Vĩnh Phúc: Huyện Tam Đảo đón khoảng 1 triệu lượt du khách

Khu du lịch Tam Đảo hiện có 125 cơ sở lưu trú, trong đó có 50 khách sạn, 27 homestay, villa và 48 nhà nghỉ, với tổng số gần 2.400 phòng.
Vĩnh Phúc: Huyện Tam Đảo đón khoảng 1 triệu lượt du khách ảnh 1Một góc thị trấn Tam Đảo. (Nguồn: tamdao.vinhphuc.gov.vn)

Tính đến hết tháng 9/2019, huyện Tam Đảo đón khoảng 1 triệu lượt du khách, trong đó, thị trấn Tam Đảo đón khoảng 311.000 lượt khách, khu danh thắng Tây Thiên đón 773.000 lượt khách.

Du lịch dịch vụ phát triển cùng với các lĩnh vực kinh tế khác đã góp phần tạo nguồn thu ngân sách cho huyện Tam Đảo.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện ước thực hiện 9 tháng đầu năm nay là 647 tỷ đồng, tăng gần 3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhằm tiếp tục tăng cường các hoạt động du lịch, tạo động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội trên địa bàn huyện phát triển, huyện Tam Đảo đã tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch, dịch vụ; tập trung quản lý, khai thác các khu, điểm du lịch.

Đồng thời, huyện tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ tại các nhà hàng, khách sạn.

Ủy ban Nhân dân huyện đã ban hành Kế hoạch triển khai các hoạt động du lịch năm 2019 và tổ chức thành công chương trình khai trương mùa du lịch Tam Đảo năm 2019; thành lập Ban Tổ chức quảng bá bản sắc văn hóa Tam Đảo tại phố đi bộ Hồ Gươm, Hà Nội.

Để góp phần đa dạng hóa hình thức du lịch, mở rộng không gian, Ủy ban Nhân dân huyện đã giao các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, các hộ gia đình và người dân xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng tại thị trấn Tam Đảo và xã Đạo Trù.

[Vĩnh Phúc hướng tới trung tâm du lịch khu vực phía bắc năm 2020]

Tam Đảo có điều kiện tự nhiên phong phú, đa dạng để khai thác phát triển du lịch, bao gồm rừng nguyên sinh, hồ, đập, thác nước, suối, hang động và núi cao.

Vườn quốc gia Tam Đảo với hàng trăm loài động vật, cây quý hiếm cần được bảo vệ. Đặc biệt, khu nghỉ mát Tam Đảo nằm ở độ cao hơn 900m so với mặt nước biển, nhiệt độ trung bình năm là 18 độ C, là nơi nghỉ dưỡng lý tưởng cho du khách, nhất là vào mùa hè.

Trên địa bàn huyện có hệ thống di tích thờ thần, phật rất phong phú và đa dạng, phân bổ ở hầu khắp các địa phương như: Đền thờ Quốc Mẫu Tây Thiên Lăng Thị Tiêu, Đền Bà chúa Thượng Ngàn, Đền thờ Đức Thánh Trần, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên...

Các lễ hội được tổ chức hàng năm gắn với các di tích lịch sử văn hóa, các đình, đền, chùa thu hút một lượng lớn khách du lịch hành hương về với Tam Đảo.

Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện còn lưu giữ được các giá trị văn hóa phi vật thể như hát Soọng cô, chợ tình, các nghi lễ trong đám cưới truyền thống của đồng bào các dân tộc.

Với những tiềm năng và lợi thế về du lịch tự nhiên và du lịch nhân văn nói trên, là cơ sở để huyện Tam Đảo phát triển du lịch văn hóa tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng, trải nghiệm, có hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, chuyên nghiệp, đảm bảo chất lượng; sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, mang đậm bản sắc của địa phương.

Để tập trung xây dựng thương hiệu trong ngành "công nghiệp không khói," huyện Tam Đảo quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết phát triển du lịch trên địa bàn, từ đó xây dựng kế hoạch đầu tư các dự án cho từng thời kỳ, tạo cơ sở để thu hút, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư vào các khu, điểm du lịch của huyện như Khu du lịch Tam Đảo 1, Tam Đảo 2, hồ Làng Hà, hồ Xạ Hương, khu vực Tây Thiên và Đạo Trù…; quy hoạch hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa như Cụm di tích Tây Thiên (gồm các xã Tam Quan, Đại Đình), di tích thờ Thất vị Đại Vương và địa điểm bắn rơi máy bay Mỹ của xã Bồ Lý và Đạo Trù; quy hoạch các trung tâm thương mại của Hợp Châu, thị trấn Tam Đảo, Tây Thiên; khu vui chơi giải trí, khu thể thao của trung tâm huyện, khu vực dịch vụ và bán hàng lưu niệm phục vụ du khách, xây dựng các chợ, trung tâm thương mại.

Tập trung đầu tư, khuyến khích phát triển du lịch, những năm qua, huyện Tam Đảo đã thu hút các dự án đầu tư vào du lịch với số vốn lên đến hàng nghìn tỷ đồng như Trung tâm văn hóa lễ hội Tây Thiên, cáp treo Tây Thiên, sân golf, khu nghỉ mát Tam Đảo và nhiều dự án trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa…

Bên cạnh đó, nhiều cá nhân, cơ sở, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở vật chất kinh doanh dịch vụ du lịch với hệ thống nhà hàng, cơ sở lưu trú, các dịch vụ vui chơi, giải trí, điểm dừng chân mua sắm… đáp ứng nhu cầu du khách.

Khu du lịch Tam Đảo hiện có 125 cơ sở lưu trú, trong đó, có 50 khách sạn, 27 homestay, villa và 48 nhà nghỉ, với tổng số gần 2.400 phòng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục