Tuần qua, thị trường chứng khoán ghi nhận ba phiên giao dịch giảm điểm và hai phiên hồi phục. VN-Index giảm 1,47 điểm (-0,1%) xuống 1.351,17 điểm, chạm mức cao nhất 1.365,92 điểm và thấp nhất 1.324,82 điểm.
Mặt khác, HNX-Index lại có tuần thứ 9 tăng điểm liên tiếp với ba phiên đi lên điểm và hai phiên điều chỉnh. Tổng cộng, HNX-Index tăng 1,66 điểm (+0,5%) lên 359,63 điểm, chạm mức cao nhất và thấp nhất lần lượt tại 365,75 điểm và 354,3 điểm.
Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trên hai sàn
Trên HoSE, khối ngoại tiếp tục bán ròng 811,58 tỷ đồng với khối lượng ròng 29,66 triệu đơn vị. Trong đó, mã chứng khoán bị bán ròng nhiều nhất là FUEVFVND với 17,4 triệu chứng chỉ quỹ, tiếp theo là mã VPH với 10,1 triệu cổ phiếu. Ở chiều ngược lại, mã MBB được các nhà nước ngoài mua ròng lớn nhất, đạt 7,6 triệu cổ phiếu.
Phía sàn HNX, nhà đầu tư nước ngoài cũng bán ròng với giá trị 125,21 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng ròng 3,11 triệu cổ phiếu. Trong đó, mã BCC bị bán ròng mạnh nhất với 838.000 cổ phiếu, kế đến là mã VNR 630.000 cổ phiếu. Song, cổ phiếu CEO được họ mua ròng nhiều nhất với 595.000 cổ phiếu.
Về thanh khoản, giá trị giao dịch khớp lệnh trong tuần đã gia tăng so với tuần trước đó, đạt khoảng 25.300 tỷ đồng/phiên trên hai sàn. Tính chung cả tuần, giá trị giao dịch trên HoSE đạt 107.830 tỷ đồng (tăng 1,8%), tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 15% với 4.194 triệu cổ phiếu. Đồng thời, giá trị giao dịch trên HNX đạt 18.774 tỷ đồng (tăng 6,1%), khối lượng giao dịch tăng 9,8% với 950 triệu cổ phiếu.
Diễn biến trong tuần, các nhóm cổ phiếu chủ chốt trên thị trường có sự phân hóa mạnh. Cụ thể, nhóm ngành ngân hàng tăng 1,2% giá trị vốn hóa với mã tiêu biểu, như VCB (+2,4%), TCB (+1,7%), MBB (+3,1%), ACB (+1,3%), TPB (+2%), SHB (+0,7%)... Nhóm dịch vụ tiêu dùng cũng tăng 1,2% giá trị vốn hóa, trong đó MWG (+6,1%), DGW (+1%)...
Ngược lại, sắc đỏ phủ kín khiến ngành nguyên vật liệu giảm mạnh nhất 2,3% giá trị vốn hóa với các cổ phiếu thuộc ngành con thép, như HPG (-1,9%), HSG (-2,4%), NKG (-1,3%)... cùng nhóm cổ phiếu hóa chất-phân bón, như DPM (-1%), DCM (-2%), DGC (-5,1%)...
Ngoài ra, cổ phiếu nhóm ngành công nghệ thông tin cũng giảm 1,7%, ngành công nghiệp giảm 1,6%, ngành dầu khí giảm 0,9%, nhóm tiện ích cộng đồng giảm 0,4%...
Top 5 mã cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trên sàn HoSE:
Thị trường giao dịch thận trọng
Ông Nguyễn Đình Thắng, chuyên viên phân tích, Công ty Chứng khoán SHS cho biết thị trường điều chỉnh trong hai phiên đầu tuần do tâm lý nhà đầu tư chịu tác động tiêu cực từ vụ khủng hoảng của Tập đoàn Evergrande với khoản nợ khổng lồ 300 tỷ USD. Tuy nhiên sau đó tâm lý thị trường trong nước đã lấy lại sự phục hồi khi các thị trường chứng khoán trên thế giới đồng loạt đi lên, nhất là sau tuyên bố từ cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (ông Jerome Powell vẫn được Nhà Trắng ủng hộ cho việc tái nhiệm và nếu lịch sử lặp lại, một quyết định có thể được đưa ra bất kỳ lúc nào trước cuộc họp của Fed diễn ra vào đầu tháng 11).
[Chứng khoán châu Á biến động trái chiều do ảnh hưởng của Evergrande]
Nhờ đó, sau cả tuần giao dịch chỉ số VN-Index ghi nhận mức giảm điểm nhẹ. Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng điểm tiêu cực trên thị trường là việc khối ngoại tiếp tục bán ròng với khoảng hơn 900 tỷ đồng tại hai sàn. Song từ góc nhìn kỹ thuật, VN-Index có mức chốt tuần trên ngưỡng tâm lý 1.350 điểm nên vẫn còn khả năng tiếp tục đi lên.
“Dự báo, trong tuần giao dịch ngày 27/9-1/10, VN-Index có thể hồi phục trở lại để hướng đến vùng kháng cự tiếp theo khoảng 1.375-1.380 điểm, trong điều kiện ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.350 điểm được giữ vững. Và ở kịch bản tiêu cực, trường hợp VN-Index mất ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.350 điểm, chỉ số này có thể hướng đến vùng hỗ trợ tiếp theo trong khoảng 1.325-1.340 điểm. Do đó, các nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu lớn có thể theo dõi những phiên hồi phục để giảm tỷ trọng. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt cao cũng nên đứng ngoài và quan sát thị trường, chưa nên mua vào ở thời điểm hiện tại,” ông Thắng thận trọng nói.
Theo nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), VN Index nhìn chung vẫn đang dao động trong vùng 1,350 điểm (+/- 20 điểm) trong khoảng ba tuần trở lại đây. Bên cạnh đó, dòng tiền vẫn tương đối hạn chế và thanh khoản chưa có dấu hiệu cải thiện lớn. Về phân tích cơ bản, mặc dù Chính phủ vẫn luôn thể hiện quyết tâm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm 2021 song tâm lý của nhiều nhà đầu tư trên thị trường vẫn khá dè dặt trong việc giải ngân, nhất là trong giai đoạn “trống vắng” thông tin như hiện tại.
Song, báo cáo VCBS chỉ ra điểm tích cực là VN-Index có những phản ứng hồi phục tích cực quanh vùng hỗ trợ 1.330 điểm. Do đó, chiến lược đầu tư thích hợp sẽ là giao dịch “lướt sóng” ngắn hạn trong biên độ hẹp với yêu cầu tuân thủ chặt chẽ kỷ luật đầu tư (trong trường hợp thị trường bất ngờ xuất hiện xu hướng mới và biến động vượt ngoài kỳ vọng)./.