Theo phóng viên TTXVN tại New York, ngày 21/4, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thảo luận về tình hình Tây Sahara thời gian gần đây.
Phụ trách Văn phòng Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Châu Phi Michael Kingsley-Nyiah và Đặc Phái viên Đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Tây Sahara, Trưởng Phái bộ Liên hợp quốc tại Tây Sahara (MINURSO) Colin Stewart đã báo cáo tại cuộc họp.
Các báo cáo viên đánh giá tình hình Tây Sahara thời gian qua tiếp tục chứng kiến các hoạt động thù địch, không tôn trọng lệnh ngừng bắn năm 1991 và Thỏa thuận quân sự số 1 giữa các bên.
Người đứng đầu MINURSO cũng thông tin về việc Phái bộ hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong thực hiện các nhiệm vụ của mình, trong đó có việc thu thập, xác nhận thông tin trên thực địa.
Ông Colin Stewart cũng cho biết các cán bộ, nhân viên và binh sỹ tại Phái bộ đã được tạo điều kiện tiêm vaccine ngừa COVID-19.
[Nga và Algeria cảnh báo nguy cơ xung đột liên quan đến Tây Sahara]
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc chia sẻ với các đánh giá về những diễn biến bất ổn vừa qua tại Tây Sahara; kêu gọi các bên kiềm chế, không có các hành động leo thang căng thẳng, sớm quay lại đàm phán với vai trò trung gian của Liên hợp quốc.
Đại sứ chia sẻ với các khó khăn mà người dân Tây Sahara đang phải đối mặt, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19; kêu gọi ưu tiên bảo đảm việc thực hiện các hoạt động nhân đạo không bị cản trở.
Đại sứ cho rằng cần sớm bổ nhiệm Phái viên riêng của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Tây Sahara để tiếp tục triển khai các kết quả thương lượng đã đạt được trong năm 2019.
Đại sứ nhắc lại lập trường của Việt Nam là ủng hộ giải quyết vấn đề Tây Sahara thông qua các cuộc đàm phán hoà bình giữa các bên trực tiếp liên quan, trên cơ sở luật pháp quốc tế và các nghị quyết liên quan đã có từ lâu của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Đại sứ khẳng định sự cần thiết phải tìm một giải pháp công bằng, lâu dài và chấp nhận được với các bên, trong đó bảo đảm quyền tự quyết của người dân Tây Sahara, phù hợp với các nguyên tắc và mục đích của Hiến chương Liên hợp quốc vì hoà bình, hợp tác và phát triển trong khu vực.
Đại diện Việt Nam cũng nhấn mạnh vai trò của Liên hợp quốc cũng như của các bên liên quan, trong đó có Liên minh Châu Phi, trong việc hoà giải, ngăn ngừa xung đột và thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin để giải quyết vấn đề này.
Tây Sahara thuộc khu vực Bắc Phi, có dân số 550 000 người (2018) và diện tích 226.000 km2. Hiện Morocco đang kiểm soát 80% lãnh thổ Tây Sahara và nước Cộng hoà Arab Sahrawi Dân chủ (RASD) do Mặt trận Polisario thành lập kiểm soát 20%.
Năm 1991, Hội đồng Bảo an thông qua NQ 690 về kế hoạch tổ chức trưng cầu dân ý để nhân dân Tây Sahara tự quyết định độc lập hay sáp nhập vào lãnh thổ Ma-rốc và thành lập phái bộ Phái bộ Liên hợp quốc tại Tây Sahara (MINURSO)./.