Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngày 24/11, Bộ đã phối hợp với Văn phòng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) tại Hà Nội tổ chức Hội thảo tham vấn các bên liên quan về “Sáng kiến Quốc gia Giáo dục về Phát triển Bền vững (GDPTBV) 2030”.
“Sáng kiến Quốc gia Giáo dục vì sự Phát triển Bền vững đến năm 2030” được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) khởi xướng và thúc đẩy trên toàn thế giới, đặc biệt là những quốc gia và vùng lãnh thổ có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục vì sự phát triển bền vững, góp phần thúc đẩy sự đóng góp của học tập nhằm giải quyết những thách thức của nhân loại, gắn với tính bền vững. Giáo dục vì sự phát triển bền vững trang bị cho người học ở mọi lứa tuổi kiến thức, kĩ năng, giá trị và thái độ để giải quyết những thách thức đan xen trên toàn cầu gồm biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, sử dụng tài nguyên không bền vững, bất bình đẳng…
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách và hoạt động nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo như cải cách giáo dục phổ thông; đổi mới chương trình giảng dạy; xây dựng các trường đại học tiên tiến hướng đến chuẩn mực khu vực và thế giới; hỗ trợ giáo dục cho người nghèo, vùng núi, vùng sâu vùng xa; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục và khoa học công nghệ.
Theo báo cáo Giáo dục thế giới năm 2020 của UNESCO, Việt Nam là một trong những quốc gia có tiến bộ lớn nhất trong việc thực hiện mục tiêu giáo dục toàn cầu của Liên hợp quốc. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có kết quả cao nhất trong kỳ thi PISA 2018.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, để giáo dục thực sự trở thành động lực cho sự phát triển bền vững cần làm nhiều hơn nữa. Nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị Quốc tế về giáo dục vì sự phát triển bền vững của UNESCO, năm 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện các bước để xây dựng sáng kiến quốc gia về giáo dục phát triển bền vững tới năm 2030, làm chiến lược bao trùm chung về giáo dục phát triển bền vững với mục đích tăng cường các nỗ lực hiện tại và thúc đẩy sự phối hợp, hướng tới tác động trên toàn quốc.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nhấn mạnh phát triển bền vững không chỉ là phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, mà còn phải đảm bảo những nhu cầu cơ bản của con người, trong đó phát triển vì sự hạnh phúc của loài người là điều nhân loại đang hướng tới và được đặt ra trong tương lai.
Việt Nam là hình mẫu trong thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững
Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết nhiều nước coi Việt Nam là hình mẫu trong thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững và thúc đẩy cải tổ hệ thống phát triển Liên hợp quốc.
Thứ trưởng cho rằng trong giáo dục, vấn đề phát triển vì sự hạnh phúc rất quan trọng và cần phải giải quyết 3 vấn đề, đó là giải quyết mối quan hệ giữa người với người, giữa con người với thiên nhiên và mối quan hệ với chính mình. Vì thế, hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang thực hiện hiệu quả chương trình “Trường học hạnh phúc”.
Đại diện UNESCO, bà Miki Nozawa, Trưởng phòng Giáo dục, UNESCO Hà Nội cho biết Việt Nam là một trong những nước tiên phong trong tuyên bố cam kết thực hiện khung toàn cầu mới về giáo dục phát triển bền vững 2030 tại Hội nghị Thế giới về giáo dục vì Phát triển Bền vững của UNESCO tổ chức vào tháng 5/2021 tại Đức.
“Sở dĩ chúng ta có mặt ở đây, bởi chung một mối quan tâm về những thách thức mang tính bền vững mà hành tinh của chúng ta đang đối mặt, và tính cấp thiết cần tăng cường hành động. Và tôi tin vào sức mạnh của giáo dục có thể thay đổi cách mà chúng ta hành động. Giáo dục vì sự phát triển bền vững đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Chúng tôi rất vui mừng vì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khởi xướng và sẵn sàng tham gia vào quá trình này”, bà Miki Nozawa chia sẻ.
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã cho ý kiến đóng góp cho Báo cáo hiện trạng về Giáo dục phát triển bền vững ở Việt Nam và dự thảo “Sáng kiến quốc gia về giáo dục phát triển bền vững” đồng thời xác định và đồng thuận về các bước tiếp theo cho chiến lược quốc gia ESD 2030 và sự phối hợp liên ngành trong nỗ lực chung này đến năm 2030.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, giáo dục phát triển bền vững là lĩnh vực rất sâu rộng, vì vậy cần sự huy động của các bên liên quan để các hoạt động triển khai được bền vững và hiệu quả. Các sáng kiến giáo dục phát triển bền vững sẽ khả thi và hiệu quả khi có sự ủng hộ và tham gia của các bên liên quan, như Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội… và các bộ ban ngành liên quan khác.
Bên cạnh đó còn cần phối hợp cùng các tổ chức, đặc biệt các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp và cộng đồng địa phương trong các hoạt động, đặc biệt trong những hoạt động diện rộng, mang tầm chiến lược quốc gia./.