Vietcombank sẵn sàng đáp ứng thanh toán trực tuyến dịch vụ công

Thời gian qua Vietcombank đã luôn đi đầu trong ứng dụng công nghệ, tập trung nguồn lực cho ứng dụng công nghệ thanh toán cho tất cả khách hàng, dịch vụ công.
Vietcombank sẵn sàng đáp ứng thanh toán trực tuyến dịch vụ công ảnh 1Bà Phùng Nguyễn Hải Yến phát biểu tại hội thảo. (Nguồn: CTV)

Tại hội thảo “Xã hội không tiền mặt: Chính sách và thực tiễn tại Việt Nam” vừa được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Thông tin và truyền thông, Báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, bà Phùng Nguyễn Hải Yến, Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho biết ngân hàng này đã sẵn sàng đáp ứng ở mức độ cao nhất trong mở rộng thanh toán trực tuyến các dịch vụ công.

Trong thời gian qua Vietcombank đã tích cực phối hợp với các cơ quan nhà nước đẩy mạnh triển khai với việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ cao nhất (mức độ 4), tạo thuận lợi tối đa cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến.

[Đẩy mạnh thanh toán điện tử trong lĩnh vực dịch vụ công]

Bà Yến chia sẻ, ở góc độ ngân hàng thương mại, Vietcombank đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện để sẵn sàng đáp ứng cho việc mở rộng thanh toán các dịch vụ công, từ các kênh thanh toán truyền thống đến hiện đại như QR Code, thanh toán không tiếp xúc… Thời gian qua Vietcombank đã luôn đi đầu trong ứng dụng công nghệ, tập trung nguồn lực cho ứng dụng công nghệ thanh toán cho tất cả khách hàng, dịch vụ công. Điển hình như phối hợp thu thuế nội địa và thuế xuất nhập khẩu, bao gồm tại quầy, ATM, mobile banking, internet banking tại toàn bộ chi nhánh của Vietcombank. 

Vừa qua, Vietcombank đã phối hợp triển khai thanh toán dịch vụ hành chính công cho tỉnh Quảng Ninh với hơn 1.300 dịch vụ công trực tuyến và hàng nghìn loại thuế phí, dán mã QR Code tại các cơ quan hành chính tại Quảng Ninh để người dân, doanh nghiệp có thể thanh toán các loại thuế, phí qua internet banking, mobile banking…; phối hợp với các tỉnh, thành khác trên toàn quốc để mở rộng mô hình này.

Tại hội thảo, bà Yến cũng đã đề xuất một số giải pháp để nâng cao hiệu quả trong cung ứng thanh toán dịch vụ công.

Cụ thể, đối với các đơn vị hành chính công cần có sự vào cuộc tích cực và trách nhiệm của các địa phương trong việc sẵn sàng về cơ sở dữ liệu và hạ tầng kỹ thuật kết nối với hệ thống thanh toán của ngân hàng; cũng như xây dựng lộ trình rõ ràng đưa danh mục dữ liệu lên mức  độ 3 và 4 để tiến tới việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt đối với các dịch vụ công, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để doanh nghiệp, người dân hiểu các tiện ích của dịch vụ, yên tâm về tính an toàn của dịch vụ, cũng như nắm bắt được rõ ràng quy trình thực hiện, từ đó khuyến khích người dân có thói quen sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Ngoài ra, về phía các cơ quan quản lý nhà nước, Vietcombank cũng đề xuất các bộ ngành liên quan cần ưu tiên rà soát và ban hành các văn bản liên quan để hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc thanh toán dịch vụ công trực tuyến qua các ngân hàng như định danh khách hàng, chứng từ hóa đơn điện tử…

Vietcombank sẵn sàng đáp ứng thanh toán trực tuyến dịch vụ công ảnh 2Khách hàng tham dự gian hàng của Vietcombank. (Nguồn: CTV)

Phối hợp cùng Ban tổ chức, Vietcombank đã tham gia công tác hỗ trợ nhiều hoạt động trong khuôn khổ hội thảo, bố trí gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm dịch vụ mới, hiện đại của Vietcombank cũng như thông tin, tư vấn cho các đại biểu quan tâm đến các lĩnh vực hoạt động và nhu cầu tìm hiểu, sử dụng sản phẩm dịch vụ của Vietcombank.

Hiện nay, các công nghệ mới, hiện đại trong thanh toán như việc áp dụng xác thực vân tay, nhận diện khuôn mặt, sử dụng mã phản hồi nhanh (QR Code), mã hóa thông tin thẻ (Tokenization), thanh toán phi tiếp xúc, công nghệ mPOS,... hiện được các ngân hàng nghiên cứu, hợp tác và ứng dụng, đặc biệt là việc thanh toán bằng QR Code gắn với đẩy mạnh thanh toán qua điện thoại di động hợp với xu thế phát triển trên thế giới và hành vi người tiêu dùng.

Ngoài ra, thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng cũng được đẩy mạnh. Hiện có khoảng 50 ngân hàng đã thỏa thuận phối hợp thu thuế điện tử với ngành thuế, hải quan trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố và 768 quận, huyện trên cả nước. 95% số thu hải quan thực hiện qua ngân hàng; 99% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục