Việt Nam quan ngại về vấn đề sử dụng vũ lực trong luật pháp quốc tế

Quan chức Liên hợp quốc đề nghị các nước tham gia tích cực vào thảo luận cởi mở về học thuyết quyền tự vệ và tăng cường khả năng tiếp cận các thông báo, thảo luận tại Hội đồng Bảo an về chủ đề này.
Đại sứ Đặng Đình Quý - Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc ở New York, Mỹ. (Ảnh: Hữu Thanh/TTXVN)
Đại sứ Đặng Đình Quý - Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc ở New York, Mỹ. (Ảnh: Hữu Thanh/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại New York, ngày 24/2, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tiến hành cuộc họp trực tuyến theo thể thức Arria do Mexico chủ trì về vấn đề sử dụng vũ lực trong luật pháp quốc tế, chủ thể phi quốc gia và quyền tự vệ chính đáng.

Đại diện của gần 30 nước gồm các nước thành viên Hội đồng Bảo an và các thành viên khác trong Liên hợp quốc tham dự cuộc họp.

Bà Naz Modirzadeh, Giám đốc Chương trình Luật quốc tế và Xung đột Vũ trang thuộc Đại học Luật Harvard cho rằng thời gian qua có nhiều trường hợp quốc gia sử dụng quyền tự vệ để triển khai chiến dịch quân sự tại quốc gia khác nhằm mục đích chống khủng bố quốc tế.

Trong trường hợp này, các nước liên quan không được Hội đồng Bảo an cho phép hoặc không được nước chủ nhà chấp thuận, song vẫn tiến hành với lý do nước chủ nhà không có năng lực hoặc không sẵn sàng tham gia chống khủng bố.

Bà Modirzadeh nhận thấy việc thảo luận về chủ đề này hiện chủ yếu chỉ ở trong giới học giả và rất hạn chế tại Liên hợp quốc.

Bà cho rằng các quốc gia có thẩm quyền và trách nhiệm phát hiện, xây dựng luật pháp quốc tế, bao gồm trách nhiệm bảo vệ nguyên tắc không sử dụng vũ lực.

Nếu các nước giữ im lặng thì có thể được giải thích là ngầm đồng ý với cách diễn giải mở rộng phạm vi của quyền tự vệ theo Hiến chương Liên hợp quốc.

Bà đề nghị các nước cần tham gia tích cực vào thảo luận cởi mở về học thuyết quyền tự vệ và tăng cường khả năng tiếp cận các thông báo, thảo luận tại Hội đồng Bảo an về chủ đề này.

Ý kiến phát biểu của các nước nhấn mạnh nguyên tắc không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực là nền tảng cho hệ thống an ninh tập thể thiết lập theo Hiến chương Liên hợp quốc và chức năng của Hội đồng Bảo an trong duy trì hòa bình, an ninh quốc tế.

Các đại biểu khẳng định ngoại lệ duy nhất của nguyên tắc này là sử dụng vũ lực khi được Hội đồng Bảo an cho phép hoặc khi thực hiện quyền tự vệ.

Các nước cũng kêu gọi đề cao tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc trong duy trì hòa bình, an ninh quốc tế, đồng thời trao đổi về cách hiểu, giải thích và áp dụng Điều 51 của Hiến chương Liên hợp quốc, cũng như tình hình tại một số quốc gia, khu vực cụ thể.

[Kêu gọi các bên tại CH Trung Phi giải quyết bằng biện pháp hòa bình]

Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, bày tỏ quan ngại về các trường hợp sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, trái với Hiến chương Liên hợp quốc và đe dọa hòa bình, an ninh quốc tế.

Đại sứ nhấn mạnh các quốc gia có nghĩa vụ xây dựng quan hệ hữu nghị, xây dựng văn hóa đề cao Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, tuân thủ các nguyên tắc về chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực và cần giải quyết hòa bình các tranh chấp.

Đại sứ cho rằng Hội đồng Bảo an cần thúc đẩy tuân thủ luật pháp quốc tế và tăng cường vai trò của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc như công cụ thiết yếu trong duy trì hòa bình, an ninh quốc tế, tăng cường phối hợp với tổ chức khu vực, cơ quan pháp lý quốc tế trong thúc đẩy giải quyết tranh chấp, duy trì hòa bình và ngăn ngừa xung đột.

Đại sứ khẳng định cần tránh lạm dụng hoặc giải thích lại Hiến chương Liên hợp quốc và đề nghị Hội đồng Bảo an tiếp tục tạo điều kiện cho các nước tiếp cận công việc, tài liệu của Hội đồng Bảo an nhằm thúc đẩy thảo luận cởi mở, minh bạch về chủ đề này.

Cuộc họp theo thể thức Arria là một hình thức họp không chính thức của Hội đồng Bảo an nhằm thảo luận về các vấn đề quan trọng, mới nổi, có sự tham dự của các nước trong Hội đồng Bảo an, các thành viên Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục