Việt Nam-Hoa Kỳ luôn là đối tác kinh tế-thương mại quan trọng của nhau

Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ khẳng định Việt Nam là đối tác chủ chốt trong triển khai chính sách khu vực của Hoa Kỳ và hiện Hoa Kỳ hợp tác với Việt Nam để tăng tính tự cường của chuỗi cung ứng khu vực.
Việt Nam-Hoa Kỳ luôn là đối tác kinh tế-thương mại quan trọng của nhau ảnh 1Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Nhân dịp tham dự Tuần lễ Cấp cao khóa 78 Đại hội đồng Liên hợp quốc và hoạt động song phương tại Hoa Kỳ, sáng 20/9 (giờ địa phương) tại thành phố New York, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen để trao đổi về hợp tác song phương trong lĩnh vực kinh tế-tài chính và những vấn đề hai bên cùng quan tâm.

Cuộc gặp diễn ra trong bầu không khí chân thành, thực chất, hiệu quả.

Tại cuộc tiếp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen bày tỏ vui mừng gặp lại, nhất là ngay sau khi hai nước xác lập Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Joe Biden theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tạo xung lực mới và khuôn khổ hợp tác lâu dài cho quan hệ hai nước.

Thủ tướng Chính phủ khẳng định Việt Nam coi Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu; sẵn sàng cùng Hoa Kỳ tiếp tục thúc đẩy quan hệ phát triển sâu rộng, ổn định và thực chất.

Thủ tướng Chính phủ cho biết Việt Nam coi hợp tác kinh tế-tài chính-thương mại-đầu tư là ưu tiên của Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Hoa Kỳ; đánh giá cao cá nhân Bộ trưởng Janet Yellen và Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã có những đóng góp thực chất cho hợp tác kinh tế, tài chính.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Tài chính Hoa Kỳ tiếp tục dành nguồn lực để thúc đẩy quan hệ kinh tế-tài chính giữa Việt Nam và Hoa Kỳ; Hoa Kỳ sớm công nhận Quy chế Kinh tế Thị trường của Việt Nam.

Hai nước tăng cường đối thoại và hợp tác trong các lĩnh vực chung lợi ích như hạ tầng và dịch vụ tài chính, đào tạo nhân lực, ứng dụng công nghệ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm quản lý, vay nợ và viện trợ, thuế quan, thị trường vốn và chứng khoán; phía Hoa Kỳ hạn chế các biện pháp phòng vệ thương mại đối với các mặt hàng dệt may, da giầy, đồ gỗ và đặc biệt là nông sản, nguồn sống của nông dân Việt Nam.

[Đề nghị Hoa Kỳ hỗ trợ VN xây chuỗi cung ứng liên quan đến chip bán dẫn]

Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen chia sẻ đánh giá của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về ý nghĩa đặc biệt của chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden, cho rằng việc hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện phản ánh những bước tiến ngoạn mục trong quan hệ hai nước, tăng cường sự hiểu biết, lòng tin, thể hiện cam kết của Hoa Kỳ trong việc mở ra những cơ hội mới trong hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Bộ trưởng khẳng định kể từ khi Bình thường Hóa Quan hệ năm 1995, Hoa Kỳ và Việt Nam luôn là những đối tác kinh tế-thương mại quan trọng của nhau và Việt Nam là đối tác chủ chốt trong triển khai chính sách khu vực của Hoa Kỳ và hiện Hoa Kỳ hợp tác với Việt Nam để tăng cường tính tự cường của chuỗi cung ứng khu vực và Việt Nam có tiềm năng trong chuỗi cung ứng về bán dẫn.

Việt Nam-Hoa Kỳ luôn là đối tác kinh tế-thương mại quan trọng của nhau ảnh 2Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Bộ trưởng Yellen cảm ơn các cơ quan Chính phủ Việt Nam đã tích cực, chủ động làm việc với Bộ Tài chính Hoa Kỳ trong các nội dung về chính sách thương mại, tiền tệ và ngoại hối; ghi nhận nỗ lực của Việt Nam thời gian qua trong việc giải quyết các lo ngại của Hoa Kỳ liên quan đến những lĩnh vực trên.

Liên quan đến hợp tác tầm khu vực, Thủ tướng Chính phủ bày tỏ mong muốn Hoa Kỳ sẽ tiếp tục gắn kết chặt chẽ với quá trình phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Thủ tướng Chính phủ đề nghị Hoa Kỳ dành thêm nguồn lực, tài chính để hỗ trợ các nước tiểu vùng Mekong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Hai bên cùng điểm lại những ưu tiên hợp tác trong lĩnh vực kinh tế-tài chính quốc tế, trong đó có việc giảm thiểu rủi ro toàn cầu, phòng ngừa khủng hoảng tài chính, thúc đẩy phục hồi kinh tế-xã hội sau dịch COVID-19 và phát triển kinh tế xanh, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng chung./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục