Việt Nam tham gia gìn giữ hòa bình LHQ: Nâng tầm thế và lực đối ngoại

Thông qua việc triển khai thành công lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Việt Nam đã khẳng định cam kết, trách nhiệm với an ninh, an toàn của khu vực và thế giới.
Việt Nam tham gia gìn giữ hòa bình LHQ: Nâng tầm thế và lực đối ngoại ảnh 1Cán bộ, chiến sỹ Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 3 tham gia đợt huấn luyện. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, cụ thể hóa đường lối hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện.

Với trên 170 lượt cán bộ, sỹ quan làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình, con số này mang giá trị biểu tượng rất lớn về hình ảnh một đất nước Việt Nam đổi mới, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Việc Việt Nam tích cực tham gia đóng góp cho hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc góp phần khẳng định đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế của Đảng, Nhà nước, phản ánh rõ nét sự đổi mới quan trọng về tư duy trong hội nhập quốc tế, đánh dấu bước phát triển mới trong quá trình hội nhập quốc tế về quốc phòng của Việt Nam nhằm đáp ứng các mục tiêu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Cũng thông qua hoạt động này, Việt Nam tiếp tục khẳng định chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, yêu chuộng hòa bình, tôn trọng các mục tiêu, tôn chỉ của Liên hợp quốc, góp phần kiến tạo và xây dựng hòa bình bền vững.

Gia tăng sức mạnh tổng hợp của đất nước

Với những kết quả trong việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, đến nay, Việt Nam đã bước đầu đạt được các mục tiêu đề ra trong Đề án tổng thể, như: Góp phần nâng cao vị trí và tiếng nói của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế, từ đó tạo thêm điều kiện thuận lợi để thúc đẩy quan hệ với các nước và đối tác; đề cao uy tín của lực lượng vũ trang Việt Nam, góp phần tăng cường hợp tác quốc tế về an ninh-quốc phòng; tăng cường phục vụ công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược, nâng cao trình độ cán bộ trong các lĩnh vực khác tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; tranh thủ sự hỗ trợ của quốc tế cho công tác đào tạo, đầu tư, hiện đại hóa một số cơ sở vật chất, trang thiết bị.

Nhiều nước, đặc biệt là các nước lớn và đối tác quan trọng đã bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trong hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, qua đó mở rộng nội hàm, làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác của ta với các nước.

[Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ: Bước phát triển mới]

Tháng 6/2019 đánh dấu một sự kiện quan trọng khi Việt Nam được bầu làm Ủy viên không Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với số phiếu kỷ lục 192/193. Kết quả này thể hiện vị thế, uy tín ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế, trong đó ghi nhận sự tham gia chủ động, tích cực của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc mà Việt Nam tiến hành thời gian qua không chỉ góp phần thực hiện chủ trương bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình mà còn cung cấp thêm chất liệu cho đối ngoại nhân dân, giúp giới thiệu với bạn bè quốc tế hình ảnh sống động, thuyết phục về một nước Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, sẵn sàng chung tay giải quyết các vấn đề mà cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt, nhất là giúp duy trì hòa bình, giải quyết khủng hoảng, làm tăng thêm sự tin cậy của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam, từ đó tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, làm gia tăng sức mạnh tổng hợp của đất nước.

Qua các kênh đối ngoại nhân dân, bạn bè quốc tế đều đánh giá cao chủ trương sáng suốt của ta và đánh giá Việt Nam tham gia có chất lượng cao vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Các sỹ quan Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, được Liên hợp quốc và nước chủ nhà đánh giá cao về năng lực, tính chuyên nghiệp, khả năng hoàn thành nhiệm vụ.

Đặc biệt, Việt Nam đã mang đến một cách tiếp cận rất mới, đó là lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc không đơn thuần hoàn thành nhiệm vụ gìn giữ hòa bình mà còn là các “sứ giả” của hòa bình và tình hữu nghị, gần gũi, gắn bó với người dân bản địa, giúp đỡ cộng đồng dân cư ở địa bàn.

Thông tin và hình ảnh về những chiến sỹ quân y Việt Nam - những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” tận tụy hết lòng chăm sóc người bệnh, trồng rau xanh, may và phát khẩu trang phòng, chống dịch COVID-19 đã làm cho người dân các nước thêm hiểu và thêm yêu mến Việt Nam, làm đẹp hơn hình ảnh “những người lính mũ nồi xanh” của Liên hợp quốc.

Nhiều câu chuyện cảm động về những người lính Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ đã tạo nên những tấm gương điển hình, có sức lan tỏa lớn trong công chúng, đặc biệt là giới trẻ, học sinh, sinh viên, có ý nghĩa sâu sắc đối với công tác giáo dục lý tưởng sống, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của nhân loại về hòa bình và tình thương yêu, sự đồng cảm, sẻ chia và ý thức trách nhiệm với cộng đồng, ý chí vượt khó khăn, phấn đấu, rèn luyện, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cao cả, hay về những vấn đề như bình đẳng giới.

Cuộc thi viết bài luận về Việt Nam và Liên hợp quốc do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức với sự có mặt của Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga - nữ sỹ quan đầu tiên của Việt Nam tham gia làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Lễ công bố tổ chức cuộc thi đã thu hút sự quan tâm tham gia của hàng trăm bạn trẻ.

Phát biểu của nữ Trung úy Sa Minh Ngọc tại phiên thảo luận trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh tháng 12/2020 được bạn bè quốc tế đặc biệt ngưỡng mộ, đánh giá cao...

Khẳng định vai trò trong tiến trình hội nhập quốc tế về quốc phòng

Chủ trương tham gia đóng góp cho hòa bình, ổn định thế giới của Việt Nam đã hình thành từ rất sớm. Quyết tâm chính trị bền vững, lâu dài của Đảng, Nhà nước, Quân đội nhân dân Việt Nam trong việc góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới được thể hiện tại Điều 65 Hiến pháp năm 2013, quy định trách nhiệm của lực lượng vũ trang nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong việc thực hiện nghĩa vụ quốc tế, theo đó, lực lượng vũ trang nhân dân có nhiệm vụ cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế.

Việt Nam tham gia gìn giữ hòa bình LHQ: Nâng tầm thế và lực đối ngoại ảnh 2Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trao Quyết định của Chủ tịch nước cho 3 sỹ quan thực hiện nhiệm vụ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Phái bộ Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Quy định trên chính là cơ sở pháp lý để Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng và các lực lượng khác của Việt Nam có cơ hội tham gia sâu rộng hơn vào các hoạt động quân sự đối ngoại hòa bình, cụ thể là vào các hoạt động gìn giữ hòa bình trong khuôn khổ của Liên hợp quốc.

Việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc cũng đồng thời là thực hiện nghĩa vụ của một quốc gia thành viên Liên hợp quốc và phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc. Việt Nam không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, luôn làm tốt vai trò là một quốc gia thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, đóng góp cho nỗ lực gìn giữ hòa bình thế giới bằng hành động cụ thể, làm tốt vai trò là một "đại sứ hòa bình," mong muốn bạn bè năm châu hiểu về một Việt Nam yêu chuộng hòa bình.

Với chủ trương đó, Bộ Quốc phòng luôn xác định đặt việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc trong sự quản lý thống nhất về đối ngoại quốc phòng, là một nội dung triển khai cụ thể công tác hội nhập quốc tế về quốc phòng.

Trong quá trình tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Việt Nam chủ động lựa chọn hình thức, quy mô, thời gian, địa bàn triển khai phù hợp với điều kiện, khả năng của Việt Nam, nhưng vẫn đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc, phản ánh đúng phương châm hội nhập quốc tế về quốc phòng theo hướng “Tích cực, chủ động, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả.”

Với phương pháp tiếp cận vững chắc, Việt Nam cử sỹ quan tham gia dưới hình thức cá nhân trước để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm trước khi cử hình thức cấp đơn vị là các bệnh viện dã chiến cấp hai tới phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan vào năm 2018.

Hình ảnh lá cờ Việt Nam tung bay, sự đóng góp tận tụy, gần gũi của Bộ đội Cụ Hồ trong thực hiện nhiệm vụ tại các phái bộ đã đóng góp quan trọng vào công tác hội nhập quốc tế về quốc phòng trên các mặt; tô đẹp hình ảnh, vị thế, uy tín của Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng và của Việt Nam nói chung trên trường quốc tế, đồng thời nâng cao năng lực, bản lĩnh, kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ tham gia vào hoạt động này.

Thông qua việc triển khai thành công lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Việt Nam đã khẳng định cam kết, trách nhiệm của một đất nước yêu chuộng hòa bình đối với an ninh, an toàn của khu vực và thế giới; xây dựng lòng tin với các đối tác, bạn bè quốc tế.

Những thành tựu của Việt Nam được bạn bè quốc tế đánh giá cao, đóng góp quan trọng vào uy tín và thành công của Việt Nam trên cương vị Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và Năm Chủ tịch ASEAN 2020.

Việc Việt Nam tiếp tục đóng góp thực chất và mở rộng quy mô, phạm vi tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã thực sự đóng góp vào hiện thực hóa mục tiêu của hội nhập quốc tế về quốc phòng: tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế; tăng cường lòng tin chiến lược, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Bên cạnh đó, đặt công tác tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc trong sự quản lý thống nhất về đối ngoại quốc phòng, trong tổng thể các hoạt động đối ngoại quốc phòng cũng góp phần phát huy tối đa những mối quan hệ quốc phòng cả song phương và đa phương, tạo điều kiện thuận lợi nâng cao năng lực, uy tín của Việt Nam.

Đến nay, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã ký nhiều Bản Ghi nhớ về hợp tác gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc song phương với các nước đối tác, trong đó đại đa số là các nước phát triển, có thực lực và nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này như Australia, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Liên bang Nga, Hàn Quốc, Hoa Kỳ.

Việt Nam cũng đã ký Hiệp định khung Việt Nam và Liên minh châu Âu liên quan đến các hoạt động quản lý khủng hoảng, trong đó có hoạt động gìn giữ hòa bình.

Trên cơ sở quan hệ song phương tốt đẹp, nhiều đối tác đã hỗ trợ Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình trên nhiều khía cạnh, từ huấn luyện-đào tạo, cơ sở hạ tầng đến trang thiết bị, phương tiện, vận chuyển người và trang bị sang Phái bộ…

Những sự hỗ trợ này là vô cùng quan trọng trong điều kiện đất nước ta còn nhiều khó khăn, kinh nghiệm tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế trên thực địa còn nhiều hạn chế.

Thời gian tới, việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Quân đội tiếp tục đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, mọi mặt của Đảng, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, theo hướng đảm bảo tính độc lập, tự chủ cũng như tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia liên quan; chủ động trong việc lựa chọn hình thức, quy mô, thời gian, địa bàn triển khai, đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc, phù hợp với điều kiện và khả năng của Việt Nam.

Để việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đạt hiệu quả ngày càng tích cực trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn cả về trang thiết bị cũng như năng lực, kinh nghiệm, Việt Nam cần tranh thủ tối đa trong các mối quan hệ song phương cũng như trên các diễn đàn đa phương với các đối tác, nhất là các đối tác giàu năng lực, kinh nghiệm để nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, tăng cường cơ sở vật chất cho ta trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình. Đây cũng là bước đi thiết thực góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục