Việt Nam tham gia thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vaccine ngừa lao mới

Vaccine ngừa lao mới khác biệt hẳn với vaccine ngừa lao hiện tiêm cho trẻ. Vaccine áp dụng công nghệ ADN giống với nguyên lý của vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer.

Tiến sỹ Đinh Văn Lượng - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng ban điều hành Dự án Phòng chống lao Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Tiến sỹ Đinh Văn Lượng - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng ban điều hành Dự án Phòng chống lao Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tiến sỹ Đinh Văn Lượng - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng ban điều hành Dự án Phòng chống lao Việt Nam cho hay Việt Nam là 1 trong 7 nước sẽ tham gia vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vaccine ngừa lao mới. Đây là vaccine sử dụng công nghệ ADN, khác với vaccine đang tiêm cho trẻ chứa vi khuẩn lao bất hoạt.

Việt Nam được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chỉ định là 1 trong 7 nước tham gia thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vaccine ngừa lao mới. Các quy trình kỹ thuật đều được thực hiện dưới sự giám sát của WHO.

Việc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của vaccine này sẽ được triển khai ở 7 quốc gia tại các châu lục khác nhau, riêng châu Á có Việt Nam và Indonesia. Thời gian dự kiến triển khai ở Việt Nam vào đầu năm 2024, tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng,

Ông Lượng phân tích vaccine ngừa lao mới này khác biệt hẳn với vaccine ngừa lao hiện tiêm cho trẻ em. Bởi vaccine phòng chống bệnh lao mới này áp dụng công nghệ ADN giống với nguyên lý của vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer. Vaccine lao tại Việt Nam hiện nay là BCG (Bacillus Calmette-Guerin), chứa vi khuẩn gây bệnh lao ở dạng bất hoạt độc lực.

“Hiệu quả của các vaccine được sản xuất theo công nghệ mới thường rất cao. Thời gian nghiên cứu vaccine khoảng 4-7 năm. Với hiệu lực bảo vệ của vaccine lao mới, WHO ước tính trong 25 năm tới loại vaccine này có khả năng ngăn chặn 8,5 triệu ca tử vong do bệnh lao trên toàn cầu,” Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho hay.

Bệnh lao thường được điều trị bằng thuốc. Vaccine lao duy nhất được sử dụng ngày nay là bacille Calmette-Guérin (BCG), lần đầu được tiêm rộng rãi vào năm 1921. BCG giúp bảo vệ trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, chống lại các dạng lao toàn thân nghiêm trọng. Tuy nhiên, vaccine này tác dụng hạn chế chống lại bệnh lao phổi ở thanh thiếu niên và người lớn.

Vì vậy, các nhà khoa học toàn cầu đã nghiên cứu loại vaccine mới với nhiều dòng khác nhau, trong đó có M72. Trong thử nghiệm giai đoạn 2b (giai đoạn chứng minh tính khả thi và thực tiễn), M72 cho thấy hiệu quả khoảng 54% trong việc giảm lao phổi ở người lớn bị nhiễm lao tiềm ẩn.

Việt Nam hiện xếp thứ 11 trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao cao nhất trên Thế giới. Với dân số 100 triệu dân, mỗi năm Việt Nam có gần 200.000 ca mắc lao mới được phát hiện, chẩn đoán, điều trị.

WHO đánh giá lao là một vấn đề y tế nghiêm trọng trên thế giới, ước tính năm 2022 có 10,6 triệu ca mắc và 1,6 triệu người tử vong.

Bệnh lao thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn. Từ khi phát bệnh đến tử vong, bệnh đã lây sang rất nhiều người khác. Vì vậy, việc phát hiện sớm, chủ động truy vết sẽ cứu sống người bệnh, đồng thời giảm nhanh nguồn lây cho cộng đồng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục