Việt Nam mong muốn hợp tác với Singapore trong lĩnh vực kinh tế số

Việt Nam mong muốn tiếp tục phối hợp, hợp tác với các doanh nghiệp Singapore chú trọng đầu tư vào các ngành, lĩnh vực phù hợp với trọng điểm phát triển của Việt Nam trong thời gian tới.
Việt Nam mong muốn hợp tác với Singapore trong lĩnh vực kinh tế số ảnh 1Công ty trách nhiệm hữu hạn Dearm Tech tại VSIP Bắc Ninh. (Ảnh: Thông Hải/Báo Ảnh Việt Nam)

Ngày 2/7, Liẻn đoàn Doanh nghiệp Singapore (SBF) đã tổ chức sự kiện trực tuyến FYIstival The ASEAN Edition với chủ đề “Cơ hội và Viễn cảnh Tăng trưởng của Việt Nam 2021” nhằm cung cấp thông tin cơ bản về môi trường đầu tư cùng với những chính sách ưu đãi thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam tới cộng đồng doanh nghiệp Singapore.

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc hoan nghênh và đánh giá cao sáng kiến FYIstival của SBF để quảng bá, cung cấp thông tin về môi trường đầu tư, cơ hội kinh doanh tại Việt Nam tới các doanh nghiệp Singapore quan tâm.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, Việt Nam đang là điểm đến đầu tư của hơn 140 quốc gia, vùng lãnh thổ. Singapore là nhà đầu tư lớn thứ ba vào Việt Nam nhưng đã vươn lên vị trí dẫn đầu trong sáu tháng đầu năm 2021 với tổng vốn đầu tư khoảng 5,64 tỷ USD.

Việt Nam và Singapore có quan hệ hợp tác kinh tế chặt chẽ với khung pháp lý đầy đủ, ngày càng hoàn thiện bao gồm thỏa thuận, hiệp định song phương và trong khuôn khổ các hiệp định đa phương, tạo cơ chế thuận lợi để doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội đầu tư, hợp tác kinh doanh.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam đã và đang đánh giá rất cao các nhà đầu tư Singapore. Việt Nam mong muốn tiếp tục phối hợp, hợp tác với các doanh nghiệp Singapore chú trọng đầu tư vào các ngành, lĩnh vực phù hợp với trọng điểm phát triển của Việt Nam trong thời gian tới, tập trung vào các ngành, lĩnh vực như kỹ thuật số hóa; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo; kinh tế số…

Việt Nam cũng đang xây dựng, phát triển một số trung tâm tài chính để thu hút doanh nghiệp Singapore nghiên cứu đầu tư.

Phát biểu tại hội thảo, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã giới thiệu những điểm chính của hệ thống pháp luật về đầu tư nước ngoài của Việt Nam, trong đó đặc biệt là các nội dung chính trong Luật Đầu tư (có hiệu lực từ 01/01/2020) và các ưu đãi dành cho nhà đầu tư nước ngoài.

Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, chủ trương, chính sách và các quy định pháp lý của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng thuận lợi, nhất là đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp có dự án đầu tư lớn, sử dụng công nghệ cao, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam.

Những ưu đãi cụ thể, rõ ràng nhất đối với những nhà đầu tư tiềm năng này có thể kể đến như việc áp dụng mức thuế suất ưu đãi đặc biệt 5% hoặc miễn giảm tiền thuê đất nhiều hơn nữa đối với các nhà đầu tư đủ điều kiện.

[Singapore luôn là một trong những đối tác đầu tư hàng đầu vào Việt Nam]

Ông Đỗ Nhất Hoàng cho rằng trong thời kỳ hậu COVID-19, những ngành nghề, lĩnh vực tại Việt Nam mà các nhà đầu tư nước ngoài có thể nghiên cứu, chú ý là lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, phát triển dịch vụ chất lượng cao, logistics (lĩnh vực này Việt Nam còn dư địa phát triển rất lớn)…

Các nhà đầu tư trong lĩnh vực fintech, đổi mới sáng tạo nên chú ý, tập trung vào các khu vực đô thị, cơ sở hạ tầng phát triển như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh…

Ngoài ra, với việc Việt Nam đang nghiên cứu, phát triển một số trung tâm tài chính hướng tới kết nối tài chính với khu vực, các nhà đầu tư Singapore hoàn toàn có thể chú ý vào lĩnh vực này trong thời gian tới.

Đồng quan điểm với lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, Đại sứ Singapore tại Việt Nam ông Jaya Ratnam cũng cho rằng giáo dục đào tạo, Fintech, ví điện tử, thương mại điện tử… là những lĩnh vực, ngành nghề có nhiều cơ hội tiềm năng nhất cho các doanh nghiệp đầu tư Singapore.

Việt Nam mong muốn hợp tác với Singapore trong lĩnh vực kinh tế số ảnh 2Dây chuyền sản xuất hiện đại của Công ty Nittan Việt Nam ở VSIP Bắc Ninh. (Ảnh: Thông Hải/Báo Ảnh Việt Nam)

Tại sự kiện FYIstival về Việt Nam này, đại diện một số doanh nghiệp hai nước như tập đoàn NOVA (Việt Nam), tập đoàn GUAVA (Singapore), ngân hàng UOB Việt Nam… cũng đã trình bày, giới thiệu kinh nghiệm, cơ hội và tiềm năng đầu tư của mình thời gian tới.

Diễn đàn FYIstival là sáng kiến tổ chức theo hình thức trực tuyến được SBF đưa ra vào tháng 8/2020, bao gồm không chỉ các cuộc hội thảo, các thông tin tóm tắt về một thị trường, một quốc gia cụ thể mà còn cung cấp nền tảng kết nối trực tuyến cho các doanh nghiệp tìm kiếm các đối tác tiềm năng nước ngoài, có vai trò như một cộng đồng trực tuyến dành cho các doanh nghiệp xuyên biên giới.

Trong năm 2021, các sự kiện FYIstival sẽ tập trung vào những thị trường thuộc khu vực Nam Á, Nhật Bản và ASEAN./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục