Việt Nam tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi hơn để thu hút và sử dụng hiệu quả FDI.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi hơn để thu hút và sử dụng hiệu quả dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết 25 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam ngày 27/3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ thực tiễn 25 năm qua cho thấy việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là một chủ trương đúng đắn, đã góp phần thực hiện nhiều mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội quan trọng của đất nước.

Đến hết tháng 2/2013, đã có 14.550 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt gần 211 tỷ USD, vốn thực hiện đạt gần 100 tỷ USD. Khu vực đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư xã hội; kim ngạch xuất khẩu chiếm trên 60% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước năm 2012; đóng góp vào ngân sách đạt 14,2 tỷ USD trong giai đoạn 2001-2010 và khoảng 3,7 tỷ USD năm 2012; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo nhiều việc làm, với trên 2 triệu lao động trực tiếp và từ 3-4 triệu lao động gián tiếp.

[25 năm FDI, nhìn lại để nâng chất lượng dòng vốn]

Trên thực tế, khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ngày càng lớn mạnh trở thành một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế đất nước, được khuyến khích phát triển ổn định, lâu dài, bình đẳng với các thành phần kinh tế khác, góp phần phát huy nội lực và lợi thế so sánh của Việt Nam, tác động tích cực đến quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

“Việt Nam đã trở thành địa điểm được ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài tin cậy, lựa chọn đầu tư, kinh doanh hiệu quả, lâu dài,” Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Bên cạnh khẳng định những đã đạt được, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ ra những yếu kém, hạn chế của hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam như tỷ trọng đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực vẫn còn mất cân đối lớn, giải ngân vốn đầu tư chậm, hiệu quả tổng hợp đầu tư nước ngoài chưa cao, đầu tư có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ mới chiếm tỷ lệ thấp... Tất cả những hạn chế, bất cập này đòi hỏi phải có các giải pháp đồng bộ, tổng thể để sớm khắc phục trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết hiện nay, Việt Nam đang nỗ lực tập trung thực hiện các nhiệm vụ chiến lược về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển nhanh và bền vững gắn với cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng; thực hiện các đột phá chiến lược.

Trong tiến trình này, Việt Nam tiếp tục hoàn thiện cơ chế thị trường, cải cách thủ tục hành chính, hệ thống tài chính, ngân hàng; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, khắc phục các yếu kém về kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội để thu hút đầu tư mạnh mẽ và hiệu quả hơn...

Để thực hiện tốt mục tiêu tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư nước ngoài, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành chức năng, chính quyền các địa phương cần phải nỗ lực phấn đấu hơn nữa trong thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm như tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; khẩn trương hoàn thiện các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách về đầu tư theo hướng thuận lợi và có tính cạnh tranh hơn so với các nước trong khu vực; tạo môi trường thuận lợi nhất cho thu hút đầu tư. Đồng thời, cần có chính sách ưu đãi cao, đủ sức hấp dẫn đối với một số dự án hạ tầng kinh tế, xã hội có quy mô lớn, có tính lan tỏa và tác động tích cực đến phát triển kinh tế-xã hội.

Các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài vào các dự án hợp tác công-tư (PPP), bố trí nguồn vốn ngân sách để đầu tư đối ứng cho các dự án PPP này...

[Cần “nhặt sạn” để rộng đường thu hút đầu tư FDI]

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các bộ, ngành chức năng bổ sung quy định về tiêu chí doanh nghiệp công nghệ cao với các ưu đãi phù hợp, có tính đến nhóm các dự án công nghệ cao có doanh thu, kim ngạch xuất khẩu hàng năm lớn và sử dụng nhiều lao động; rà soát, bổ sung cơ chế phát triển công nghiệp hỗ trợ, thị trường vốn, thị trường tài chính...

Các bộ, ngành ban hành quy định rõ các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và giới hạn đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường; yêu cầu doanh nghiệp phải công khai một số thông tin liên quan về phát thải.

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực, có quy hoạch và kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài hợp tác với các trường đại học, cao đẳng của Việt Nam để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Các đơn vị tăng cường quản lý người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam gắn với kế hoạch đào tạo cán bộ thay thế trong nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các bộ, ngành tập trung hoàn thiện quy hoạch, phát triển trên các lĩnh vực, trước hết là quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội; công bố rộng rãi các quy hoạch đã được phê duyệt, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thông tin về quy hoạch để xây dựng kế hoạch, dự án đầu tư.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các hoạt động xúc tiến đầu tư cần có trọng tâm, trọng điểm, gắn với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đất nước; có sự điều phối thống nhất trong cả nước, tăng cường hiệu quả hoạt động xúc tiến, tránh chồng chéo, cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương.

Đồng thời, cần hoàn thiện cơ chế phân cấp và công tác cấp chứng nhận đầu tư; phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương với địa phương để hạn chế thấp nhất những sai sót trong thu hút đầu tư, gây gây phương hại đến lợi ích chung của đất nước. Các cơ quan quản lý nhà nước các cấp cần thường xuyên nắm tình hình, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, nhất là việc tạo thuận lợi về cấp phép, thủ tục hành chính.

Hội nghị đã nghe Báo cáo đánh giá tổng kết 25 năm thu hút và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam do Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày cũng như báo cáo, ý kiến tham luận của các bộ, ngành, địa phương và ý kiến của nhiều đại biểu./.

Thiện Thuật (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục