VINACOMIN đề nghị giảm thuế xuất khẩu than đá

VINACOMIN đề nghị giảm thuế xuất khẩu xuống mức 10% để đảm bảo xuất khẩu được than, ổn định sản xuất và tạo nguồn thu ngân sách.
Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (VINACOMIN) vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giảm thuế xuất khẩu than đá năm 2012 xuống mức 10% để đảm bảo cho Tập đoàn xuất khẩu được than, ổn định sản xuất và việc làm cho thợ mỏ, đồng thời tạo nguồn thu cho ngân sách.

Theo VINACOMIN, hiện nay thị trường than cạnh tranh gay gắt, do khủng hoảng, suy giảm kinh tế toàn cầu, giá cả thị trường giảm mạnh, nhiều nước giảm thuế xuất khẩu than xuống để cạnh tranh.

Các nước có thuế xuất khẩu than hợp lý đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước này tiêu thụ được than, góp phần ổn định kinh tế xã hội. Trong đó, Indonesia hàng năm sản xuất khoảng 340 triệu tấn, xuất khẩu khoảng 280 triệu tấn thì thuế xuất khẩu là 0%, Australia có sản lượng tương đương Indonesia cũng áp dụng thuế xuất khẩu 0.

Trung Quốc là nước sản xuất trên 3 tỷ tấn/năm, vừa xuất khẩu và nhập khẩu than hàng trăm triệu tấn/năm, nhưng thuế xuất khẩu than cũng chỉ có 10%, Mông Cổ áp dụng thuế xuất khẩu than tùy theo chủng loại chất lượng cao thì thuế suất cao hơn nhưng tối đa không quá 7%…

Trong khi đó, Việt Nam áp dụng thuế suất 20% cho nên trong lúc này doanh nghiệp Việt Nam không thể bán được than.

Nếu tính các khoản thuế đối với than xuất khẩu của Việt Nam, ngoài thuế xuất khẩu 20% thì thuế giá trị gia tăng đầu vào than xuất khẩu không khấu trừ 10%, các thuế phí khác khoảng 10% (gồm thuế tài nguyên bình quân 6%, phí môi trường 10.000 đồng/tấn, chi phí môi trường, thăm dò,…), tổng số khoảng 40%.

Như vậy, sau khi xuất khẩu ngành than chỉ còn 60% để cân đối chi phí sản xuất (gồm khấu hao khoảng 10%, tiền lương công nhân mỏ khoảng 18%, mua nguyên vật liệu, nhiên liệu, động lực và các chi phí khác khoảng 32%,... Sau khi trừ thuế xuất khẩu, VINACOMIN không bù đắp được chi phí cho nên không thể xuất khẩu được, khi đó, Nhà nước cũng không thu được thuế vì không có sản lượng than xuất khẩu để tính thuế.

Trong khi than không xuất khẩu được, VINACOMIN bị lỗ trên 8.000 tỷ đồng do phải bán than cho sản xuất điện dưới giá thành sản xuất. Mặc dù giá than bán cho sản xuất điện đã được tăng 10-11,5% từ ngày 1/7 (theo quy định tại Thông tư 17/2010/TT-BCT ngày 29/6/2012 của Bộ Công Thương), song tổng giá than mới chỉ tăng được gần 300 tỷ đồng, trong khi tổng số giá than bán cho điện thấp hơn giá thành là 8.500 tỷ đồng. Với khoản tiền trên 8.000 tỷ đồng, VINACOMIN hiện nay chưa có nguồn nào để bù đắp.

Hiện nay, do sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nên VINACOMIN đã tạm thời cắt giảm nhiều khoản chi phí từ 15-20%, tạm thời lùi lại đất bóc đến năm sau mới thực hiện trên 15% so với yêu cầu kỹ thuật-công nghệ mỏ, chi phí hạ tầng, môi trường và thậm chi tiền lương công nhân mỏ (trừ thợ lò) đã phải giảm hai lần trên 10%.

Đại diện VINACOMIN cho hay: “Như vậy, cả hai nội dung điều chỉnh giá than để bù đắp chi phí và tăng sản lượng xuất khẩu tương ứng than trong nước tiêu thụ giảm để ổn định việc làm cho thợ mỏ đều chưa thực hiện được theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thậm chí than xuất khẩu theo kế hoạch cũng không thể đạt được nếu giữ thuế xuất khẩu như hiện nay.”

Nếu không xuất khẩu được than, trong khi vẫn phải bù cho điện trên 8.000 tỷ đồng/năm,VINACOMIN không có điều kiện duy trì sản xuất và xây dựng mỏ mới nhằm đảm bảo sản lượng theo quy hoạch ngành than, đảm bảo nhu cầu than tăng cao cho nền kinh tế từ các năm 2014-2015; việc làm và thu nhập của thợ mỏ bị ảnh hưởng nghiêm trọng (trên 10 vạn công nhân viên sản xuất than và khoảng bốn lần số đó những người trong gia đình thợ mỏ và các ngành nghề phục vụ trên vùng mỏ); nộp ngân sách trung ương và địa phương bị giảm sút nghiêm trọng...

Do đó, để đảm bảo cho việc xuất khẩu được than, ổn định sản xuất, việc làm cho công nhân vùng mỏ, cũng như tạo nguồn thu cho ngân sách, VINACOMIN kiến nghị Chính phủ xem xét sớm điều chính giảm thuế xuất khẩu than đá năm 2012 xuống mức 10%.

Hơn nữa, dù thuế xuất khẩu có giảm xuống 10%, VINACOMIN có cố gắng phấn đấu cũng khó đạt được Kế hoạch xuất khẩu năm 2012 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (14,5 triệu tấn), chứ chưa nói đến bù được phần giảm năm triệu tấn do các hộ trong nước giảm sản xuất không mua than theo hợp đồng đã ký (vì thời gian còn năm tháng, mà sản lượng còn lại theo kế hoạch trên 50%). Vì vậy, việc giảm thuế xuất khẩu than sớm trong lúc này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cho ngành than của đất nước và an sinh xã hội trên địa bàn./.

T.T (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục