Việt Nam-Hàn Quốc đã chính thức ký Hiệp định Thương mại tự do (VKFTA) hồi đầu tháng Năm, nội dung đàm phán được giới chuyên gia đánh giá là cao hơn, mở cửa sâu và rộng hơn so Hiệp định khu vực Thương mại tự do ASEAN-Hàn Quốc(AKFTA) trước đó.
Thị trường thế mạnh
Theo bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong số các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký thì AKFTA là hiệp định thương mại mà doanh nghiệp trong nước tận dụng được các cơ hội nhiều nhất. Tính tới thời điểm hiện tại, tỷ lệ doanh nghiệp tận dụng thuế quan ưu đãi trong các hiệp định thương mại tự trung bình khoảng 30%, nhưng tại AKFTA, con số này lên tới 80%-90%.
Trong hai thập kỷ qua, thương mại song phương hai nước có sự tăng trưởng mạnh. Báo cáo từ Bộ Công Thương cho thấy, thương mại hai chiều Việt Nam-Hàn Quốc tăng hơn 57 lần từ 0,5 tỷ USD (năm 1992) lên 28,8 tỷ USD (năm 2014), hiện Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ ba vào Việt Nam và Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ sáu của Hàn Quốc.
Theo ông Hongsun, Tổng thư ký Phòng Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam, với hiệp định thương mại tự do này, Chính phủ hai nước đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai bên lên 70 tỷ USD vào năm 2020 (tăng trung bình 20% mỗi năm).
Trong Hiệp định VKFTA vừa ký kế, tại lĩnh vực thương mại dịch vụ, Việt Nam sẽ mở cửa hơn cho Hàn Quốc so với cam kết WTO và Hiệp định AKFTA trong hai phân ngành: dịch vụ quy hoạch đô thị và kiến trúc cảnh quan đô thị, dịch vụ cho thuê máy móc và thiết bị. Bên cạnh đó, Hàn Quốc mở cửa thêm cho Việt Nam ở năm phân ngành: dịch vụ pháp lý, dịch vụ chuyển phát, dịch vụ bảo dưỡng và sửa chữa đường sắt, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường sắt, dịch vụ nghiên cứu và phát triển khoa học tự nhiên.
Về thương mại hàng hóa, Việt Nam sẽ có nhiều lợi ích xuất khẩu hơn trong những nhóm hàng thuộc thế mạnh, như nông sản, thủy sản, hoa quả, dệt may, giày dép, đồ gỗ…
“Bánh lái” trong tay doanh nghiệp
Song ông Phạm Khắc Tuyên, Trưởng phòng Đông Bắc Á, Vụ thị trường Châu Á, Bộ Công Thương đã thẳng thắn chỉ ra, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế, do đó các nhà cung cấp dịch vụ trong nước cần phối hợp với các doanh nghiệp Hàn Quốc để khai thác một số lĩnh vực tiềm năng như pháp lý, chuyển phát, chuyển lưu lượng quốc tế về Việt Nam và ngược lại.
Tương tự trong xuất khẩu hàng hóa, ông Hongsun cho biết, các thủ tục nhập khẩu vào Hàn Quốc khá phức tạp nên doanh nghiệp Việt Nam cũng nên hợp tác với các công ty, tập đoàn Hàn quốc. Hơn nữa, Việt Nam chưa có chợ đầu mối có đẳng cấp, hiện đại nên phụ thuộc nhiều vào khâu trung gian.
Trong khi các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản… xuất khẩu cần phải kiểm soát từ khâu sản xuất, kiểm tra vệ sinh thực phẩm và cần có trung tâm giao dịch đầu mối, lưu kho các sản phẩm.
“Ở Việt Nam vào mùa vụ, hoa quả rất nhiều và giá rất rẻ, nhưng trái vụ thì không có sản phẩm hàng hóa, trong khi ở Hàn Quốc hệ thống kho lạnh rất phát triển có bảo quản và bán ra trên thị trường quanh năm,” ông Hongsun nói.
Điều đáng lưu ý, ông Hongsun đưa ra cảnh báo, không phải một trăm phần trăm công ty Hàn Quốc làm ăn đàng hoàng, lành mạnh, do đó các doanh nghiệp Việt Nam cần phải có chính sách nghiên cứu đối tác hoặc tìm hiểu thông tin về đối tác và thị trường từ Phòng Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Nhìn chung, Hiệp định VKFTA sẽ mang lại cho doanh nghiệp Việt Nam những cơ hội về mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng lợi thế cạnh tranh với các đối tác trong khu vực, nâng hiệu quả nhập khẩu trong nhóm hàng nguyên-phụ liệu đồng thời thu hút hợp tác, huy động vốn đầu tư từ Hàn Quốc.
Tuy nhiên, bà Trang nhấn mạnh, “tại thời điểm ký kết các hiệp định, người ta luôn nhìn thấy những cơ hội, nhưng sau đó các cơ hội đã rơi rụng dần. Việc ký kết các hiệp định thương mại tự do được ví như Chính phủ đã mở ra con đường, song đi trên đó như thế nào lại tùy thuộc vào sự chủ động của doanh nghiệp,” bà Trang nói.
Theo các chuyên gia, để tận dụng các cơ hội từ các Hiệp định AKFTA, VKFTA, doanh nghiệp trong nước cần chủ động tìm hiểu thông tin cam kết hội nhập để có kế hoạch sản xuất, kinh doanh, chủ động đổi mới trang thiết bị, nâng cao năng lực của người lao động…
“Doanh nghiệp cũng cần chú ý tới văn hóa kinh doanh của người Hàn Quốc, thói quen kinh doanh của họ là nhanh, cường độ làm việc cao và ‘chữ tín' là đặc biệt quan trọng,” ông Tuyên nhấn mạnh./.