn doanh nghiệp nước lần thứ 9 với chủ đề “quản lý nguồn nước thông minh,” do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và giao thông vận tải Hàn Quốc, tổ chức ngày 13/12, tại Hà Nội.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Park Jae Heyon nhấn mạnh, hiện nay, tất cả các nước trên thế giới đang phải đối mặt với nhiều vấn đề do sự nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu. Do đó, các hiện tượng như hạn hán và lũ lụt xảy ra thường xuyên ở các nước trên thế giới.

Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những vấn đề nảy sinh do quá trình đô thị hóa và sự gia tăng dân số, những thảm họa thiên nhiên như lũ lụt và tình hình thiếu nước do hạn hán ảnh hưởng nặng nề đến vùng Tam giác vàng của sông Mekong.

Trong bối cảnh trên, Diễn đàn doanh nghiệp nước lần thứ 9 là cơ hội để doanh nghiệp Hàn Quốc giới thiệu công nghệ quản lý nước thông minh đến các đại biểu tham dự cũng như trao đổi và tìm kiếm những ý tưởng hợp tác với Việt Nam.

[Yêu cầu 100 công ty gây ô nhiễm nhất chống biến đổi khí hậu]

Trên phương diện là cơ quan điều tra tài nguyên nước, ông Triệu Đức Huy - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia cho rằng, nước cần được nhìn nhận không chỉ ở khía cạnh là một nguồn tài nguyên quý giá, mà còn là chìa khóa để đảm bảo cho sự phát triển và bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, ông Huy cũng lưu ý, với nhu cầu nước ngày càng tăng (theo dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, dự kiến tăng 55% trong khoảng thời gian từ năm 2000-2050) sẽ gây ra những áp lực, thách thức to lớn cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội bền vững trên toàn cầu.

“Trước thực trạng này, việc quản lý nước thông minh là một trong những mục tiêu cao cả và quan trọng cần nỗ lực hướng tới ở cả bình diện quốc gia và quốc tế,” ông Huy nhấn mạnh.

Ông Huy cũng cho biết, Việt Nam đang hướng tới việc xây dựng hệ thống quản lý nước thông minh hơn. Một trong số các giải pháp quan trọng là thông qua hội nhập và hợp tác quốc tế, từ đó có thể trao đổi, học hỏi kinh nghiệm từ những bài học thành công về hệ thống quản lý nước thông minh tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Chẳng hạn như, hệ thống quản lý nước thông minh được triển khai tại Isreal, Singapore, Đức, Quatar, Hàn Quốc…đã giúp giảm 40-50% tỷ lệ rò rỉ nước của các quốc gia này.

Để hợp tác bền vững, ông Huy kiến nghị, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp 2 nước tập trung trao đổi về phương pháp thiết lập mạng lưới giữa các bên liên quan để xây dựng hệ thống quản lý nước thông minh, cũng như cùng nhau tìm kiếm cơ hội hợp tác phát triển, tạo ra các cơ hội kinh doanh mới trong số những đơn vị tham gia trong khu vực châu Á​-Thái Bình Dương../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục