Nhiệt độ Trái Đất vào cuối thế kỷ 21 có thể tăng cao hơn 0,5 độ C so với mức dự báo hiện nay của Liên hợp quốc, buộc chính phủ các nước phải cắt giảm khí thải mạnh mẽ hơn để hạn chế hiện tượng ấm lên toàn cầu.
Đây là kết luận của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) thuộc Liên hợp quốc đưa ra trong báo cáo công bố ngày 6/12.
Theo IPCC, nhiệt độ bề mặt Trái Đất tăng cao hơn sẽ cản trở nỗ lực kiềm chế mức tăng nhiệt dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, theo cam kết đưa ra trong Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu toàn cầu mà lãnh đạo của gần 200 quốc gia trên thế giới đã ký cách đây 2 năm.
[Trái Đất đang ngày càng tiến gần "điểm giới hạn" nguy hiểm]
Các chuyên gia thuộc Viện Khoa học Carnegie của Mỹ - nhóm tác giả của công trình nghiên cứu trên, cho rằng để đạt được mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ của Trái Đất, các nước cần cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính mạnh tay và nhanh chóng hơn.
Theo các chuyên gia, mức tăng nhiệt độ 0,5 độ C có thể kéo theo nhiều hệ quả mang tính hủy diệt, bởi chỉ với 1 độ C gia tăng tính đến nay, thế giới đã phải chứng kiến các đợt hạn hán, nắng nóng nghiêm trọng, cũng như các trận bão lớn do tác động của hiện tượng nước biển dâng.
IPCC cảnh báo tới năm 2100, nếu lượng phát thải khí carbon tiếp tục gia tăng, nhiệt độ trên bề mặt Trái Đất có thể sẽ tăng 4,8 độ C so với mức dự báo 4,3 độ C của các chuyên gia Liên hợp quốc đưa ra hồi năm 2014.
Báo cáo của IPCC được đưa ra giữa lúc các nước đang đối mặt với viễn cảnh u ám về tốc độ ấm lên của Trái Đất gia tăng, khiến các cơn bão, lũ lụt và những tác động do biến đổi khí hậu gây ra ngày càng nghiêm trọng hơn.
Trong bối cảnh đó, Tổng thống Donald Trump gần đây đã quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris, làm dấy lên quan ngại của nhiều các nước trên thế giới về cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đang mất đi động lực lớn.
Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu yêu cầu các nước tham gia thỏa thuận sẽ bắt đầu triển khai kế hoạch cắt giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính để kiềm chế mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu không quá 2 độ C, thậm chí 1,5 độ C nếu có thể so với nhiệt độ của thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp (vào khoảng thập niên 50 của thế kỷ 19).
Đây là ngưỡng mà các nhà khoa học cho rằng sẽ giúp Trái Đất tránh được những thảm họa thiên nhiên như lũ lụt, hạn hán nặng, nước biển dâng và bão lớn. Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo dù các quốc gia thực hiện các cam kết tự nguyện về cắt giảm khí thải carbon hiện nay, mức tăng nhiệt độ vẫn không thể giảm như mục tiêu./.