Việt Nam thăng hạng trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của EIU

Những quốc gia cải thiện nhiều nhất trong xếp hạng của EIU là Việt Nam, Thái Lan, Bỉ, Thụy Điển, Ấn Độ và Costa Rica, trong đó Việt Nam được đánh giá là có động lực lớn nhất, tăng 12 bậc.
Việt Nam thăng hạng trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của EIU ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Cơ quan nghiên cứu và phân tích EIU thuộc tập đoàn tư vấn Economist Group (Anh) vừa công bố bảng xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu quý 2/2023, trong đó ghi nhận Việt Nam có mức thăng hạng nhiều nhất trong số các nền kinh tế được xếp hạng.

EIU đưa ra nhiều hạng mục đánh giá hoạt động quản lý kinh tế trong 5 năm qua và triển vọng 5 năm tới của các quốc gia/vùng lãnh thổ, qua đó đánh giá chất lượng hoặc mức độ hấp dẫn của môi trường kinh doanh tại 82 quốc gia và nền kinh tế.

Những quốc gia cải thiện nhiều nhất trong xếp hạng của EIU trong năm qua là Việt Nam, Thái Lan, Bỉ, Thụy Điển, Ấn Độ và Costa Rica.

[Infographics] Kinh tế Việt Nam dự báo tăng trưởng tốt nhất khối ASEAN  

Trong số đó, Việt Nam được đánh giá là có động lực lớn nhất, tăng 12 bậc trong bảng xếp hạng, trong khi Thái Lan tăng 10 bậc và Ấn Độ tăng 6 bậc.

Trong bảng xếp hạng EIU năm 2023, Singapore giữ vững vị trí là môi trường kinh doanh tốt nhất thế giới trong năm thứ 15 liên tiếp và sẽ tiếp tục là địa điểm tốt nhất để triển khai hoạt động kinh doanh trong 5 năm tới.

EIU đánh giá Singapore đạt điểm tuyệt đối trong các chính sách với đầu tư nước ngoài, kiểm soát ngoại hối và ngoại thương.

Singapore cũng là quốc gia đạt điểm cao nhất về mức độ sẵn sàng công nghệ - dấu hiệu cho thấy có các chính sách của chính phủ nhằm phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ và hệ sinh thái khởi nghiệp.

Chính phủ nước này cũng đi tiên phong trong việc triển khai các giải pháp công nghệ cao trong các dịch vụ công.

Canada và Đan Mạch cùng được xếp ở vị trí thứ 2. Ngoài ra, có 4 nền kinh tế châu Âu cùng với Mỹ, Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) và New Zealand nằm trong top 10. Trong tốp 20  của danh sách có 4 nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương là Australia, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc.

Trong khi đó, các nước hạ bậc đáng kể nhất là Trung Quốc, Bahrain, Chile và Slovakia. Trung Quốc là quốc gia rớt hạng sâu nhất trên toàn cầu, hạ 11 bậc so với một năm trước đó.

EIU cho biết dù nước này đã nới lỏng đáng kể các chính sách phòng dịch COVID-19 nhưng những thay đổi về quy định và chi phí tăng đã gây sức ép lên môi trường kinh doanh và giảm cơ hội cho các nhà đầu tư quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục