Việt Nam, Israel khởi động đàm phán về hợp tác lao động

Hai bên nhất trí sẽ tích cực thúc đẩy để sớm hoàn tất đàm phán và đi đến ký kết Hiệp định trong thời gian sớm nhất trong năm 2021, nhằm đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Israel.
Việt Nam, Israel khởi động đàm phán về hợp tác lao động ảnh 1Đại diện các bộ, ngành của Việt Nam tham gia phiên đàm phán. (Ảnh: TTXVN phát)

Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, ngày 21/1, Việt Nam và Israel đã tiến hành phiên họp trực tuyến khởi động đàm phán Hiệp định hợp tác lao động Việt Nam-Israel.  

Phiên họp có sự tham dự của đại diện các cơ quan liên quan hai bên như: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp, Cơ quan quản lý di trú (PIBA) và Đại sứ hai nước.  

Việt Nam, Israel khởi động đàm phán về hợp tác lao động ảnh 2Đại sứ Việt Nam tại Israel Đỗ Minh Hùng và đại diện các cơ quan hữu quan của Israel (ảnh nhỏ, trên) tham gia phiên đàm phán. (Ảnh: TTXVN phát)

Tại phiên họp, hai bên đã trao đổi về các vấn đề kỹ thuật để tìm hiểu, làm rõ chính sách, quy định của hai nước về lao động cũng như các vấn đề ưu tiên và cùng quan tâm.

[Israel là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam tại Trung Đông]

Hai bên nhất trí sẽ tích cực thúc đẩy để sớm hoàn tất đàm phán và đi đến ký kết Hiệp định trong thời gian sớm nhất trong năm 2021, nhằm đưa người lao động Việt Nam sang làm việc tại Israel trong lĩnh vực nông nghiệp. 

Israel là quốc gia có nhu cầu về sử dụng lao động nước ngoài rất lớn, đặc biệt trong các lĩnh vực nông nghiệp, y tế, xây dựng, nhà hàng... trong khi Việt Nam có nguồn lao động dồi dào, chăm chỉ, được đào tạo tốt.

Việt Nam, Israel khởi động đàm phán về hợp tác lao động ảnh 3Bà Stella Rapp - Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Israel tham gia phiên đàm phán. (Ảnh: TTXVN phát)

Quan hệ hợp tác giữa hai nước đang có nhiều thuận lợi, hai nền kinh tế có nhiều lợi thế bổ sung cho nhau. Trong bối cảnh dịch COVID-19, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Israel năm 2020 ước tính chỉ giảm nhẹ so với  năm 2019.

Đáng chú ý, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều tăng mạnh như cà phê, giày dép, hạt điều, điện thoại các loại và linh kiện, thủy sản, hàng dệt may.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục