Việt Nam - "Ngôi sao đang lên" trên thị trường bán dẫn

Theo bài viết đăng ngày 11/4 trên trang tin Tractus, Chính phủ Việt Nam đang tích cực thúc đẩy đào tạo ngành khoa học máy tính, hướng tới đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn vào năm 2030.

(Ảnh minh họa: Bloomberg)
(Ảnh minh họa: Bloomberg)

Theo bài viết đăng ngày 11/4 trên trang tin của hãng quản lý hoạt động và tư vấn chiến lược kinh doanh Tractus, Việt Nam đã chứng tỏ được vị thế lớn và ngày càng tăng trong chuỗi giá trị bán dẫn ở ASEAN trong những năm gần đây.

Tác giả bài viết cho hay thị trường chất bán dẫn được dự đoán sẽ tăng từ 17,24 tỷ USD trong năm 2023 lên 26,20 tỷ USD vào năm 2027. Việt Nam là minh chứng cho sự tăng trưởng này, nhất là khi xuất khẩu thiết bị điện sang Mỹ đã tăng vọt kể từ năm 2018.

Bài viết nhận định mức tăng phi thường này có thể là nhờ vị trí của Việt Nam nằm trên các tuyến đường hậu cần quốc tế quan trọng, với 34 bến cảng và 15 đường cao tốc chính kết nối với mạng lưới thương mại toàn cầu.

Hơn nữa, Việt Nam là nước hội nhập toàn cầu, đã ký kết 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) và có quan hệ kinh tế chặt chẽ với các nước dẫn đầu về sản xuất chip, trong đó có Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Điều này mang đến cơ hội hấp dẫn cho các tập đoàn chip muốn đa dạng hóa sản xuất.

Theo bài viết, Việt Nam có lợi thế về chi phí lao động nhờ lực lượng lao động dồi dào và chi phí sinh hoạt tương đối thấp. Chính phủ Việt Nam đang tích cực thúc đẩy đào tạo ngành khoa học máy tính, hướng tới đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn vào năm 2030.

Ngoài ra, ngành công nghiệp điện tử (EI) đang bùng nổ tại Việt Nam, dẫn đầu là các tập đoàn đa quốc gia như Samsung và Daewoo (Hàn Quốc). Ngành này đóng vai trò quan trọng trong việc gia tăng tỷ lệ vật liệu bán dẫn để chế tạo các linh kiện điện tử cần thiết.

Cũng theo tác giả bài viết, việc áp dụng công nghệ đóng gói 3D đã cách mạng hóa ngành công nghiệp, nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng. Những bước tiến trong vật liệu như gali nitrit (GaN) và cacbua silic (SiC) cũng đang mở ra những khả năng mới.

Bài viết nhận định đại dịch COVID-19 và các rào cản thương mại của Mỹ đã buộc các nhà sản xuất chất bán dẫn phải đa dạng hóa sản xuất và Việt Nam trở thành lựa chọn hấp dẫn.

Việt Nam đang tận dụng xu hướng này bằng cách đưa ra các ưu đãi cạnh tranh cho các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao.

Ngoài đầu tư nước ngoài, các tập đoàn công nghệ Việt Nam đang tích cực định hình tương lai của ngành. Đáng chú ý, tập đoàn FPT thông qua công ty con là công ty cổ phần Bán dẫn FPT (FPT Semiconductor) đã thâm nhập thị trường chế tạo phi sản xuất ở trong nước.

Bài viết kết luận rằng vị trí chiến lược, lợi thế về chi phí và ngành công nghiệp điện tử đang nở rộ ở Việt Nam đã đưa Việt Nam trở thành "ngôi sao đang lên" trên thị trường bán dẫn toàn cầu.

Với sự hỗ trợ của chính phủ, tiến bộ công nghệ và đầu tư trong và ngoài nước ngày càng tăng, Việt Nam sẽ giữ vai trò quan trọng trong tương lai của ngành công nghiệp trọng yếu này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục