Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 24/11, Hội nghị chính quyền địa phương và khu vực Đông Á lần thứ 11 đã chính thức khai mạc tại tỉnh Tây Java, Indonesia, với sự tham dự của 75 đoàn đại biểu từ 7 nước, trong đó có tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Phú Thọ của Việt Nam.
Với mục tiêu trao đổi ý kiến và giải pháp cho các vấn đề kinh tế khu vực và toàn cầu, cũng như tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư và thương mại, hội nghị bao gồm 2 phiên thảo luận về chủ đề “Thúc đẩy các ngành công nghiệp địa phương trong và sau đại dịch COVID-19” và “Thúc đẩy du lịch khu vực trong và sau đại dịch COVID-19.”
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ Phan Trọng Tấn cho biết, mặc dù chịu tác động bởi đại dịch COVID-19, xuất khẩu của địa phương này vẫn liên tục tăng, đạt 8,2 tỷ USD trong năm 2021, tăng 77% so với năm 2020 và hơn 10 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm nay, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái và nằm trong top 10 tỉnh thành có giá trị xuất khẩu cao nhất Việt Nam.
Theo ông Phan Trọng Tấn, với vị trí địa lý khá thuận lợi, Phú Thọ là một trong những điểm sáng về thu hút đầu tư trong khu vực các tỉnh phía Bắc Việt Nam với 7 khu công nghiệp và 26 cụm công nghiệp. Là một trong những tỉnh đi đầu trong cải cách hành chính theo cơ chế một cửa nhằm giảm thiểu chi phí và thời gian cho các nhà đầu tư, Phú Thọ hiện thu hút 180 doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
[Tỉnh Đồng Nai hướng tới thu hút vốn đầu tư FDI có chọn lọc]
Trong thời gian tới, Phú Thọ sẽ tập trung phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ, kinh tế xanh với mục tiêu trở thành tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi phía Bắc Việt Nam. Tỉnh cũng khuyến khích, thu hút đầu tư vào các dự án kinh doanh hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp ứng dụng công nghệ, phát triển các dịch vụ vận tải logistics; dịch vụ du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng.
Cũng tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương đã giới thiệu khái quát những thế mạnh của vùng đất cố đô với 7 loại hình di sản vật thể, phi vật thể, tư liệu được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận; thành phố Huế - địa danh được coi là “thành phố Festival” của Việt Nam với hơn 60 lễ hội diễn ra suốt 4 mùa trong năm.
Thừa Thiên Huế được xác định là trung tâm văn hóa - du lịch lớn của Việt Nam và khu vực; được định hướng trở thành thành phố trực thuộc trung ương vào năm 2025 trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế.
Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hoá, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.
Ông Nguyễn Văn Phương bày tỏ mong muốn chính phủ, chính quyền địa phương các nước trong khu vực Đông Á nói chung và Indonesia nói riêng tạo điều kiện cho các hãng hàng không của Việt Nam nghiên cứu xúc tiến mở đường bay mới đến Cảng hàng không quốc tế Phú Bài; đồng thời đề xuất phối hợp triển khai các chương trình hợp tác quảng bá du lịch, điểm đến nhằm cùng nhau hỗ trợ kích cầu du lịch và tăng cường giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân.
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cũng mong muốn các đối tác khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đến địa phương này để nghiên cứu đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch và lữ hành, đồng thời cam kết tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng nhằm biến vùng đất cố đô không chỉ là nơi “đáng để sống” mà còn là nơi “đáng để đến” của các nhà đầu tư, cũng như du khách trong nước và quốc tế./.