Vietnam Airlines xin duy trì niêm yết trên HOSE: Chuyên gia nói gì?

Với việc tiếp tục lỗ hơn 8.421 tỷ đồng, Vietnam Airlines lần đầu ghi nhận âm vốn chủ sở hữu và cổ phiếu của doanh nghiệp có thể đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc theo Luật Chứng khoán.
Vietnam Airlines xin duy trì niêm yết trên HOSE: Chuyên gia nói gì? ảnh 1Cổ phiếu HVN trên sàn HOSE

Trước kiến nghị của Vietnam Airlines gửi Chính phủ cho phép xem xét doanh nghiệp này là trường hợp đặc biệt được duy trì niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE trong giai đoạn ngắn khi có thể bị âm vốn chủ sở hữu, các chuyên gia đã bày tỏ nhiều ý kiến khác nhau xung quanh việc này.

Theo ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI), theo khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, cổ phiếu sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc nếu kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong ba năm liên tục; tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp; vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.

Thực tế, thị trường chứng khoán chưa ghi nhận tiền lệ về việc duy trì niêm yết cổ phiếu nếu vi phạm quy định này. Với trường hợp của Vietnam Airlines, ông Lê Ngọc Nam cho rằng đây mới chỉ là kiến nghị và cũng có thể là một trong những phương án để xem xét hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn ngắn có thể bị âm vốn chủ sở hữu, bên cạnh những phương án khác.

Bên cạnh kiến nghị trên, Vietnam Airlines cũng kiến nghị Chính phủ cho chủ trương xây dựng gói giải pháp hỗ trợ tiếp theo cho doanh nghiệp này cùng với đề án tái cơ cấu tổng thể Vietnam Airlines, đồng thời, cho phép hãng này sớm mở lại đường bay quốc tế đi, đến các quốc gia được coi là an toàn với COVID-19.

Đặt vấn đề kiến nghị của Vietnam Airlines ở một góc nhìn khác, một chuyên gia chứng khoán cho rằng, doanh nghiệp này vẫn còn lựa chọn xuống giao dịch tại sàn UPCoM. Điều này được ghi nhận tại khoản 4 Điều 20 Nghị định 60/2015/NĐ-CP ngày 26/6/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 58/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán.

Cổ phiếu của công ty hủy bỏ niêm yết nhưng vẫn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng phải đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM ngay sau khi hủy bỏ niêm yết.

Tuy nhiên, theo chuyên gia này, việc chuyển giao dịch tại sàn UPCoM có thể khiến doanh nghiệp phải đối mặt với hạn chế về huy động vốn nếu cần. Hiện, nhiều quỹ quy định rõ tiêu chuẩn khi mua cổ phiếu; trong đó, có tiêu chuẩn cổ phiếu phải giao dịch ở sàn HOSE, nhất là các quỹ ngoại.

[Thị trường chứng khoán trồi sụt mạnh trong phiên sáng 27/9]

Bên cạnh đó, theo quy định của một số công ty chứng khoán, có những mã cổ phiếu UPCoM không được phép giao dịch ký quỹ. Như vậy, sẽ giảm bớt sự tham gia của nhiều nhà đầu tư muốn mua cổ phiếu.

Trước đó, Vietnam Airlines vừa kết thúc đợt phát hành thêm cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ. Sau khi hoàn thành đợt phát hành này, vốn điều lệ của Vietnam Airlines tăng lên 22.143 tỷ đồng, tương đương gần 1 tỷ USD.

Cụ thể, đợt phát phát hành kết thúc với 796,1 triệu cổ phiếu được phân phối cho 27.627 cổ đông, tương ứng 99,51% tổng số cổ phiếu chào bán thu về hơn 7.961 tỷ đồng. Số tiền này sẽ được Vietnam Airlines bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và bù đắp thâm hụt dòng tiền, qua đó, giúp cải thiện năng lực tài chính vốn đang chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19.

Về kết quả kinh doanh, lợi nhuận của Vietnam Airlines liên tục chịu ảnh hưởng mạnh bởi dịch COVID-19 từ năm 2020. Báo cáo tài chính hợp nhất mới đây ghi nhận lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần hợp nhất giảm gần 44% về mức hơn 14.126 tỷ đồng. Lỗ sau thuế hơn 8.585 tỷ đồng; trong đó, lỗ của riêng công ty mẹ hơn 8.421 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gần 5.144 tỷ.

Vietnam Airlines xin duy trì niêm yết trên HOSE: Chuyên gia nói gì? ảnh 2Máy bay của hãng hàng không Vietnam Airlines. (Nguồn: Vietnam+)

Như vậy, với việc tiếp tục lỗ hơn 8.421 tỷ đồng, Vietnam Airlines lần đầu ghi nhận âm vốn chủ sở hữu và cổ phiếu của doanh nghiệp có thể đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc theo Luật Chứng khoán.

Theo dữ liệu giao dịch, từ ngày 15/4/2021, cổ phiếu HVN đã bị đưa vào diện cảnh báo từ 15/4/2021 do lợi nhuận sau thuế năm 2020 và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại thời điểm 31/12/2020 âm.

Sau thông tin kiến nghị của Vietnam Airlines, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines vẫn "đỏ sàn," ứng giá 25.550 đồng/đơn vị tại chốt phiên giao dịch hôm nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục