Việt Nam hỗ trợ châu Phi đảm bảo an ninh lương thực

Việt Nam cam kết cử các chuyên gia giỏi về nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản cũng như các lĩnh vực khác nhằm hỗ trợ các nước châu Phi đảm bảo an ninh lương thực.
Việt Nam hỗ trợ châu Phi đảm bảo an ninh lương thực ảnh 1Quang cảnh hội nghị. (Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam ở Nam Phi)

Ngày 5/5, phát biểu tại phiên thảo luận chung về "nông nghiệp và an ninh lương thực châu Phi" trong khuôn khổ Hội nghị cấp bộ trưởng lần thứ nhất nhằm kiểm điểm việc thực hiện kết quả Hội nghị cấp cao Tokyo về phát triển châu Phi (TICAD-5), Đại sứ Lê Huy Hoàng, đại diện Việt Nam, đã nhấn mạnh hiệu quả của các dự án ba bên mà Việt Nam đã triển khai trong thời gian gần đây với nguồn tài chính của JICA Nhật Bản theo khuôn khổ "Đối tác mới vì sự phát triển của châu Phi-NEPAD."

Đại sứ cho biết Việt Nam đã cử trên 400 chuyên gia sang hỗ trợ phát triển nông nghiệp tại nhiều nước châu Phi như Mozambique, Benin, Senegal... Với sự trợ giúp của chuyên gia nông nghiệp Việt Nam, năng suất trồng lúa của các dự án thí điểm tại châu Phi đều tăng từ 2 đến 3 lần (từ 2 tấn/ha lên 5-6 tấn/ha).

Đại sứ khẳng định rằng trên cơ sở những thành công vừa qua, Việt Nam sẵn sàng tham gia vào việc nhân rộng mô hình hợp tác này sang nhiều nước khác trong khu vực.

Việt Nam đánh giá cao tiến trình TICAD, mong tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Nhật Bản và các nước đối tác tham gia vào Chương trình Hành động Yokohama, cam kết tiếp tục cử các chuyên gia giỏi về nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản cũng như các lĩnh vực khác nhằm hỗ trợ các nước châu Phi đảm bảo an ninh lương thực, phát triển bền vững.

Hội nghị cấp bộ trưởng kiểm điểm Hội nghị cấp cao TICAD-5 trên diễn ra từ 3-5/5 tại thủ đô Yaounde (Cameroon) dưới sự chủ tọa của các Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản và Cameroon, cùng đại diện các tổ chức tài trợ khác là Liên minh châu Phi (AU), Liên hợp quốc, UNDP, và Ngân hàng thế giới (WB).

Tham dự hội nghị gồm 550 đại biểu trong đó có hơn 30 đại biểu cấp Bộ trưởng các Bộ Ngoại giao, Kinh tế và Tài chính của Nhật Bản và 47 quốc gia châu Phi, ngoài ra còn có đại diện của 26 nước và các tổ chức tài trợ, 23 tổ chức thuộc khu vực châu Phi và 43 tổ chức quốc tế liên quan.

Trong các phiên thảo luận chung và chuyên đề, các đại biểu tập trung trao đổi về tình hình triển khai Chương trình Hành động Yokohama 2013-2017 được thông qua tại Hội nghị cấp cao Nhật Bản-châu Phi TICAD-5 hồi tháng 6/2013, đề xuất các biện pháp nhằm đẩy mạnh hỗ trợ châu Phi về nông nghiệp (tập trung vào việc hỗ trợ giống cây trồng cho nông dân, kỹ thuật sau thu hoạch, chống hạn hán, đào tạo) nhằm đảm bảo an ninh lương thực, thống nhất chương trình phát triển châu Phi sau 2015 với trọng tâm là tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống của người dân.

Các đại biểu nhất trí đẩy mạnh hợp tác trong khuôn khổ TICAD, tăng cường liên kết với khuôn khổ hợp tác Nam-Nam nhằm hỗ trợ châu Phi phát triển nông nghiệp, xóa đói nghèo, đẩy mạnh môi trường kinh doanh, tăng quyền cho phụ nữ và thanh niên, tăng cường hành động góp phần xử lý các vấn đề về hòa bình an ninh và đẩy mạnh liên kết trong khu vực.

Trong phát biểu, đại diện nhiều nước châu Phi đánh giá cao sự trợ giúp của các nhà tài trợ, các nước đối tác khác, trong đó có Việt Nam, đã tham gia hỗ trợ các dự án thuộc tiến trình TICAD cũng như trong khuôn khổ hợp tác Nam-Nam tại châu lục này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục